Hành vi mở nhạc, hát karaoke gây tiếng ồn lớn, làm xáo trộn đến đời sống, sức khỏe, tinh thần của những người sống xung quanh là hành vi có thể bị xử lý vi phạm hành chính. Tùy thuộc mức độ vi phạm mà hình phạt, mức phạt và người có thẩm quyền xử phạt là khác nhau.
Hành vi này gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giấc ngủ của những người dân sống xung quanh, làm đảo lộn nhịp sống sinh học thông thường của nhiều người, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ. Tôi là người sinh sống liền kề gia đình này nên đã rất nhiều lần nhắc nhở, đề nghị và yêu cầu gia đình này phải chấm dứt hành vi gây ồn ào, làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của hộ dân sống xung quanh.
Tuy nhiên, gia đình hàng xóm của tôi không những không tiếp thu mà còn có hành vi gia tăng về thời gian, âm lượng gây ra tiếng ồn. Do đó, tôi khẩn thiết mong Luật sư giải đáp cho tôi những vấn đề sau đây:
2. Tôi có thể làm đơn khiếu nại hành vi này của hàng xóm nhà tôi được không? Mẫu đơn khiếu nại như thế nào?
Hàng xóm thường xuyên làm ồn có yêu cầu xử phạt được không?
Hành vi thường xuyên mở nhạc, gây ồn ào, phá vỡ sự yên tĩnh chung của khu dân cư, làm xáo trộn sinh hoạt của cộng đồng dân cư là hành vi thiếu ý thức của một số cá nhâ, nhóm người và đây là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này có thể bị xử lý theo Điều 8 Nghị định 144/2021/NĐ-CP:
Điều 8. Vi phạm quy định về bảo đảm sự yên tĩnh chung
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau;
...
Theo đó, sau khi xác minh, lập biên bản vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính căn cứ vào mức độ vi phạm, các tình tiết tăng nặng/giảm nhẹ trách nhiệm,...để ra quyết định hình phạt, mức phạt cụ thể. Hình thức xử phạt bao gồm: Cảnh cáo hoặc phạt tiền (mức tiền phạt là từ 500.000 đồng đến 01 triệu đồng).
Với mức phạt, hình phạt đối với hành vi nêu trên, thẩm quyền ra quyết định xử phạt/xử lý hành vi vi phạm của hàng xóm nhà bạn theo quy định tại Điều 68, Điều 69 Nghị định 144/2021/NĐ-CP bao gồm:
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp;- Thủ trưởng đơn vị Cảnh sát cơ động cấp đại đội, Đội trưởng của chiến sĩ công an nhân dân đang thi hành nhiệm vụ;
- Trưởng Công an cấp xã, Trưởng đồn Công an;- Trưởng Công an cấp huyện;
- Giám đốc công an tỉnh;...=> Đây là những người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính với hành vi mở nhạc, hát karaoke gây tiếng ồn lớn tới cộng đồng, khu dân cư. Với trường hợp của bạn, để được xử lý, giải quyết nhanh chóng, kịp thời, bạn có thể đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Trưởng công an cấp xã trước khi gửi yêu cầu/đề nghị cơ quan/cá nhân có thẩm quyền cao hơn tiến hành xác minh, xử lý vi phạm.
Ngoài ra, đối với hành vi gây tiếng ồn, làm huyên náo khu dân cư, khu phố, nơi ở...mà không thuộc trường hợp xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự theo quy định tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nếu tần số, mức độ gây tiếng ồn đủ để xử phạt.Cụ thể, theo Điều 17 Nghị định 155/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, người gây tiếng ồn có thể bị xử phạt với các mức phạt gồm:
Điều 17. Vi phạm các quy định về tiếng ồn
1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn dưới 02 dBA.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 02 dBA đến dưới 05 dBA.
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 05 dBA đến dưới 10 dBA.
4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 10 dBA đến dưới 15 dBA.
5. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 15 dBA đến dưới 20 dBA.
6. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 20 dBA đến dưới 25 dBA.
7. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 25 dBA đến dưới 30 dBA.
8. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 30 dBA đến dưới 35 dBA.
9. Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 35 dBA đến dưới 40 dBA.
10. Phạt tiền từ 140.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn trên 40 dBA.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:a) Buộc thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn đạt quy chuẩn kỹ thuật trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại Điều này gây ra;
b) Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm tiếng ồn theo định mức, đơn giá hiện hành đối với các vi phạm quy định tại Điều này.
Hoặc nếu tình trạng trở nên nghiêm trọng, kéo dài thì có thể bị xử phạt theo khoản 6 Điều 19 Nghị định 155/2016/NĐ-CP
6. Phạt tiền từ 130.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường kéo dài, lặp lại nhiều lần mà không khắc phục được, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi sau đây:
...
c) Gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 10 dBA trở lên hoặc gây độ rung vượt quy chuẩn kỹ thuật về độ rung từ 20 dB trở lên.
...9. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc phải khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu hoặc phục hồi môi trường theo quy định, thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại Điều này gây ra;
b) Buộc di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến vị trí phù hợp với quy hoạch và sức chịu tải của môi trường đối với trường hợp vi phạm quy định tại điểm e khoản 7 Điều này và trường hợp thuộc danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải thực hiện biện pháp di dời;
c) Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường theo định mức, đơn giá hiện hành đối với các vi phạm quy định tại Điều này.
Người hàng xóm của bạn có thể bị xử phạt với mức hình phạt, các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định như trên. Để xử phạt vi phạm người hàng xóm trong trường hợp này, cơ quan/người có thẩm quyền phải tiến hành kiểm tra, đo đạc để xác định mức độ gây tiếng ồn. Tùy thuộc vào mức độ gây tiếng ồn mà mức xử phạt có sự khác nhau. Nếu mức độ tiếng ồn không đủ để xử phạt theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP thì cơ quan/người có thẩm quyền không thể thực hiện xử lý theo Nghị định này.
Thẩm quyền xử lý/ra quyết định xử phạt trong trường hợp áp dụng Nghị định 155/2016/NĐ-CP để xử lý tại tình huống của bạn là Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Trưởng công an cấp xã/cấp huyện, Trưởng phòng công an cấp tỉnh... (Điều 49, Điều 50 Nghị định 155/2016/NĐ-CP).
Lưu ý: Nếu hành vi gây tiếng ồn của nhà hàng xóm của bạn không thể xử lý theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP hoặc Nghị định 155/2016/NĐ-CP thì bạn có quyền thu thập tài liệu, chứng cứ (bản ảnh, tệp ghi âm,...) khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu bồi thường thiệt hại.Mức yêu cầu bồi thường thiệt hại được tính toán dựa trên hậu quả mà hành vi gây tiếng ồn của nhà hàng xóm tạo ra cho bạn, gia đình bạn.
Kết luận: Hành vi mở nhạc, hát karaoke gây tiếng ồn lớn, làm huyên náo, xáo trộn nhịp sống của khu dân cư là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính tại Điều 8 Nghị định 144/2021/NĐ-CP với mức phạt cao nhất là 01 triệu đồng hoặc xử phạt theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP. Để được xác minh, xử lý nhanh chóng, chuẩn xác, bạn có thể làm đơn đề nghị/báo cáo/đơn khiếu nại/đơn trình báo...về hành vi vi phạm của người hàng xóm tới Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Trưởng công an cấp xã trước khi đề nghị cơ quan/người có thẩm quyền cao hơn thực hiện xử lý hành vi vi phạm.
Trong trường hợp không đủ căn cứ để thực hiện xử phạt vi phạm hành chính theo 02 nghị định trên thì bạn có quyền thu thập chứng cứ, tài liệu khởi kiện nhà hàng xóm để yêu cầu bồi thường thiệt hại tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền.
Mẫu đơn khiếu nại hàng xóm hát karaoke làm ồn thế nào?
