hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 25/04/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Phải làm gì khi hàng xóm nuôi gà gây ô nhiễm môi trường?

Tình trạng ô nhiễm sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân xung quanh khu vực bị ô nhiễm cũng như các khu vực lân cận. Vậy nếu hàng xóm làm ô nhiễm môi trường thì sao, có nên báo cáo chính quyền không?

Mục lục bài viết
  • Hàng xóm làm ô nhiễm môi trường, có nên báo chính quyền?
  • Chăn nuôi trong khu vực cấm, bị phạt thế nào?
  • Đơn khiếu nại hàng xóm làm ô nhiễm môi trường

Hàng xóm làm ô nhiễm môi trường, có nên báo chính quyền?

Câu hỏi: Hàng xóm nhà tôi có nuôi khoảng chục con gà trên sân thượng, vì nhà ở sát nhau nên mùi hôi từ chuồng gà bốc lên ảnh hưởng đến những nhà xung quanh, nhất là những hôm trời nắng. Chúng tôi có góp ý nhưng tình trạng không thay đổi. Cho tôi hỏi, trường hợp này chúng tôi có báo chính quyền địa phương được không?

Theo như câu hỏi của bạn, thì hàng xóm nhà bạn có nuôi khoảng chục con gà, đây thuộc trường hợp chăn nuôi nông hộ.

Điều 56 Luật Chăn nuôi 2018 đã quy định các yêu cầu đối với chăn nuôi nông hộ như sau:

- Chuồng nuôi phải tách biệt nơi ở của người

- Định kỳ vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi

- Có các biện pháp vệ sinh phòng dịch phù hợp; thu gom, xử lý phân, nước thải chăn nuôi, xác vật nuôi và chất thải chăn nuôi khác theo quy định…

Bên cạnh đó, để xử lý chất thải trong chăn nuôi nông hộ thì chủ chăn nuôi nông hộ phải có biện pháp xử lý phân, nước thải, khí thải chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường và không gây ảnh hưởng đến người xung quanh. Ngoài ra, nếu vật nuôi chết vì dịch bệnh và chất thải nguy hại khác phải được xử lý theo quy định. (Điều 60 Luật chăn nuôi 2018)

Như vậy, nếu hàng xóm nhà bạn nuôi gà không đáp ứng được các điều kiện nêu trên là gây ô nhiễm môi trường là hành vi vi phạm pháp luật. Bạn có thể khiếu nại việc này tới Ủy ban nhân dân cấp xã/phường/thị trấn để được giải quyết.

hang xom lam o nhiem moi truong

Chăn nuôi trong khu vực cấm, bị phạt thế nào?

Câu hỏi: Nơi tôi sinh sống thuộc địa bàn thị xã, là khu vực không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nếu tôi nuôi một vài con gà thì có vi phạm pháp luật và có bị phạt không?

Trong các hành vi bị nghiêm cấm trong chăn nuôi quy định tại Điều 12 Luật Chăn nuôi 2018 có hành vi chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư; trừ nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật trong phòng thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường.

Khoản 2 Điều 24 Nghị định 14/2021 của chính phủ cũng có quy định mức xử phạt hành chính đối với hành vi chăn nuôi tại khu vực không được phép, cụ thể:

- Phạt tiền từ 1 – 2 triệu đồng đối với hành vi gian dối trong kê khai nhằm mục đích trục lợi.

- Phạt tiền từ 2 – 3 triệu đồng đối với hành vi chăn nuôi tại khu vực không được phép chăn nuôi.

Người vi phạm đồng thời buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm và buộc di dời vật nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi.

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi này thuộc về Chủ tịch Ủy bn nhân dân cấp xã (Điều 37 Nghị định 14/2021)

Theo đó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền phạt tiền đến 5 triệu đồng đối với lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi và điều kiện chăn nuôi; đồng thời tịch thu tang vật vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức xử phạt tiền (không vượt quá 5 triệu)

Như vậy, Ủy ban nhân dân xã bạn có thẩm quyền xử lý đối với người hàng xóm chăn nuôi gà trong khu vực không được phép chăn nuôi trong khu dân cư. Ngoài xử lý hành chính còn bị buộc di dời vật nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi.

Đơn khiếu nại hàng xóm làm ô nhiễm môi trường

Để đảm bảo thực hiện đúng pháp luật về bảo vệ môi trường cá nhân, tổ chức nếu phát hiện hành vi vi phạm gây ô nhiễm môi trường có thể khiếu nại, khởi kiện theo quy định tại Điều 162 Luật bảo vệ môi trường năm 2014.

- Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, khởi kiện về hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

- Cá nhân có quyền tố cáo vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường với cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố cáo.

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

--------------------

……., ngày….. tháng….. năm…

ĐƠN TỐ CÁO KHIẾU NẠI VỀ HÀNH VI GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG

(Về hành vi gây ô nhiễm môi trường của ………  ở ………)

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường 2014

Kính gửi: Ủy ban nhân dân tỉnh …….

Chúng tôi là:

1. Họ và tên: ………. Sinh ngày……..

Chứng minh nhân dân số: ………. cấp ngày ……. tại  ……

Trú tại: ………

2.…………

Là người đại diện cho  …… hộ dân sống gần ……(nơi chịu tác động của ô nhiễm môi trường)

Cá nhân/Tổ chức bị tố cáo: ……………

Trú tại/Trụ sở: ……………………

Chúng tôi xin trình bày về sự việc như sau:

(Trình bày về sự việc, nguồn gây ô nhiễm, tình trạng hiện tại, tác động tới môi trường sống thế nào)

………

Vậy, chúng tôi làm đơn này, kính đề nghị quý cơ quan có biện pháp xác minh, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm môi trường nêu trên theo quy định pháp luật.

Chúng tôi cam đoan, sự việc nêu trên là hoàn toàn đúng sự thật. Kính mong quý cơ quan nhanh chóng giải quyết.

Xin chân thành cảm ơn!

Người làm đơn

- Phần kính gửi: là cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Theo quy đinh tại Điều 143 và Khoản 3 Điều 159 Luật bảo vệ môi trường 2014 thì thẩm quyền giải quyết khiếu nại là Ủy ban nhân nơi xảy ra vụ việc.

- Họ và tên: tên người viết đơn, người chịu ảnh hưởng từ hành vi gây ô nhiễm môi trường (đầy đủ thông tin cá nhân, nơi cư trú, số điện thoại,..) để cơ quan có thẩm quyền thuận lợi hơn trong việc liên hệ giải quyết.

- Nội dung khiếu nại: cần rõ ràng đúng trọng tâm thể hiện được hành vi vi phạm, có thể trích dẫn luật và nghị định để xác định hành vi của chủ thể vi phạm là trái quy định của pháp luật.

Vừa rồi HieuLuat đã thông tin về vấn đề hàng xóm làm ô nhiễm môi trường. Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm

X