Trẻ bị nhiễm Covid hầu hết đều có triệu chứng nhẹ và phục hồi nhanh hơn người lớn. Tuy nhiên, theo thống kê gần đây cho thấy, một số ít trẻ có nguy cơ bị hậu Covid từ nhẹ đến nặng, đáng lưu ý nhất là Hội chứng MIS-C.
Hậu Covid ở trẻ em có những dấu hiệu nào?
Hậu Covid ở trẻ em bao gồm các dấu hiệu như:
1. Khó thở: trẻ có thể bị đau ngực, ho và khó thở khi hoạt động gắng sức, có thể kéo dài đến 3 tháng hoặc lâu hơn. Với trẻ trên 6 tuổi cần đo chức năng hô hấp và đánh giá lại tim mạch toàn diện nếu triệu chứng hô hấp kép dài, đặc biệt là khi gắng sức.
2. Vấn đề về tim: tình trạng viêm cơ tim có thể xảy ra khi trẻ nhiễm Covid. Trẻ có thể cảm thấy hụt hơi, đau ngực, tim đập không đều, hồi hộp, mệt mỏi... kéo dài, kể cả khi hoạt động bình thường.
3. Mùi và vị: Có khoảng 1/4 trẻ em bị nhiễm Covid có thể bị mất hay giảm khứu giác và vị giác, hầu hết sẽ hồi phục sau 2-3 tuần nhưng cũng có trường hợp bị kéo dài lâu hơn và ảnh hưởng đến thói quen ăn uống của trẻ.
4. Thần kinh: Trong giai đoạn cấp, Covid-19 có thể tấn công lên hệ thần kinh dẫn đến đột quỵ hay viêm não, trường hợp này thường rất hiếm. Với trường hợp nhẹ, trẻ có thể mất tập trung, rối loạn ngôn ngữ...
5. Rối loạn trí nhớ: Trẻ hay quên, giảm khả năng tập trung, khả năng đọc viết chậm hơn…
6. Mệt mỏi kéo dài: Trẻ có cảm giác mệt mỏi và ít hoạt động hơn bình thường…
7. Đau đầu: là triệu chứng thường gặp, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống
8. Rối loạn sức khỏe tâm thần: bị nhiễm Covid khiến trẻ có tâm lý sợ hãi, việc nằm viện, cách ly và học online tại nhà cũng ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.
9. Hội chứng đáp ứng viêm toàn thân (MIS-C): là biến chứng nặng, rất hiếm gặp, là tình trạng viêm đa cơ quan trong cơ thể gồm tim, phổi, thận, não, da, mắt hoặc các cơ quan tiêu hóa... dẫn đến suy đa cơ quan.
Nếu mắc phải hội chứng này trẻ có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Ths.BS Kiều Xuân Thy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Cơ sở 3 cho biết, có ghi nhận tình trạng hậu Covid ở lứa tuổi thanh thiếu niên (12 - 16 tuổi), triệu chứng có thể không nặng và đa dạng như người lớn. Ở độ tuổi nhỏ hơn có thể nhiều em không biết mô tả các triệu chứng nên khó ghi nhận hơn.
Cũng theo bác sỹ Thy, nếu con đã có kết quả âm tính nhưng vẫn có các dấu hiệu mệt mỏi, chưa trở lại mức sinh hoạt bình thường thì phụ huynh cần lưu ý. Nếu sau Covid, trẻ mệt sau khi vận động ít, chậm chạp hơn, gầy gò hơn, bố mẹ nên cho đi khám, kiểm tra. Phụ huynh cũng nên cho con khám tầm soát sức khỏe cho trẻ định kỳ 6 tháng/lần.
Phụ huynh cần theo dõi và phát hiện sớm trẻ bị nhiễm Covid. (Ảnh minh họa)
Những trẻ nào có thể mắc hội chứng viêm đa hệ thống?
Bác sĩ Chuyên khoa 1 - Lại Thị Bích Thủy, nguyên bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, viêm đa hệ thống (MIS-C) có thể xảy ra sau khi trẻ nhiễm Covid từ 2-6 tuần.
