Quy định về hình phạt chính và hình phạt bổ sung trong xử phạt vi phạm hành chính hay hình sự không phải ai cũng nắm rõ. Hình phạt bổ sung là gì? Hình phạt chính và hình phạt bổ sung có gì khác nhau? Mời bạn đọc theo dõi bài viết sau để nắm thông tin về nội dung này.
Hình phạt bổ sung là gì?
Pháp luật hiện hành không đưa ra định nghĩa hình phạt bổ sung là gì. Tuy nhiên, qua quy định của Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành, có thể hiểu một cách chung nhất về hình phạt bổ sung là một biện pháp cưỡng chế/xử lý của nhà nước đối với cá nhân/tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật, thường được đi kèm theo hình phạt chính.
Trong xử phạt vi phạm hành chính: Cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ bị áp dụng 01 hình phạt chính và một hoặc nhiều hình phạt bổ sung kèm theo.
Hình thức xử phạt bổ sung sẽ được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính, trừ các trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 2 Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện nay.
Các hình phạt bổ sung trong hành chính gồm các biện pháp quy định tại khoản 2 Điều 21 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 sau đây:
- Tước quyền sử dụng giấy phép, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
- Tịch thu tang vật và phương tiện vi phạm hành chính;
- Trục xuất cá nhân vi phạm ra khỏi nước Việt Nam.
Trong xử lý hình sự: Tội phạm bị áp dụng một hình phạt chính, cùng với đó là một hoặc nhiều hình phạt bổ sung kèm theo.
Hình phạt bổ sung trong trường hợp xử lý hình sự cũng thể hiện sự nghiêm khắc, xử lý nghiêm minh đối với các hình vi vi phạm pháp luật đã cấu thành tội phạm, hạn chế các quyền của cá nhân/tổ chức phạm tội.
Các hình phạt bổ sung đối với cá nhân trong xử lý hình sự được quy định tại Khoản 2 Điều 32 Bộ luật Hình sự năm 2015 gồm có:
- Cấm cá nhân đảm nhiệm chức vụ, cấm các nhân hành nghề hoặc làm công việc nhất định;
- Cấm cá nhân phạm tội cư trú;
- Quản chế đối với tội phạm;
- Tước một số quyền công dân của cá nhân phạm tội;
- Tịch thu tài sản của cá nhân phạm tội;
- Phạt tiền, khi không áp dụng phạt tiền là hình phạt chính;
- Trục xuất, khi không áp dụng trục xuất là hình phạt chính.
Các hình phạt bổ sung đối với pháp nhân thương mại phạm tội được quy định tại Khoản 2 Điều 33 Bộ luật Hình sự năm 2015 gồm có:
- Cấm kinh doanh và cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định;
- Cấm pháp nhân thực hiện huy động vốn;
- Phạt tiền đối với pháp nhân, khi không áp dụng phạt tiền là hình phạt chính.
Hình phạt chính và hình phạt bổ sung có gì khác nhau?
Hình phạt chính và hình phạt bổ sung thường được nhắc cùng với nhau, tuy nhiên chúng có những điểm khác nhau mà chúng ta cần phân biệt được khi sử dụng.
Phân biệt hình phạt chính và hình phạt bổ sung
* Điểm giống nhau
- Hình phạt chính và hình phạt bổ sung đều là các biện pháp áp dụng với người có hành vi vi phạm pháp luật, có tính cưỡng chế.
- Đều do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng.
- Đi kèm với hình phạt chính trong xử lý vi phạm hành chính hoặc hình sự.
- Đem đến bất lợi/hạn chế quyền của cá nhân/ tổ chức.
* Điểm khác nhau
- Tính bắt buộc áp dụng: Đối với việc xử lý vi phạm thì chắc chắn cá nhân/tổ chức vi phạm sẽ bị áp dụng hình phạt chính. Riêng hình phạt bổ sung không bắt buộc phải áp dụng.
- Mức độ, tính chất của hình phạt: Hình phạt chính có tính nghiêm khắc, răn đe mạnh hơn so với hình phạt bổ sung. Hình phạt bổ sung nhẹ hơn, là những biện pháp xử lý kèm theo.
- Nguyên tắc áp dụng:
+ Hình phạt chính có thể đi một mình, áp dụng với hành vi vi phạm.
+ Hình phạt bổ sung thì không đi một mình, luôn đi kèm hình phạt chính.
Ví dụ về hình phạt chính và hình phạt bổ sung
* Trong xử lý các hành vi vi phạm hành chính theo quy định pháp luật hiện hành
- Căn cứ Điều 12 Nghị định 82/2020/NĐ-CP thì hành vi vi phạm quy định pháp luật về hoạt động công chứng như tẩy xóa, sửa chữa nội dung của các giấy tờ để công chứng; giả mạo hoặc thuê người công chứng văn bản, giấy tờ,... thì bị áp dụng hình phạt chính là phạt tiền và hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật vi phạm - là các giấy tờ bị tẩy xóa, bị sửa chữa nêu trên.
- Không phải tất cả các hành vi vi phạm hành chính đều áp dụng hình phạt bổ sung.
* Trong xử lý hình sự đối với hành vi phạm tội của cá nhân hoặc thương nhân
- Điều 141 Bộ luật Hình sự 2015 quy định hình phạt đối với tội Hiếp dâm, theo đó:
Hình phạt chính là hình phạt tù. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà có các mức phạt tù khác nhau, thấp nhất là phạt tù có thời hạn 02 năm và cao nhất là hình phạt tù chung thân.
Bên cạnh đó, người phạm tội bị áp dụng hình phạt bổ sung là bị cấm đảm nhiệm chức vụ, bị cấm hành nghề hoặc cấm làm công việc nhất định trong thời hạn là từ 01 năm đến thời hạn 05 năm.
- Không phải tất cả các tội đều có hình phạt bổ sung mà tùy từng tội phạm khác nhau.
- Ngoài ra cần lưu ý: Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với trường hợp người chưa thành niên phạm tội.
Trên đây là định nghĩa Hình phạt bổ sung là gì và các quy định liên quan. Nếu còn thắc mắc nào liên quan đến vấn đề này hoặc các vấn đề khác, các bạn vui lòng liên hệ tổng đài: 19006192 để được tư vấn, giải đáp