Hiện nay, nhiều người vẫn còn thắc mắc hộ kinh doanh có tư cách pháp nhân không hay có phải là doanh nghiệp không. Bài viết dưới đây sẽ giải đáp về những quy định liên quan đến hộ kinh doanh.
Hộ kinh doanh có tư cách pháp nhân không? Có con dấu không?
Hộ kinh doanh có tư cách pháp nhân không?
Căn cứ Điều 74 Bộ luật Dân sự năm 2015, một tổ chức được công nhận có tư cách pháp nhân nếu đáp ứng đầy đủ các quy định sau:
- Thành lập theo quy định pháp luật.
- Có cơ cấu tổ chức theo Điều 83 Bộ luật Dân sự năm 2015, cụ thể là: Có cơ quan tổ chức, điều hành, nhiệm vụ, quyền và trách nhiệm của cơ quan điều hành được quy định rõ ràng trong điều lệ hoặc quyết định thành lập của pháp nhân.
- Có tài sản độc lập với những tổ chức, cá nhân khác, đồng thời tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.
- Tham gia vào các quan hệ pháp luật một cách độc lập và tự nhân danh chính mình thực hiện.
Đối chiếu với quy định về hộ kinh doanh tại khoản 1 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, hộ kinh doanh được quy định như sau:
- Hộ kinh doanh được thành lập bởi một cá nhân/nhiều thành viên trong hộ, tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình trong hoạt động kinh doanh của hộ gia đình.
- Nếu các thành viên trong hộ gia đình đăng ký thành lập hộ kinh doanh thì có thể uỷ quyền cho cho 01 thành viên đại diện hộ kinh doanh.
- Cá nhân đăng ký thành lập hộ kinh doanh hoặc người được các thành viên trong hộ uỷ quyền đại diện hộ là chủ hộ kinh doanh.
Như vậy, hộ kinh doanh chịu trách nhiệm vô hạn đối với hoạt động kinh doanh của mình, đồng thời cũng không đáp ứng đủ những điều kiện để được công nhận là pháp nhân, do đó không được xem là pháp nhân.
Căn cứ khoản 1 Điều 5 Nghị định 99/2016/NĐ-CP, việc sử dụng con dấu phải đáp ứng điều kiện:
“Cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước chỉ được sử dụng con dấu khi đã có quy định về việc được phép sử dụng con dấu trong văn bản quy phạm pháp luật hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền; phải đăng ký mẫu con dấu trước khi sử dụng.”
Hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân, do đó không có con dấu pháp nhân và cũng không thuộc phạm vi điều chỉnh về việc sử dụng mẫu dấu theo quy định trên.
Hộ kinh doanh có con dấu không?
Tổng hợp các quy định trên, hộ gia đình không đủ điều kiện để được sử dụng con dấu pháp nhân hay đăng ký mẫu dấu.
Tuy nhiên, pháp luật cũng không có quy định nào cấm hộ kinh doanh không được sử dụng con dấu.
Do đó, hộ kinh doanh có thể tự thiết kế, đặt in và sử dụng con dấu phục vụ cho hoạt động kinh doanh, đồng thời sử dụng con dấu để cung cấp các thông tin về địa chỉ, logo… nhằm cung cấp và thay thế phần thông tin của hộ.
Hộ kinh doanh có phải là doanh nghiệp không?
Căn cứ khoản 10 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp được hiểu là tổ chức có tên riêng, có tài sản và trụ sở giao dịch, đồng thời được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định nhằm thực hiện mục đích kinh doanh.
Như vậy, dù hộ kinh doanh là tổ chức có tên riêng, có tài sản, trụ sở giao dịch và được thành lập, đăng ký thanh lập theo quy định để thực hiện hoạt động kinh doanh, nhưng hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp, bởi vì:
Hộ kinh doanh hoạt động mang tính nhỏ lẻ, không thường xuyên, không có con dấu, không được mở văn phòng đại diện, chi nhánh....
Hộ kinh doanh có phải là doanh nghiệp không?
Khi nào hộ kinh doanh phải thành lập doanh nghiệp?
Trước đây, theo Điều 66 Nghị định 78/2015/NĐ-CP quy định hộ kinh doanh chỉ được sử dụng dưới 10 lao động, nếu sử dụng từ 10 lao động trở lên thì phải thực hiện đăng ký thành lập doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Nghị định 01/2021/NĐ-CP ra đời (có hiệu lực thi hành từ 04/01/2021) thay thế cho Nghị định 78/2015/NĐ-CP thì không giới hạn số lượng lao động đối với hộ kinh doanh.
Cụ thể, Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP chỉ quy định hộ kinh doanh do cá nhân hoặc các thành viên trong hộ đăng ký thành lập, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình trong hoạt động kinh doanh. Do đó, kể từ ngày 04/01/2021, hộ kinh doanh không bị giới hạn số lượng lao động.
Căn cứ Điều 27 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, việc đăng ký chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành doanh nghiệp được thực hiện trên tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi dự kiến đặt trụ sở.
Như vậy, hiện nay pháp luật không quy định trường hợp bắt buộc hộ kinh doanh phải thành lập doanh nghiệp mà được thực hiện theo nhu cầu của hộ kinh doanh và Nhà nước cũng khuyến khích hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp.
Để chuyển đổi thành doanh nghiệp, hộ kinh doanh có nhu cầu chuẩn bị hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định 01/2021/NĐ-CP.
Trong vòng 02 ngày làm việc kể từ khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ gửi bản chính Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, kèm bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đến cơ quan đăng ký kinh doanh nơi hộ kinh doanh đặt trụ sở để chấm dứt hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh này.
Trên đây là những thông tin về vấn đề Hộ kinh doanh có tư cách pháp nhân không? Có phải là doanh nghiệp? Nếu còn thắc mắc, hãy liên hệ ngay đến tổng đài tư vấn miễn phí: 19006192 để được hỗ trợ nhanh nhất.