Khi xây nhà, một trong những vấn đề rắc rối là bị hàng xóm cản trở. Hàng xóm không cho xây nhà, tôi phải làm gì để bảo vệ quyền lợi?
Hàng xóm không cho xây nhà, phải làm gì?
Chào bạn. Tình trạng của bạn không phải hiếm trên thực tế. Khi gặp trường hợp này, trước hết bạn cần xác định và đánh giá việc xây dựng nhà của bạn ảnh hưởng thế nào tới những ngôi nhà xung quanh. Chẳng hạn, việc xây nhà có làm lún, nứt, thấm, dột hoặc có nguy cơ sụp đổ nhà bên cạnh hay không? Nếu có, thì việc họ ngăn cản bạn xây nhà bạn cũng nên xem xét cẩn thận, bởi nếu gây ra thiệt hại thì việc bồi thường sẽ rất tốn kém.
Tuy nhiên, nếu đã xác định việc xây nhà của mình không lấn sang đất hàng xóm, không làm ảnh hưởng tới các công trình lân cận, bạn nên ưu tiên thương lượng trước với hàng xóm để giải quyết khúc mắc. Các tranh chấp về đất đai luôn ưu tiên tự hòa giải với nhau trước tiên.
Trường hợp hòa giải vẫn không thành, đã xin được giấy phép xây dựng thì bạn cứ tiếp tục xây nhà, bởi đây là quyền lợi của bạn. Thủ tục xin giấy phép xây dựng - điều kiện để được xây nhà cũng không yêu cầu phải xin phép hàng xóm.
Theo Điều 169 Bộ luật Dân sự 2015, khi thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản, chủ thể có quyền yêu cầu người có hành vi cản trở trái pháp luật phải chấm dứt hành vi đó hoặc có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người đó chấm dứt hành vi vi phạm.
Như vậy, nếu bạn thương lượng không thành bạn có quyền yêu cầu Tòa án cấp huyện nơi có đất hoặc cơ quan khác như Công an cấp xã nơi bạn cư trú giải quyết việc hàng xóm không cho bạn xây nhà.Theo Điều 12 Luật Đất đai 2013, hành vi cản trở, gây khó khăn đối với việc thực hiện quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật bị nghiêm cấm.
Bởi vậy, người nào thực hiện hành vi bị cấm sẽ bị xử phạt.
Theo quy định tại Nghị định 91/2019, người nào đưa vật liệu xây dựng hoặc các vật khác lên thửa đất của người khác hoặc thửa đất của mình mà gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 01 - 03 triệu đồng.Với người đưa chất thải, chất độc hại lên thửa đất của người khác hoặc thửa đất của mình gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác bị phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng.
Trường hợp đào bới, xây tường, làm hàng rào gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác bị phạt từ 05 - 10 triệu đồng.
Đồng thời, các hành vi trên đều phải khôi phục lại tình trạng ban đầu.
Hàng xóm không cho trát tường thì giải quyết làm sao?
Chào bạn, Điều 245 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
Quyền đối với bất động sản liền kề là quyền được thực hiện trên một bất động sản (gọi là bất động sản chịu hưởng quyền) nhằm phục vụ cho việc khai thác một bất động sản khác thuộc quyền sở hữu của người khác (gọi là bất động sản hưởng quyền).
Điều này có nghĩa là, nếu nhu cầu hợp lý thì chủ của bất động sản chịu hưởng quyền phải có nghĩa vụ cho chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền sử dụng diện tích liền kề.
Việc thực hiện quyền này không phải tùy tiện mà phải tuân theo một số nguyên tắc như:- Bảo đảm nhu cầu hợp lý của việc khai thác bất động sản hưởng quyền (nhà đang xây) phù hợp với mục đích sử dụng của cả bất động sản hưởng quyền và bất động sản chịu hưởng quyền (hàng xóm của nhà đang xây).
- Khi được hưởng quyền kông được lạm dụng quyền đối với bất động sản chịu hưởng quyền.
- Không được thực hiện hành vi ngăn cản hoặc làm cho việc thực hiện quyền đối với bất động sản hưởng quyền trở nên khó khăn (không làm khó việc hàng xóm xây nhà).
Như vậy, nếu bạn xây nhà dẫn đến có nhu cầu trát vữa, sơn tường thì chủ sở hữu của bất động sản liền kề phải có trách nhiệm đáp ứng về quyền sử dụng bất động sản liền kề theo quy định của pháp luật miễn bạn phải đáp ứng các nguyên tắc nêu trên (quy định tại Điều 248 Bộ luật Dân sự 2015).
Nếu hàng xóm từ chối cho bạn trát tường, bạn có thể thương lượng, thỏa thuận với hàng xóm để được thực hiện quyền này và đề xuất đền bù nếu để xảy ra thiệt hại.
Nếu vẫn không được, bạn có thể gửi đơn khiếu nại tới Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc khởi kiện ra Tòa án quận/huyện để buộc họ phải đồng ý chấp nhận yêu cầu của bạn.
Trên đây là giải đáp hàng xóm không cho xây nhà, cần làm gì để bảo vệ quyền lợi? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.