Không ít người nhầm lẫn cho rằng hộ chiếu và visa là một do có cùng mục đích sử dụng để nhập cảnh, xuất cảnh ở nước ngoài. Tuy nhiên, đây là 02 loại giấy tờ hoàn toàn khác nhau. Vậy, hộ chiếu và sisa khác nhau thế nào?
Để trả lời cho vướng mắc của bạn, bài viết dưới đây sẽ trình bày những điểm khác nhau nổi bật giữa hộ chiếu và visa.
1. Khái niệm về hộ chiếu và visa
Hộ chiếu (tên tiếng anh là passport) theo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 là giấy tờ thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho công dân Việt Nam với mục đích sử dụng để nhập cảnh, xuất cảnh, chứng minh quốc tịch,...
Trên hộ chiếu, ngoài các thông tin về nhân thân còn bao gồm các thông tin khác như: Số giấy tờ xuất nhập cảnh; ngày, tháng, năm cấp; cơ quan cấp; ngày, tháng, năm hết hạn; số định danh cá nhân/số CMND;...
Thị thực (tên tiếng anh là Visa) là loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, cho phép người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam (theo Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014).
2. Các loại hộ chiếu và Visa
- Đối với hộ chiếu, hiện nay, theo Thông tư 73/2021/TT-BCA, có 03 loại hộ chiếu sau:
+ Hộ chiếu ngoại giao, trang bìa màu nâu đỏ (mẫu HCNG): Cấp cho quan chức cấp cao của Nhà nước; được cơ quan, người có thẩm quyền cử hoặc cho phép ra nước ngoài để thực hiện nhiệm vụ công tác.
+ Hộ chiếu công vụ, trang bìa màu xanh lá cây đậm (mẫu HCCV): Cấp cho đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, Công an,... được cơ quan, người có thẩm quyền cử hoặc cho phép ra nước ngoài để thực hiện nhiệm vụ công tác.
+ Hộ chiếu phổ thông, trang bìa màu xanh nhạt hơn (mẫu HCPT): Cấp cho công dân Việt Nam sang nước ngoài du lịch, học tập,...
Đặc biệt, về mẫu hộ chiếu, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 73/2021/TT-BCA, theo đó từ 14/8/2021 chính thức áp dụng hộ chiếu gắn chip điện tử đem lại nhiều thuận lợi hơn cho người sử dụng.
- Đối với visa, theo Điều 8 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 sửa đổi năm 2019 có 27 loại thị thực, trong đó có thể kể đến một số loại thị thực phổ biến và ký hiệu sau:
- DH - Cấp cho người vào thực tập, học tập.
- HN - Cấp cho người vào dự hội nghị, hội thảo.
- PV1 - Cấp cho phóng viên, báo chí thường trú tại Việt Nam.
- PV2 - Cấp cho phóng viên, báo chí vào hoạt động ngắn hạn tại Việt Nam.
- LĐ1 - Cấp cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam có xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.
- LĐ2 - Cấp cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc diện phải có giấy phép lao động.
- DL - Cấp cho người vào du lịch.
- TT - Cấp cho người nước ngoài là vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của người nước ngoài được cấp thị thực ký hiệu LV1, LV2, LS, ĐT1, ĐT2, ĐT3, NN1, NN2, DH, PV1, LĐ1, LĐ2 hoặc người nước ngoài là cha, mẹ, vợ, chồng, con của công dân Việt Nam...
Hộ chiếu và visa khác nhau như thế nào? (Ảnh minh họa)
3. Công dụng của hộ chiếu và visa
Hộ chiếu: Nhằm mục đích xuất cảnh và nhập cảnh có sự bảo hộ của nhà nước, có vai trò xác định những đặc điểm nhân dạng của một người như: Họ tên, ngày và nơi sinh, đặc điểm nhận dạng,... đồng thời cũng là giấy tờ chứng minh quốc tịch của một người.
Visa: Được dùng như là một loại giấy phép cho phép một người xuất nhập cảnh, lưu trú tại một quốc gia, vùng lãnh thổ mà người đó xin cấp.
Theo đó, hộ chiếu được cấp trước, visa được cấp sau.
4. Thời hạn của hộ chiếu và visa
Thời hạn hộ chiếu
Căn cứ theo Điều 7 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, thời hạn hộ chiếu phổ thông là 10 năm, cụ thể:
- Hộ chiếu phổ thông:
Cấp cho người từ đủ 14 tuổi trở lên | 10 năm |
Cấp cho người chưa đủ 14 tuổi | 05 năm |
Cấp theo thủ tục rút gọn | 12 tháng |
- Hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ
Cấp trong trường hợp bị hỏng hoặc mất khi đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài | 01 năm |
Cấp trong trường hợp hộ chiếu hết trang hoặc gia hạn | Tối thiểu 01 năm và không dài hơn thời hạn hộ chiếu cũ |
Cấp cho người đang là thành viên của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hoặc cơ quan thông tấn, báo chí nhà nước của Việt Nam thường trú ở nước ngoài có thay đổi về chức vụ | |
Cấp, gia hạn cho người là vợ, chồng, con chưa đủ 18 tuổi đang ở nước ngoài đi thăm, đi theo, con mới sinh ở nước ngoài của thành viên Cơ quan đại diện hoặc cơ quan thông tấn, báo chí nhà nước của Việt Nam thường trú ở nước ngoài | Tối thiểu 01 năm và không dài hơn thời hạn hộ chiếu người đi theo |
Thời hạn visa
Thời hạn của visa được quy định khác nhau theo mục đích sử dụng (học tập, du lịch, làm việc,...). Cụ thể:
- Thị thực ký hiệu SQ, EV: không quá 30 ngày.
- Thị thực ký hiệu HN, DL: không quá 30 ngày.
- Thị thực ký hiệu VR: không quá 06 tháng.
- Thị thực ký hiệu NG1, NG2, NG3, NG4, LV1, LV2, ĐT4, DN1, DN2, NN1, NN2, NN3, DH, PV1, PV2 và TT: không quá 12 tháng.
- Thị thực ký hiệu LĐ1, LĐ2: không quá 02 năm.
- Thị thực ký hiệu ĐT3: không quá 03 năm.
- Thị thực ký hiệu LS, ĐT1, ĐT2: không quá 05 năm.
Trên đây là giải đáp về hộ chiếu và visa khác nhau như thế nào? Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.