hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 04/03/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Hộ kinh doanh cá thể là gì? Có phải đóng BHXH không?

Hộ kinh doanh cá thể là mô hình kinh doanh được lựa chọn tương đối nhiều và phổ biến. Tuy nhiên không phải ai cũng nắm rõ hộ kinh doanh cá thể là gì?

Mục lục bài viết
  • Hộ kinh doanh cá thể là gì?
  • Nội dung cần lưu ý khi đăng ký hộ kinh doanh
  • 1. Đối tượng, địa điểm đăng ký hộ kinh doanh
  • 2. Số lượng lao động tối đa trong hộ kinh doanh
  • 3. Thủ tục đăng ký hộ kinh doanh

Hộ kinh doanh cá thể là gì?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ.

Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh.

Lưu ý, những trường hợp sau đây không phải đăng ký hộ kinh doanh (trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện):

- Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối;

- Những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp.

Hộ kinh doanh cá thể là gì? Có phải đóng BHXH không? (Ảnh minh họa)


Nội dung cần lưu ý khi đăng ký hộ kinh doanh

1. Đối tượng, địa điểm đăng ký hộ kinh doanh

- Về đối tượng đăng ký hộ kinh doanh:

Điều 79 Nghị định 01/2021 nêu rõ, các đối tượng được quyền thành lập hộ kinh doanh cá thể là cá nhân, thành viên hộ gia đình là công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Người đại diện các thành viên hộ gia đình đứng tên trên giấy phép kinh doanh là chủ hộ kinh doanh.

Một người chỉ đứng tên duy nhất một hộ kinh doanh, nếu người này đã là chủ một hộ kinh doanh trước đó, mặc dù không kinh doanh từ rất lâu rồi nhưng vẫn chưa tiến hành giải thể thì người này không thể đứng tên trên hộ kinh doanh mới.

- Về địa điểm đăng ký hộ kinh doanh:

Tại Điều 86 Nghị định 01/2021 quy định địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh là nơi hộ kinh doanh thực hiện hoạt động kinh doanh.

Một hộ kinh doanh có thể hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm nhưng phải chọn một địa điểm để đăng ký trụ sở hộ kinh doanh và phải thông báo cho Cơ quan quản lý thuế, cơ quan quản lý thị trường nơi tiến hành hoạt động kinh doanh đối với các địa điểm kinh doanh còn lại.

2. Số lượng lao động tối đa trong hộ kinh doanh

Số lượng lao động tối đa mà hộ kinh doanh cá thể được phép sử dụng là 09 lao động. Với trường hợp sử dụng từ 10 lao động trở lên, bắt buộc phải chuyển đổi sang hoạt động theo hình thức doanh nghiệp để tránh bị cơ quan chức năng xử lý vi phạm.

3. Thủ tục đăng ký hộ kinh doanh

- Về hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh

Theo khoản 1 Điều 87 Nghị định 01/2021, hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh gồm:

+ Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh;

+ Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;

+ Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;

+ Bản sao văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.

- Trình tự đăng ký hộ kinh doanh:

Bước 1: Nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh

Hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh được nộp đến Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh.

Bước 2: Tiếp nhận và xử lý hồ sơ

- Khi tiếp nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.

- Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện phải thông báo bằng văn bản cho người nộp hồ sơ hoặc người thành lập hộ kinh doanh biết. Thông báo phải nêu rõ lý do và các yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ (nếu có).

Lưu ý: Định kỳ vào tuần làm việc đầu tiên hàng tháng, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện gửi danh sách hộ kinh doanh đã đăng ký tháng trước cho Cơ quan thuế cùng cấp, Phòng Đăng ký kinh doanh và cơ quan quản lý chuyên ngành cấp tỉnh.

Một số câu hỏi thường gặp liên quan đến hộ kinh doanh cá thể

1. Hộ kinh doanh có cần đăng ký mã số thuế không?

Tại điểm i, khoản 2 Điều 4 Thông tư 105/2020 quy định trường hợp sau thuộc đối tượng thực hiện đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế:

i) Hộ gia đình, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả cá nhân của các nước có chung đường biên giới đất liền với Việt Nam thực hiện hoạt động mua, bán, trao đổi hàng hóa tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu (sau đây gọi là Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh).

Theo đó, hộ gia đình kinh doanh là một trong những đối tượng phải nộp thuế, do đó, bắt buộc phải có mã số thuế.

2. Hộ kinh doanh cá thể có phải đóng BHXH không?

Theo khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, đối tượng áp dụng BHXH bắt buộc là người lao động gồm:

- Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên (áp dụng từ ngày 01/01/2018).

- Cán bộ, công chức, viên chức

- Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu...

Đồng thời, theo Khoản 3 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, đối tượng áp dụng BHXH bắt buộc là người sử dụng lao đồng gồm:

- Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân

- Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác

- Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam

- Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.

Như vậy, nếu chủ hộ kinh doanh cá thể có hoạt động thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động thì chủ hộ phải tham gia BHXH bắt buộc.

Nếu không thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động thì chủ hộ kinh doanh không phải tham gia BHXH bắt buộc và có thể lựa chọn hình thức BHXH tự nguyện.

Vừa rồi là giải đáp về hộ kinh doanh cá thể là gì? Nếu có thêm vướng mắc, bạn đọc thể liên hệ với chúng tôi qua hotline  19006199 để được các chuyên gia pháp lý hỗ trợ.

>> Bán hàng tạp hóa phải nộp những loại thuế nào?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X