Triệu chứng của MIS- C là trẻ sốt từ 3 ngày trở đi kèm theo các dấu hiệu:
- Tổn thương da: nổi ban, đỏ mắt, môi đỏ, lưỡi đỏ như da quả dâu tây, phù nề bàn tay, bàn chân.
- Rối loạn tiêu hóa: đau bụng, tiêu chảy, ói.
- Dấu hiệu suy tim: mệt, xanh, môi tái, lạnh tay chân.
Phụ huynh cần theo dõi và phát hiện sớm trẻ bị nhiễm Covid, thông báo cho bác sĩ của trẻ để có hướng dẫn chăm sóc và theo dõi trẻ phù hợp trong giai đoạn hậu Covid.
Theo TS.BS Phan Hữu Phúc, Phó Trưởng khoa Điều trị tích cực nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương) và BS Lê Nhật Cường (Bộ môn Nhi, Trường Đại học Y Hà Nội, tỷ lệ mắc MIS-C khá thấp. Ở Mỹ, trong khoảng 3.000-4.000 trẻ mắc Covid thì có 1 trẻ bị MIS-C.
Tuổi trung bình ở trẻ mắc MIS-C là 8-9 tuổi, và hơn nửa số trẻ mắc ở lứa tuổi > 5; bệnh cũng có thể gặp ở tuổi nhũ nhi và thanh niên.
Đã có nghiên cứu cho thấy nguy cơ mắc MIS-C ở trẻ chưa được tiêm vắc xin Covid-19 cao hơn so với trẻ đã được tiêm.
MIS-C cũng có nhiều mức độ; nhẹ có thể là các biển hiện sốt, rối loạn tiêu hóa, ban trên da…, mức độ nặng là sốc, suy đa cơ quan thậm chí tử vong.
Hiện nay, nguyên nhân chính xác dẫn đến viêm đa hệ thống còn chưa rõ, đó có thể là hậu quả của tình trạng đáp ứng miễn dịch quá mức của cơ thể với nhiễm virus SARS-CoV-2.
Dấu hiệu nào nghi ngờ trẻ bị viêm đa hệ thống?
Trên Vietnamnet, bác sĩ Hữu Phúc và bác sĩ Nhật Cường cũng thông tin đến phụ huynh về việc lưu ý đến con mình khi nghi trẻ bị MIS-C và liên hệ với cơ sở y tế gần nhất khi trẻ có các biểu hiện:
- Sốt cao liên tục > 38,5 độ C, có kèm các dấu hiệu như rối loạn tiêu hóa, nôn, tiêu chảy, đau bụng; phát ban trên da, mắt đỏ, môi đỏ…
- Trẻ có các dấu hiệu thay đổi ý thức như vật vã, ngủ gà, li bì; mạch nhanh, tay chân lạnh, khó thở, mệt mỏi.
Khi trẻ nhập viện sẽ được khám lâm sàng, làm các xét nghiệm để khẳng định chẩn đoán cũng như phân biệt với các bệnh lý khác… Xét nghiệm được chỉ định tùy vào mức độ bệnh và các triệu chứng lâm sàng kèm theo.
Cách tốt nhất để phòng viêm đa hệ thống là tránh không để trẻ bị mắc Covid 19. Cần tuân thủ các nguyên tắc phòng dịch cho trẻ như thực hiện 5K, tiêm vắc xin phòng Covid-19 khi có chỉ định, tiêm đủ liều, tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm khác.
Tiêm đủ liều vắc xin Covid-19 giúp giảm nguy cơ mắc Covid-19 nặng/nguy kịch, đồng thời cũng giảm nguy cơ mắc MIS-C.
Đặc biệt lưu ý: với trẻ đang mắc hoặc sau mắc Covid 19, nếu có các biểu hiện như sốt cao liên tục, phát ban, mắt đỏ, rối loạn tiêu hóa… cần trẻ đi khám tại các cơ sở y tế gần nhất.
Trên đây là thông tin về vấn đề hậu Covid ở trẻ em có nguy hiểm không? Nếu còn thắc mắc, hãy liên hệ với tổng đài 19006192 của chúng tôi để được hỗ trợ.
>> F0 không triệu chứng có bị hậu Covid không?