Ngoại tình - kẻ thù của nhiều gia đình, là nguyên nhân dẫn đến rất nhiều cuộc hôn nhân tan vỡ. Vậy, người ngoại tình phải gánh những hậu quả pháp lý nào?
1. Người ngoại tình có thể bị xử phạt hành chính
Khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về mức phạt với hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng như sau:
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
Như vậy, người đang có vợ, có chồng mà có hành vi ngoại tình (chung sống như vợ, chồng với người khác) thì có thể bị phạt tiền lên đến 5 triệu đồng.
Theo quy định tại khoản b Điều 2 Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP, được coi là nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng nếu thuộc một trong các trường hợp sau: - Có tổ chức lễ cưới khi về chung sống với nhau; - Việc họ về chung sống với nhau được gia đình (một bên hoặc cả hai bên) chấp nhận; - Việc họ về chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến; - Họ thực sự có chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình. |
2. Người ngoại tình có thể phải đi tù
Nếu sau khi bị xử phạt hành chính mà bạn vẫn tiếp tục hành vi ngoại tình (chung sống như vợ, chồng với người khác) hoặc chưa bị xử phạt hành chính mà thuộc một trong các trường hợp sau đây thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với Tội vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng:
- Dẫn đến việc ly hôn
- Làm cho vợ/chồng/con mình tự sát
Mức phạt của tội này lên đến 03 năm tù giam (theo theo Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015).
5 hậu quả pháp lý cho người ngoại tình (Ảnh minh họa)
3. Bị thiệt khi chia tài sản ly hôn
Theo quy định tại Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, về nguyên tắc, tài sản chung khi ly hôn sẽ được chia đôi. Tuy nhiên, sẽ có tính đến công sức đóng góp của mỗi bên, lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng…
Như vậy, nếu bạn ngoại tình dẫn đến ly hôn, bạn được xác định là bên có lỗi. Vì thế, bạn là người bất lợi khi chia tài sản ly hôn.
Nếu có căn cứ chính xác về việc bạn không chung thủy trong thời kỳ hôn nhân, có thể bạn sẽ không nhận được một nửa tài sản chung khi ly hôn.4. Có thể bị tước quyền nuôi con
Khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định, vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con.
Tuy nhiên, nếu 02 bên không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.Con thuộc quyền chăm sóc của ai không chỉ xem xét vấn đề tài chính mà còn xem xét đến thời gian dành cho con, giới tính, lứa tuổi con, nhân phẩm của người nuôi con. Trong khi đó, ngoại tình vừa là hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức, lại vi phạm pháp luật. Bởi vậy, nếu có chứng cứ chứng minh được một bên ngoại tình, thậm chí bỏ bê gia đình, con cái, không thể thực hiện việc chăm sóc cho con thì đây sẽ được xem là một căn cứ để Tòa án không cho phép người đó nuôi con.
5. Ngoại tình khi là Đảng viên sẽ bị khai trừ
Điểm a khoản 3 Điều 24 Quyết định số 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam nêu rõ:
3- Trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ:a) Vi phạm quy định về cấm kết hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng.
b) Ép buộc vợ (hoặc chồng), con làm những việc trái đạo lý, trái pháp luật mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.c) Từ chối thực hiện, không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cha mẹ, nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật.
Như vậy, nếu bạn là Đảng viên vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng sẽ bị kỷ luật bằng hình thức khai trừ.