Chứng minh thư nhân dân và hộ chiếu là 2 loại giấy tờ được nhiều người sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, nhiều trường hợp bị mất chứng minh thư nhân dân bị mất thì người dân có thể sử dụng hộ chiếu thay thế để thực hiện các giao dịch hàng ngày hay không? Bài viết sau đây sẽ làm rõ vấn đề này.
Hộ chiếu là gì? Chứng minh thư nhân dân là gì?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 2 Luật Xuất cảnh nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019, hộ chiếu là một loại giấy tờ thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho công dân Việt Nam sử dụng để nhập cảnh, xuất cảnh chứng minh nhân thân và quốc tịch.
Hiện tại, theo quy định của pháp luật, hộ chiếu gồm 3 loại: Hộ chiếu phổ thông, hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ. Hộ chiếu được cấp theo mẫu quy định tại Điều 2 Thông tư 73/2021/TT-BCA, cụ thể:
- Mặt ngoài của hộ chiếu: in quốc hiệu, quốc huy, tên hộ chiếu; đối với hộ chiếu có gắn chíp điện tử có biểu tượng chíp điện tử;
- Hình ảnh các trang trong hộ chiếu: di sản văn hóa Việt Nam, cảnh đẹp đất nước và có kết hợp với họa tiết trống đồng;
- Ngôn ngữ trong hộ chiếu: Tiếng Anh và tiếng Việt;
- Số lượng trang hộ chiếu (không bao gồm bìa): Đối với hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ và hộ chiếu phổ thông có thời hạn 5 năm hoặc 10 năm thì hộ chiếu có 48 trang; đối với hộ chiếu phổ thông có thời hạn dưới 12 tháng thì hộ chiếu có 12 trang.
- Kích thước hộ chiếu: Áp dụng theo tiêu chuẩn ISO 7810 (ID-3): 88 mm x 125 mm ± 0,75 mm; bán kính góc cuốn hộ chiếu r: 3,18mm ± 0,3mm;
- Chíp điện tử được gắn sau trang bìa của hộ chiếu có gắn chíp điện tử;
- Chất liệu của bìa hộ chiếu: loại vật liệu nhựa tổng hợp có độ bền cao;
- Số và chữ trong hộ chiếu được đục lỗ bằng laser thông suốt từ trang 1 tới bìa sau của hộ chiếu và trùng với chữ và số ở trang 1.
Theo quy định tại Điều 1 Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BCA có quy định về chứng minh thư nhân dân là loại giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam do cơ quan Công an có thẩm quyền chứng nhận về những nội dung cơ bản và đặc điểm riêng của mỗi người trong độ tuổi do pháp luật quy định.
Chứng minh thư nhân dân có mẫu theo quy định tại Điều 2 Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BCA, cụ thể:
- Mặt trước của CMND:
+ Bên trái, từ trên xuống: hình Quốc huy nước CHXHCN Việt Nam, có đường kính 14 mm; ảnh của người được cấp CMND có kích cỡ 20 x 30 mm; có giá trị đến ngày…tháng…năm….
+ Bên phải, từ trên xuống: Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Độc lập – Tự do – Hạnh phúc; chứ “Chứng minh nhân dân” có màu đỏ; mã số CMND; họ và tên khai sinh; họ và tên gọi khác; ngày…tháng…năm sinh; giới tính; dân tộc; quê quán; nơi thường trú.
- Mặt sau: Trên cùng là mã vạch 2 chiều.
+ Bên trái, có 2 ô: ô trên, vân tay ngón trỏ trái; ô dưới, vân tay ngón trỏ phải.
+ Bên phải, từ trên xuống: đặc điểm nhân dạng; ngày…tháng…năm cấp Chứng minh nhân dân; chức danh người cấp; ký tên và đóng dấu.
Hộ chiếu có thay được chứng minh thư không? (Ảnh minh họa)
Hộ chiếu và chứng minh nhân dân được sử dụng trong trường hợp nào?
Theo quy định tại Điều 33 và Điều 34 Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019, hộ chiếu là một trong các loại giấy tờ người dân phải có khi thực hiện xuất cảnh hoặc nhập cảnh vào Việt Nam. Nếu thiếu loại giấy tờ này thì công dân Việt Nam không thể nhập cảnh cũng như xuất cảnh khỏi Việt Nam. Ngoài ra, hộ chiếu còn được sử dụng để chứng minh nhân thân và quốc tịch của một người.
Theo quy định tại Mục I Thông tư 04/1999/TT-BCA, chứng minh thư nhân dân được sử dụng làm giấy tờ tùy thân trong việc đi lại và thực hiện các giao dịch hàng ngày. Mọi công dân phải có trách nhiệm mang theo CMND và xuất trình khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.
Khi nào hộ chiếu được sử dụng thay thế chứng minh thư nhân dân?
Do trên hộ chiếu có ghi nhận mã số chứng minh thư nhân dân, ảnh, họ và tên của công dân nên nhiều trường hợp hộ chiếu vẫn có thể sử dụng thay thế cho chứng minh nhân dân. Cụ thể trong một số trường hợp như:
Theo quy định tại khoản 4 Điều 5 Thông tư 48/2018/TT-NHNN, giấy tờ xác minh thông tin của người gửi tiền bao gồm CMND, thẻ CCCD hoặc Hộ chiếu còn thời hạn hiệu lực hoặc Giấy khai sinh của cá nhân chưa đủ 14 tuổi. Do đó, nếu chứng minh nhân dân bị mất thì người dân có thể sử dụng Hộ chiếu để thay thế khi thực hiện giao dịch tại ngân hàng.
Theo quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 36 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT có quy định về hồ sơ cấp lại giấy phép lái xe bị mất, trường hợp người yêu cầu cấp lại giấy phép lái xe bị mất không có chứng minh thư nhân dân thì có thể thay thế bằng hộ chiếu còn thời hạn có ghi số chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân.
Theo Phụ lục XIV Thông tư 13/2019/TT-BGTVT, đối với trường hợp hành khách mang quốc tịch Việt Nam làm thủ tục đi tàu bay trên các chuyến tàu bay nội địa thì có thể xuất trình hộ chiếu thay thế cho CMND hoặc thẻ CCCD.
….
Áp dụng quy định pháp luật đối với trường hợp của bạn, theo quy định tại khoản 4 Điều 5 Thông tư 48/2018/TT-NHNN, bạn có thể sử dụng hộ chiếu để đến ngân hàng rút tiền trong trường hợp bị mất chứng minh thư nhân dân.
Vừa rồi là những thông tin liên quan đến Hộ chiếu có thay được chứng minh thư không. Nếu còn có vướng mắc, bạn có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.
>> Sắp tới TP.HCM sẽ dùng hoàn toàn CCCD gắn chip, đúng không?