hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 01/11/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Hạn mức giao đất cho cá nhân: Đất ở, đất nông nghiệp

Nhà nước quy định hạn mức sử dụng đất nhằm đảm bảo sự công bằng giữa mọi người và đảm bảo cá nhân sử dụng đất một cách hiệu quả, có trách nhiệm. Vậy hạn mức giao đất cho cá nhân được quy định như thế nào? 

 
Mục lục bài viết
  • Giao đất là gì? Điều kiện giao đất cho cá nhân sử dụng?
  • Hạn mức giao đất cho cá nhân đối với đất nông nghiệp
  • Hạn mức giao đất cho cá nhân đối với đất phi nông nghiệp 
  • Trường hợp đất ở tại khu vực nông thôn
  • Trường hợp đất ở tại khu vực thành thị
Câu hỏi: Cho tôi hỏi khi được Nhà nước giao đất, diện tích đất được giao có bị giới hạn không? Hạn mức giao đất cho cá nhân được quy định như thế nào? Đất ở và đất nông nghiệp giao cho cá nhân có cùng chung một hạn mức không?

Giao đất là gì? Điều kiện giao đất cho cá nhân sử dụng?

Giao đất được định nghĩa tại Khoản 7 Điều 3 Luật Đất đai 2013 là việc Nhà nước giao quyền sử dụng đất (hay còn gọi là Nhà nước ban hành quyết định giao đất) cho các đối tượng có nhu cầu sử dụng đất (bao gồm hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo) nhằm trao quyền sử dụng đất cho các đối tượng này.

Điều kiện để cá nhân được Nhà nước giao đất:

- Cá nhân muốn được Nhà nước giao đất phải viết đơn xin giao đất.

- Việc giao đất cho cá nhân phải đảm bảo tuân theo kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được CQNN có thẩm quyền phê duyệt.

- Ngoài ra, còn căn cứ vào nhu cầu sử dụng đất của cá nhân được thể hiện trong đơn xin giao đất.

Nhà nước giao đất cho cá nhân thông qua 02 hình thức sau:

- Giao đất không thu tiền sử dụng đất.

- Giao đất có thu tiền sử dụng đất.

Ủy ban nhân dân cấp huyện là cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định giao đất cho cá nhân.

Điều kiện giao đất cho cá nhân

Điều kiện giao đất cho cá nhân

Hạn mức giao đất cho cá nhân đối với đất nông nghiệp

Đất nông nghiệp được quy định tại Khoản 1 Điều 10 Luật Đất đai 2013 bao gồm:

- Đất nông nghiệp trồng cây hàng năm (lúa, cây trồng hàng năm khác)

- Đất trồng cây lâu năm

- Đất nuôi trồng thủy sản

- Đất làm muối

- Đất rừng sản xuất

- Đất rừng phòng hộ

- Đất rừng đặc dụng

- Đất khác: đất để xây dựng nhà kính, nhà khác để phục vụ ngành nông nghiệp trồng trọt; đất để xây dựng trang trại, chuồng trại phục vụ ngành chăn nuôi; đất trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản để phục vụ mục đích học tập, nghiên cứu; đất ươm giống cây trồng.

Theo quy định tại Điều 129 Luật Đất đai 2013, hạn mức giao đất cho cá nhân đối với đất nông nghiệp trong trường hợp cá nhân đó trực tiếp sản xuất nông nghiệp như sau:

- Không vượt quá 03 héc ta (ha) cho mỗi loại đất (đất trồng cây hàng năm/đất nuôi trồng hải sản/đất làm muối) ở các tỉnh, thành phố trực thuộc TW khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

- Không vượt quá 02ha cho mỗi loại đất (đất trồng cây hàng năm/đất nuôi trồng hải sản/đất làm muối) ở các tỉnh, thành phố trực thuộc TW khác.

- Không vượt quá 10ha đối với đất trồng cây lâu năm tại các xã, phường, thị trấn ở vùng đồng bằng.

- Không vượt quá 30ha đối với đất trồng cây lâu năm tại các xã, phường, thị trấn ở vùng trung du, miền núi.

- Không vượt quá 30ha đối với đất rừng phòng hộ hoặc đất rừng sản xuất.

Lưu ý: Nếu cá nhân được giao nhiều loại đất cùng lúc (đất trồng cây lâu năm/đất nuôi trồng hải sản/đất làm muối).

Nếu được giao thêm đất trồng cây lâu năm thì hạn mức đất không được vượt quá 05ha tại các xã, phường, thị trấn  vùng đồng bằng; hoặc không được vượt quá 25ha tại các xã, phường, thị trấn ở vùng trung du, miền núi.

Nếu được giao thêm đất rừng sản xuất, hạn mức giao đất cho cá nhân không được vượt quá 25ha.

Hạn mức giao đất cho cá nhân

Hạn mức giao đất cho cá nhân 

Hạn mức giao đất cho cá nhân đối với đất phi nông nghiệp 

Đất phi nông nghiệp (chỉ tính đất giao cho cá nhân) được quy định tại Khoản 2 Điều 10 Luật Đất đai 2013 bao gồm:

- Đất ở tại khu vực nông thôn.

- Đất ở tại khu vực thành thị.

Trường hợp đất ở tại khu vực nông thôn

Cá nhân được giao đất ở tại khu vực nông thôn bao gồm đất dùng vào mục đích xây dựng nhà ở, công trình phục vụ đời sống, vườn tược, ao thuộc thửa đất của khu dân cư nông thôn.

Đất ở được Nhà nước giao cho cá nhân phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn ở địa phương đã được CQNN có thẩm quyền phê duyệt.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 143 Luật Đất đai 2013, hạn mức giao đất cho cá nhân đối với đất ở khu vực nông thôn sẽ căn cứ vào quỹ đất của địa phương đó và quy hoạch phát triển nông thôn mà đã được CQNN có thẩm quyền phê duyệt. Hạn mức giao đất cho cá nhân làm nhà ở tại nông thôn được UBND cấp tỉnh quy định.

Trường hợp đất ở tại khu vực thành thị

Cá nhân được giao đất ở tại khu vực đô thị bao gồm đất dùng vào mục đích xây dựng nhà ở, công trình phục vụ đời sống, vườn tược, ao thuộc thửa đất của khu dân cư đô thị.

Đất ở được Nhà nước giao cho cá nhân phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng điểm dân cư đô thị đã được CQNN có thẩm quyền phê duyệt.

Tương tự như đất ở tại khu vực nông thôn, hạn mức giao đất cho cá nhân đối với đất ở khu vực thành thị sẽ do UBND cấp tỉnh quy định căn cứ vào quỹ đất của địa phương đó, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng.

Trên đây là chia sẻ của chúng tôi về vấn đề hạn mức giao đất cho cá nhân. Nếu quý bạn đọc còn bất kỳ thắc mắc gì trong quy định về giao đất và hạn mức giao đất, hay cần được hướng dẫn viết đơn xin giao đất, vui lòng liên hệ chúng tôi qua hotline  19006199 để được hỗ trợ.

Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X