hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 27/04/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Hiệu lực của di chúc miệng được quy định thế nào?

Trong một số trường hợp cấp bách, người có di sản chỉ kịp để lại di chúc miệng để phân chia tài sản của mình. Hiệu lực của di chúc miệng được quy định thế nào?

Điều kiện nào để di chúc miệng có hiệu lực?

Câu hỏi: Trong khi cấp cứu tại bệnh viện, tôi đã lập di chúc miệng để lại tài sản cho các con. Nay tôi đã qua cơn nguy hiểm, di chúc này có hiệu lực hay tôi cần làm lại?
Chào bác. Pháp luật hiện hành công nhận di chúc miệng nếu được lập hợp pháp.

Không rõ bác lập di chúc miệng bằng cách nào, tuy nhiên, di chúc miệng cần đáp ứng điều kiện được lập trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì mới có hiệu lực.

Chẳng hạn, người để lại di sản trong tình trạng hấp hối do sự việc xảy ra đột ngột và họ nghĩ rằng mình không thể qua khỏi. Tuy nhiên, không phải di chúc miệng là di chúc đơn thuần được nói ra từ miệng của người có di sản. Nhằm tránh trường hợp lừa dối, gian lận để chiếm đoạt tài sản không theo ý chí của người có di sản thì di chúc miệng phải đảm bảo các điều kiện được quy định trong Bộ luật Dân sự. Cụ thể:

- Thời điểm người lập di chúc miệng nói về việc phân chia tài sản dù họ bị đe dọa về tính mạng do sức khỏe, bệnh tật nhưng vẫn phải đảm bảo trí óc minh mẫn, sáng suốt và không bị một ai lừa dối, đe dọa, cưỡng ép để nói ra việc để lại tài sản.

- Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

- Người để lại di sản thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất 02 người làm chứng; người này không được phép là người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc; Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc; Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

- Ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cả 02 người cùng ký tên hoặc điểm chỉ vào bản di chúc đó;

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, bản di chúc miệng được ghi chép lại phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.

Vì vậy, dù bác để lại di chúc miệng trước mặt các con của bác, các con của bác có thể ghi chép lại và công chứng, chứng thực nhưng di chúc vẫn không có hiệu lực pháp luật vì đây là người làm chứng thuộc trường hợp là người thừa kế.

Tuy nhiên, nếu bác để lại bản di chúc miệng đáp ứng đầy đủ các điều kiện trên thì di chúc miệng có hiệu lực pháp luật.

Nhưng bác cần đặc biệt lưu ý rằng, sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà bác vẫn còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị huỷ bỏ.

Hiện nay, không ít người trong cơn hấp hối để lại di chúc và cho rằng di chúc như vậy đã hợp pháp và không cần làm lại bản di chúc khác. Tuy nhiên, sau 03 tháng người đó mới mất thì pháp luật vẫn không công nhận bản di chúc này.

hieu luc cua di chuc mieng

Di chúc miệng có hiệu lực khi nào?

Câu hỏi: Tôi muốn hỏi thời điểm di chúc miệng có hiệu lực là khi nào?
Chào bạn. Theo Điều 643 Bộ luật Dân sự năm 2015, di chúc có hiệu lực kể từ thời điểm mở thừa kế. Còn theo Điều 611, thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 71 của Bộ luật này.

Như vậy có nghĩa là, thời điểm người để lại di chúc chết là thời điểm di chúc miệng có hiệu lực nếu như bản di chúc này được lập một cách hợp pháp.

Bạn cũng đặc biệt lưu ý rằng, sau ba tháng kể từ thời điểm di chúc miệng mà người để lại di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.

Nghĩa là, trong vòng 03 tháng từ thời điểm lập di chúc miệng thì bản di chúc này vẫn có hiệu lực. Tuy nhiên, nếu quá thời hạn này, di chúc này không có hiệu lực dù người để lại di sản qua đời.

Trên đây là giải đáp hiệu lực của di chúc miệng được quy định thế nào? Nếu còn điều gì thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.

>> Cách lập di chúc miệng thế nào? Trường hợp nào sẽ hủy di chúc miệng?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X