hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 03/11/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Hạn mức công nhận đất ở trước năm 1993 được quy định thế nào?

Hạn mức công nhận đất ở trước năm 1993 được quy định thế nào là một vấn đề đang được nhiều bạn đọc thắc mắc và quan tâm. Dưới đây là giải đáp về vấn đề này.

Mục lục bài viết
  • Hạn mức công nhận đất ở trước năm 1993 được quy định thế nào?
  • Cách xác định hạn mức đất ở như thế nào?
  • Có được cấp sổ đỏ cho đất ở vượt hạn mức không?
Câu hỏi: Bố tôi có một mảnh đất khoảng 300m2 từ trước năm 1993 nhưng chưa được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất với mảnh đất đó. Luật sư cho tôi hỏi hạn mức công nhận đất ở trước năm 1993 là bao nhiêu và quy định như thế nào? Xin cảm ơn Luật sư.

Hạn mức công nhận đất ở trước năm 1993 được quy định thế nào?

Hạn mức công nhận đất ở do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định, tại mỗi khu vực vùng miền, tỉnh thành sẽ khác nhau phụ thuộc vào quy hoạch, số lượng nhân khẩu, diện tích đất, đặc tính địa lý. Cụ thể:

Hạn mức công nhận đất ở trước năm 1993 được quy định thế nào?Hạn mức công nhận đất ở trước năm 1993 được quy định thế nào?

- Đối với đất ở tại nông thôn: Dựa vào quỹ đất, quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch phát triển nông thôn của địa phương, Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định hạn mức công nhận đất ở tại nông thôn sao cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh ở từng địa phương (theo khoản 2 Điều 143 Luật Đất đai 2013).

- Đối với đất ở tại đô thị: Uỷ ban nhân dân tỉnh dựa trên quy hoạch sử dụng đất, xây dựng đô thị, quỹ đất của địa phương để quyết định hạn mức đất ở cho mỗi gia đình, cá nhân (theo khoản 4 Điều 144 Luật Đất đai 2013).

Căn cứ theo Điều 100 Luật Đất đai 2013; Điều 21 Nghị định 43/2014/NĐ-CP và  Điều 11 Nghị định 104/2022/NĐ-CP, việc công nhận đất trước năm 1993 cần thỏa mãn các điều kiện sau: 

Trường hợp 1: Có giấy tờ liên quan đến quyền sử dụng đất

(1) Đất phải được sử dụng một cách ổn định theo quy định tại Điều 21 Nghị định 43/2014/NĐ-CP:

- Sử dụng đất liên tục vào một mục đích chính nhất định từ thời điểm đất được sử dụng vào mục đích đó cho đến khi đất được cấp Giấy chứng nhận 

- Thời điểm bắt đầu xác định việc sử dụng đất ổn định được căn cứ vào một trong các giấy tờ liên quan đến mảnh đất đang sử dụng đó như: 

  • Biên lai nộp tiền; 

  • Biên bản xử phạt hành chính; 

  • Quyết định hoặc bản án của Tòa án; 

  • Quyết định giải quyết tranh chấp; 

  • Quyết định giải quyết khiếu nại tố cáo; 

  • Giấy tờ về đăng ký hộ khẩu thường trú, tạm trú; 

  • Giấy tờ nộp tiền điện, nước và các khoản nộp khác có ghi địa chỉ nhà ở tại thửa đất đăng ký.

(2) Có một trong số các loại giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều 100 Luật đất đai 2013, cụ thể bao gồm:

- Giấy tờ quyền sử dụng đất trước 15/10/1993 cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước;

- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời cấp/có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất, sổ địa chính trước 15/10/1993;

- Giấy tờ hợp pháp chứng minh việc thừa kế, tặng cho đất/tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhận nhà tình nghĩa, tình thương;

- Giấy tờ chuyển nhượng đất, mua bán nhà ở có xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã đã sử dụng đất trước ngày 15/10/1993;

- Giấy tờ hoá giá, thanh lý nhà ở, mua nhà ở thuộc quyền sở hữu của Nhà nước;

- Giấy tờ đất do cơ quan nhà nước chế độ cũ cấp;

- Một số giấy tờ khác lập trước 15/10/1993 theo quy định.

Trường hợp 2: Không có giấy tờ liên quan đến quyền sử dụng đất.

