hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 07/12/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Hệ sinh thái là gì? Chức năng và vai trò của hệ sinh thái

Hệ sinh thái luôn đóng góp một vai trò to lớn đối với đời sống động thực vật cũng như sự tồn tại và phát triển của con người. Vậy ta nên hiểu hệ sinh thái là gì? Hệ sinh thái có chức năng và vai trò như thế nào với tự nhiên? 

Mục lục bài viết
  • 1. Hệ sinh thái là gì?
  • 1.1. Khái niệm hệ sinh thái
  • 1.2. Khái niệm hệ sinh thái tự nhiên
  • 1.3. Khái niệm hệ sinh thái tự nhiên mới
  • 2. Phân loại hệ sinh thái

1. Hệ sinh thái là gì?

Để hiểu rõ những vấn đề về thành phần và chức năng của hệ sinh thái, chúng ta cần nắm rõ những khái niệm về hệ sinh thái là gì.

1.1. Khái niệm hệ sinh thái

Căn cứ theo khoản 9 Điều 3 Luật Đa dạng sinh học 2008 có nêu rõ khái niệm về hệ sinh thái như sau:

“Hệ sinh thái là quần xã sinh vật và các yếu tố phi sinh vật của một khu vực địa lý nhất định, có tác động qua lại và trao đổi vật chất với nhau.”

Hiểu về khái niệm hệ sinh thái là gì?

Hiểu về khái niệm hệ sinh thái là gì?

Có thể hiểu, hệ sinh thái là một tập hợp cộng đồng các sinh vật và các yếu tố phi sinh vật như: đất, nước, không khí, ánh sáng,... trong một khu vực nhất định. Tại đây, các sinh vật có sự tương tác lẫn nhau cũng như với môi trường vật chất xung quanh.

1.2. Khái niệm hệ sinh thái tự nhiên

Căn cứ theo khoản 10 Điều 3 Luật Đa dạng sinh học 2008 có đưa ra khái niệm về hệ sinh thái tự nhiên như sau:

“Hệ sinh thái tự nhiên là hệ sinh thái hình thành, phát triển theo quy luật tự nhiên, vẫn còn giữ được các nét hoang sơ.”

1.3. Khái niệm hệ sinh thái tự nhiên mới

Khoản 11 Điều 3 Luật Đa dạng sinh học 2008 quy định về khái niệm về hệ sinh thái tự nhiên mới như sau:

“Hệ sinh thái tự nhiên mới là hệ sinh thái mới hình thành và phát triển trên vùng bãi bồi tại cửa sông ven biển, vùng có phù sa bồi đắp và các vùng đất khác.”

2. Phân loại hệ sinh thái

Phân theo kích thước:

  • Hệ sinh thái vi mô: là hệ sinh thái có kích thước nhỏ, trong đó gồm rất ít các sinh vật sống, chẳng hạn như: hệ sinh thái trên một chiếc lá cây.

  • Hệ sinh thái trung bình: là hệ sinh thái có kích thước trung bình, trong đó gồm nhiều các sinh vật sống, chẳng hạn như: hệ sinh thái trong một hồ nước.

  • Hệ sinh thái vĩ mô: là hệ sinh thái có kích thước lớn, trong đó gồm rất nhiều các sinh vật sống, chẳng hạn như: hệ sinh thái trong một đại dương.

Phân theo môi trường sống: 

  • Hệ sinh thái trên cạn: là hệ sinh thái ở trên đất liền, chẳng hạn như: hệ sinh thái sa mạc, rừng, đồng cỏ,...

  • Hệ sinh thái dưới nước: là hệ sinh thái tồn tại ở dưới mặt nước, chẳng hạn như: hệ sinh thái sông, suối, hồ, biến,...

Hệ sinh thái phân theo môi trường sống

Hệ sinh thái phân theo môi trường sống

Phân loại theo mối quan hệ giữa các sinh vật:

  • Hệ sinh thái tự nhiên: là hệ sinh thái tồn tại tự nhiên, hoàn toàn không có sự tác động của con người.

  • Hệ sinh thái nhân tạo: là hệ sinh thái được con người tạo ra, chẳng hạn như: hệ sinh thái nông nghiệp,...