Hiện nay, chưa có văn bản pháp luật hướng dẫn/ban hành mẫu đơn khiếu nại về hành vi gây ồn ào làm cản trở, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của các hộ gia đình xung quanh. Căn cứ quy định pháp luật hiện hành và theo mô tả của bạn, chúng tôi cung cấp mẫu đơn khiếu nại về hành vi mở nhạc lớn, hát karaoke gây ảnh hưởng, làm ồn đến đời sống của các hộ gia đình trong khu dân cư như sau:CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
…………, ngày ….. tháng ….. năm…
ĐƠN KHIẾU NẠI
(Về hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn, mất an ninh trật tự của ông/bà………….)
Kính gửi: - CÔNG AN XÃ/PHƯỜNG/THỊ TRẤN......;
- ÔNG/BÀ TRƯỞNG CÔNG AN XÃ/PHƯỜNG/THỊ TRẤN............;
Tôi là: …………………………………………………. sinh năm: …………………
CMND/CCCD số: ………………………………..do………………….cấp ngày …………………..
Đăng ký hộ khẩu thường trú tại: …………………………………………………….
Nơi ở hiện tại: ………………………………………………………………………..
Số điện thoại liên hệ: ………………………………….
Tôi có sự việc trình bày với Quý cơ quan như sau:
……………………………………………………………………………………
……………………………………………………………………………………
Hành vi mở nhạc, hát karaoke của ông/bà/gia đình ông (bà):…………………………..cư trú tại ………………………………… đã gây ra tiếng ồn ào rất lớn (đặc biệt là thời gian từ 22h đến gần 24h và buổi sáng là từ 5h tới 6h khi mọi người đang trong thời gian nghỉ ngơi).
Hậu quả là đã làm huyên náo, gây xáo trộn lớn tới cuộc sống sinh hoạt của những hộ dân xung quanh, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người sống liền kề (đặc biệt là người già và trẻ nhỏ), tác động xấu đến tình hình đời sống chung của các hộ gia đình, không giữ gìn sự yên tĩnh chung cho khu dân cư.Dù đã được tôi và nhiều người hàng xóm liền kề nhắc nhở, yêu cầu dừng/chấm dứt nhưng ông/bà/gia đình…………không tiếp thu và vẫn cố tình thực hiện hành vi với tần suất và số lượng ngày càng nhiều. Hành vi này đã diễn ra…..ngày, làm huyên náo khu dân cư, xáo trộn đời sống sinh hoạt của nhiều hộ dân, gây ô nhiễm tiếng ồn đối với xung quanh.
Với những hành vi và hậu quả như vậy, tôi nhận thấy, đây là hành vi vi phạm pháp luật và nếu hành vi này kéo dài sẽ còn gây nhiều hậu quả tiêu cực, ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe, tinh thần của các hộ gia đình xung quanh, làm mất an ninh, trật tự trị an tại khu dân cư. Do vậy, tôi kính đề nghị Quý cơ quan:
1/……………………..
2/……………………………
Một lần nữa, kính mong Quý cơ quan nhanh chóng vào cuộc xác minh, tiến hành xử lý vi phạm nhằm cảnh cáo, giáo dục những người cố ý vi phạm/coi thường pháp luật, không có ý thức cộng đồng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội và để đảm bảo đời sống dân cư không bị xáo trộn, mất trật tự trị an, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp cho tôi cùng gia đình, những hộ dân xung quanh tại thôn/xóm…
Tôi xin cam đoan những thông tin mà mình đã nêu trên là đúng sự thật. Nếu sai, tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Trân trọng cảm ơn Quý cơ quan!
Mọi thông tin tôi xin được nhận thông qua địa chỉ:
………địa chỉ:……………………số điện thoại:………..
Tài liệu kèm theo đơn: 1/………………………..; 2/…………………………..; | Người làm đơn (Ký, ghi rõ họ tên) |
Kết luận: Theo quy định pháp luật, bạn có thể làm đơn khiếu nại hành vi làm ồn, gây ảnh hưởng đến cuộc sống, tinh thần, sức khỏe của bạn và gia đình, cộng đồng tới cơ quan có thẩm quyền. Mẫu đơn khiếu nại thường được sử dụng như chúng tôi đã nêu trên.
Trên đây là giải đáp thắc mắc về hàng xóm làm ồn phải làm sao? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.