Hiệu trưởng là người đứng đầu tại các cơ sở giáo dục. Vậy hiệu trưởng có nhiệm vụ và quyền hạn như thế nào? Hiệu trưởng có quyền đuổi việc giáo viên không? Cùng tìm hiểu nội dung liên quan tại bài biết bên dưới.
Hiệu trưởng có quyền gì?
Hiện nay, quyền hạn của hiệu trưởng được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định ở nhiều văn bản khác nhau tương ứng theo từng cấp học. Cụ thể:
Nhiệm vụ và quyền hạn của hiệu trưởng trường đại học được quy định tại Khoản 3 Điều 20 Luật Giáo dục đại học 2012.
Quyền hạn của hiệu trưởng
Nhiệm vụ và quyền của hiệu trưởng trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học được quy định tại Khoản 1 Điều 11 Điều lệ ban hành kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT.
Nhiệm vụ và quyền hạn của hiệu trưởng trường tiểu học được quy định tại Khoản 1 Điều 11 Điều lệ ban hành kèm theo Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT.
Nhìn chung hiệu trưởng ở các cấp học có nhiệm vụ và quyền hạn liên quan đến việc tổ chức và quản lý hoạt động giáo dục trong nhà trường.
Hiệu trưởng có quyền đuổi việc giáo viên không?
“Đuổi việc” là thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong cuộc sống để nói về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng của bên sử dụng lao động. Tùy vào từng trường trường hợp cụ thể, quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng của bên sử dụng lao động sẽ được các văn bản quy định cụ thể.
Theo quy định hiện nay, giáo viên làm việc theo chế độ hợp đồng làm việc tại các trường công sẽ là viên chức và hợp đồng làm việc của hai bên chịu sự điều chỉnh của Luật Viên chức.
Các trường hợp giáo viên hợp đồng tại đơn vị sự nghiệp công lập và giáo viên tại cơ sở giáo dục tư thục được xác định là người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Khi đó, hợp đồng giữa hai bên sẽ chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Lao động.
Hiệu trưởng trường công lập
Theo quy định tại Điều 29 Luật Viên chức 2010 (được bổ sung bởi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức 2019), các trường công lập có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với giáo viên trong trường hợp sau:
Giáo viên có 02 năm liên tiếp bị phân loại đánh giá ở mức độ không hoàn thành nhiệm vụ;
Giáo viên bị buộc thôi việc;
Giáo viên làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn bị ốm đau đã điều trị 12 tháng liên tục, giáo viên làm việc theo hợp đồng xác định thời hạn bị ốm đau đã điều trị 06 tháng liên tục mà chưa hồi phục;
Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác mà trường phải thu hẹp quy mô, khiến vị trí việc làm mà giáo viên đang đảm nhận không còn;
Trường chấm dứt hoạt động theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Đối với giáo viên do cơ quan quản lý của trường thực hiện tuyển dụng, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc do hiệu trưởng quyết định sau khi có sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan quản lý.
Hiệu trưởng có quyền đuổi việc giáo viên
Hiệu trưởng trường không được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với giáo viên khi rơi vào các trường hợp sau:
Giáo viên ốm đau hoặc bị tai nạn, đang điều trị bệnh nghề nghiệp theo quyết định của cơ sở chữa bệnh;
Giáo viên đang nghỉ hàng năm, nghỉ về việc riêng và những trường hợp nghỉ khác được hiệu trưởng cho phép;
Giáo viên nữ đang có thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 36 tháng tuổi, trừ trường hợp trường chấm dứt hoạt động.
Như vậy, hiệu trưởng trường công lập có quyền cho giáo viên nghỉ việc, tuy nhiên phải thuộc các trường hợp pháp luật quy định được liệt kê ở trên.
Hiệu trưởng trường tư thục
Theo quy định tại Điều 39 Bộ luật Lao động, các trường tư thục có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với giáo viên trong trường hợp sau:
Giáo viên thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của trường;
Giáo viên bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với giáo viên việc theo hợp đồng không xác định thời hạn hoặc đã điều trị 06 tháng liên tục đối với giáo viên làm việc theo hợp đồng xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng - 36 tháng hoặc quá nửa thời hạn hợp đồng đối với giáo viên làm việc theo hợp đồng xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.
Do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa hoặc di dời, thu hẹp kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà phía nhà trường đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc;
Giáo viên không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động;
Giáo viên đủ tuổi nghỉ hưu;
Giáo viên động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên;
Giáo viên cung cấp không trung thực thông tin khi giao kết hợp đồng lao động làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng.
Nhà trường không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp sau:
Giáo viên ốm đau hoặc bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo chỉ định của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền;
Giáo viên đang nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng và trường hợp nghỉ khác được nhà trường đồng ý.
Giáo viên nữ mang thai, giáo viên đang nghỉ thai sản hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Là người đứng đầu nhà trường, hiệu trưởng có quyền ra quyết định đuổi việc giáo viên khi thuộc các trường hợp được nêu trên. Những trường hợp khác mà hiệu trưởng đuổi việc giáo viên được xem là đuổi việc trái pháp luật.
Những điều hiệu trưởng không được làm
Trong hoạt động của mình, hiệu trưởng không được thực hiện những hành vi trái với quy định tại Luật Giáo dục, cụ thể quy định tại các điều Điều 20, Điều 21, Điều 22 Luật Giáo dục như sau:
Một là, truyền bá tôn giáo trong trường học
Hiệu trưởng không được thực hiện hành vi truyền bá tôn giáo, tiến hành các lễ nghi tôn giáo trong trường học của hệ thống giáo dục quốc dân, các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và lực lượng vũ trang nhân dân.
Hai là, lợi dụng hoạt động giáo dục
Hiệu trưởng không được lợi dụng hoạt động giáo dục để xuyên tạc các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chống lại Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh, phá hoại thuần phong mỹ tục, truyền bá nội dung mê tín dị đoan, hủ tục, lôi kéo học sinh vào các tệ nạn xã hội.
Bên cạnh đó, hiệu trưởng cũng không được lợi dụng hoạt động giáo dục để vụ lợi.
Ba là, thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm trong trường học
Các hành vi bị nghiêm cấm trong trường học gồm:
Xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, người lao động của trường học và học sinh.
Hành vi xuyên tạc nội dung giáo dục.
Gian lận trong hoạt động tuyển sinh, thi cử, kiểm tra và học tập.
Hút thuốc lá uống rượu bia và các hành vi gây rối an ninh, trật tự.
Ép buộc học sinh phải học thêm để thu tiền.
Lợi dụng việc tài trợ, ủng hộ giáo dục để ép buộc người khác đóng góp tiền hoặc hiện vật.
Trên đây là nội dung trả lời cho câu hỏi Hiệu trưởng có quyền đuổi việc giáo viên không? Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến nội dung trên vui lòng liên hệ đến tổng đài: 1900.6199 để được tư vấn và hỗ trợ.