  • Hệ sinh thái hỗn hợp: là hệ sinh thái bao gồm cả tự nhiên và nhân tạo.

3. Chức năng của hệ sinh thái là gì?

Hệ sinh thái đa dạng và phong phú góp phần vào việc duy trì và phát triển của nhiều loài sinh vật. Sau đây là một số chức năng chính của hệ sinh thái:

3.1. Chức năng điều tiết môi trường

Hệ sinh thái điều tiết thông qua duy trì cân bằng mối quan hệ tương tác qua lại giữa các thành phần trong môi trường sống. Hệ sinh thái thường tham gia vào các chu trình vật chất như chu kỳ nước, cacbon, nitơ,... Nhờ đó, các loài sinh vật dễ dàng thực hiện quá trình sinh tồn và trao đổi vật chất giúp duy trì tính đang dạng và cơ sở cho sự phát triển chung.

Chức năng điều tiết đóng một vai trò tất yếu. Bởi khi xảy ra sự gián đoạn và mất cân bằng trong hệ sinh thái có thể dẫn đến các vấn đề về môi trường như giảm đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu,... và làm tác động đến quy luật tuần hoàn tự nhiên.

3.2. Tạo điều kiện môi trường sống

Hệ sinh thái được coi như là một ngôi nhà chung cho nhiều loài sinh vật. Hệ sinh thái cung cấp nguồn thức ăn, đảm bảo sự cân bằng trong chuỗi thức ăn và duy trì sự sống cho sinh vật.

Hệ sinh thái còn có vai trò trong việc duy trì độ ẩm cần thiết cho sự sống, giữ chặt đất thông qua các cây cỏ và rừng cây, tham gia vào quá trình chọn lọc tự nhiên và cạnh tranh để duy trì cân bằng dân số. Nhất là biến đổi khí hậu và tác động tiêu cực của con người lên môi trường cũng được hệ sinh thái kiểm soát.

3.3. Chức năng thông tin

Hệ sinh thái chứa đựng và truyền tải thông tin dựa trên cơ sở tương tác trong môi trường tự nhiên. Một số loài sinh vật có thể dựa vào những thông tin từ ngoại cảnh để có những phản ứng cần thiết, tạo thành cơ chế tự bảo vệ. Chẳng hạn: các loài động vật đảm bảo sự sinh tồn của mình thông qua âm thanh, tín hiệu hình ảnh, mùi hương,...

Loài dơi phát hiện con mồi bằng sóng siêu âm

Loài dơi phát hiện con mồi bằng sóng siêu âm

3.4. Chức năng sản xuất

Hệ sinh thái có vai trò sản xuất nguyên liệu cho quá trình tồn tại và phát triển trong hệ sinh thái. Điều này xuất phát từ mối quan hệ sản xuất giữa các thành phần sinh học và quá trình chuyển hóa.

Có hai thành phần năng suất cơ bản là năng suất sơ cấp được đảm nhận bởi nhóm sinh vật tự dưỡng và năng suất thứ cấp do nhóm sinh vật dị dưỡng sản xuất. Hai thành phần này góp phần làm đa dạng sinh học và tăng mật độ sinh học trong hệ sinh thái. Nhờ đó, nguồn tài nguyên thiên nhiên trở nên dồi dào qua quá trình sản xuất.

4. Vai trò quan trọng của hệ sinh thái với con người

Hệ sinh thái không chỉ có vai trò quan trọng đối với sự tồn của sinh vật tự nhiên mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của con người. Vậy vai trò của hệ sinh thái là gì trong cuộc sống con người?

4.1. Cung cấp tài nguyên thiên nhiên phong phú

Con người sử dụng đất đai, nguồn nước và thức ăn có sẵn từ hệ sinh thái để duy trì sự sống. Không những thế, hệ sinh thái còn cung cấp cho con người nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng và có giá trị cao để khai thác và sản xuất. Điều này đã thúc đẩy sự tiến bộ và phát triển của loài người qua hàng ngàn năm.

Tuy nhiên, thực trạng khai thác tràn lan gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái, gây cạn kiệt nguồn tài nguyên. Sự đa dạng sinh học bị tác động rất lớn. Do đó, con người cần đưa ra và thực hiện các chính sách hữu hiệu để bảo vệ tài nguyên và các loài sinh vật.