Căn cứ Điều 20 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP cần phải đáp ứng các điều kiện sau đây: 

- Đất được sử dụng, xây dựng công trình trước 15/10/1993 hoặc từ 15/10/1993 đến ngày 1/07/2004 và việc sử dụng đất không vi phạm pháp luật về Đất đai.

- Có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc không có tranh chấp sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. 

- Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là phù hợp với quy hoạch của địa phương, hoặc nếu không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất tại địa phương thì thời điểm sử dụng đất trước thời điểm phê duyệt quy hoạch.

Cách xác định hạn mức đất ở như thế nào?

Cách xác định hạn mức đất ở như thế nào?Cách xác định hạn mức đất ở như thế nào?

Theo Điều 103 Luật đất đai 2013, để xác định hạn mức đất ở, cần dựa vào các giấy tờ pháp lý về quyền sử dụng đất tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 100 của Luật Đất đai 2013. Cụ thể, cách xác định hạn mức đất ở như sau:

Trường hợp 1: Nếu một trong giấy tờ pháp lý về quyền sử dụng đất trên có ghi rõ diện tích đất ở thì diện tích đất ở được xác định theo giấy tờ đó 

Trường hợp 2: Nếu giấy tờ pháp lý về quyền sử dụng đất trên không ghi rõ diện tích đất ở thì hạn mức công nhận tối đa không quá 05 lần so với diện tích đất ở được quy định tại địa phương đó, và phù hợp với tình thực tế tại địa phương.

Hạn mức đất ở sẽ được Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ vào tình hình thực trạng tại địa bàn để ban hành diện tích đất ở cho khu vực của mình. Ví dụ, tại địa bàn Thành Phố Hồ Chí Minh căn cứ Quyết định số 70/QĐ-UBND ngày 07/01/2014:

“ Đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú  tại các Quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú diện tích đất ở không quá 160m2/hộ; các Quận 2, 7, 9, 12, Bình Tân, Thủ Đức và thị trấn các huyện: Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè không quá 200m2/hộ;  huyện Cần Giờ và các khu dân cư nông thôn diện tích đất ở không quá 300m2/hộ; và không quá 250m2/hộ đối với Khu quy hoạch phát triển đô thị.”

Có được cấp sổ đỏ cho đất ở vượt hạn mức không?

Việc cấp sổ đỏ cho đất ở vượt hạn mức sẽ tuỳ vào từng trường hợp cụ thể, bao gồm:

Trường hợp 1: Có giấy tờ pháp lý về quyền sử dụng đất

Căn cứ Điều 100 Luật Đất đai 2013, nếu giấy tờ pháp lý về quyền sử dụng đất xác định rõ phần diện tích đất ở được công nhận lớn hơn hạn mức công nhận đất ở theo quy định của địa phương thì phần vượt hạn mức đó vẫn sẽ được công nhận

Trường hợp 2: Không có giấy tờ pháp lý về quyền sử dụng đất  

Căn cứ Điều 100 Luật Đất đai 2013, Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP cá nhân/hộ gia đình sử dụng đất có nhà ở, công trình xây dựng khác xây dựng trước ngày 15/10/1993 mà diện tích thửa đất  nhỏ hơn/bằng hạn mức công nhận đất ở tại địa phương thì toàn bộ thửa đất được công nhận là đất ở. 

Nếu diện tích thửa đất có nhà ở lớn hơn  hạn mức công nhận đất ở tại địa phương thì chỉ công nhận bằng hạn mức. 

Trường hợp diện tích đất xây dựng nhà ở và các công trình phục vụ đời sống lớn hơn hạn mức công nhận đất ở thì công nhận diện tích đất ở theo diện tích thực tế đã xây dựng nhà ở và các công trình phục vụ đời sống đó. 

Đối với nhà ở xây dựng sau ngày 01/07/2004, sẽ không được cấp sổ đỏ cho phần đất ở vượt hạn mức quy định.

Trên đây là thông tin liên quan đến hạn mức công nhận đất ở trước năm 1993. Nếu cần giải đáp thắc mắc liên quan về pháp lý, vui lòng liên hệ tổng đài theo hotline  19006199 để được hỗ trợ nhanh chóng nhất.

Nguyễn Văn Tuấn

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Tuấn

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X