4.2. Điều tiết chức năng tự nhiên

Khí hậu môi trường được điều hòa, giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu như: hiệu ứng nhà kính, gia tăng nhiệt độ,... là nhờ vào sự điều tiết của hệ sinh thái. Thông qua quá trình cung cấp oxy cho con người và sinh vật, giảm lượng khí CO2 trong không khí.

Hệ sinh thái trở thành máy lọc tự nhiên cung cấp nguồn nước sạch, chủ yếu từ các khu rừng sinh thái. Điều này đảm bảo rằng con người có được chất lượng nguồn nước tốt.

4.3. Bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai

Hệ sinh thái đóng góp vai trò to lớn trong việc bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai. Có thể thấy, các hệ sinh thái như rừng, đầm lầy hay đồng cỏ giúp giữ chặt và duy trì chất lượng đất. Đặc biệt trong trường hợp xảy ra bão, lũ lụt sẽ giúp giảm đi quá trình rửa trôi đất.

Bên cạnh đó, rạn san hô hay bãi đá thuộc hệ sinh thái dưới nước còn giúp hạn chế sóng thần. Một số hệ sinh thái còn có khả năng tự chống cháy. Nhờ sự đa dạng của loài thực vật trong một hệ sinh thái có thể làm giảm tác động của cháy rừng bằng cách tạo ra các vùng cháy nhỏ và dễ kiểm soát.

Hệ sinh thái bảo vệ con người khỏi thiên tai

Hệ sinh thái bảo vệ con người khỏi thiên tai

5. Thành phần chính cấu tạo nên hệ sinh thái

Trong tự nhiên, những thành phần cấu tạo và tác động vào hệ sinh thái là gì? Nhìn chung, có 2 thành phần chính sau đây:

5.1. Thành phần phi sinh học (môi trường sống)

Các thành phần phi sinh vật tạo điều kiện cho các sinh vật sống phát triển ở bên ngoài môi trường nhưng không có sự sống riêng và có thể được chia thành:

  • Yếu tố vật lý: ánh sáng, nước, không khí, nhiệt độ, địa hình, thổ nhưỡng,...

  • Thành phần hóa học: các hợp chất hữu cơ (đường, muối, protein,...) và các yếu tố hóa học tạo ra qua quá trình trao đổi vật chất.

Những thành phần trên không tồn tại dựa vào sinh vật nhưng lại có tác động mạnh đến tầng phân hóa sinh học trong quần xã của hệ sinh thái.

5.2. Thành phần sinh vật sống

Các thành phần sinh vật sống trong hệ sinh thái bao gồm: sinh vật tự dưỡng, sinh vật dị dưỡng và sinh vật trung gian. Chúng tạo thành hệ thống đa dạng có mối liên kết vô cùng chặt chẽ với nhau.

  • Nhóm sinh vật tự dưỡng: có khả năng tổng hợp các chất hữu cơ từ các chất vô cơ hay sử dụng chính các nguồn phi sinh học để tự sản xuất ra chất dinh dưỡng. Chúng ta có thể kể đến như: nhóm thực vật, tảo đơn bào, vi khuẩn,...

  • Nhóm sinh vật dị dưỡng: không có khả năng tự tổng hợp các chất hữu cơ mà sẽ chủ động tìm kiếm thức ăn theo bản năng để cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể. Điển hình là các loài động vật, ngoài ra còn có một số vi sinh vật và nấm.

  • Nhóm sinh vật chung gian: hoạt động âm thầm, có nhiệm vụ phân hủy và tái tạo các chất dinh dưỡng, tạo sự cân bằng trong hệ sinh thái.

KẾT LUẬN

Thông qua bài viết, chắc hẳn bạn đã hiểu hơn về hệ sinh thái là gì cũng như chức năng, vai trò quan trọng của hệ sinh thái trong tự nhiên. Mong rằng chúng ta sẽ sớm có những biện pháp và chính sách phù hợp để bảo vệ sự đa dạng và duy trì cân bằng hệ sinh thái.
Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X