Hộ kinh doanh được chuyển đổi thành các loại hình doanh nghiệp nào? Theo dõi bài viết sau đây để có được câu trả lời.
Hộ kinh doanh được chuyển thành các loại hình doanh nghiệp nào?
Trước đây, tại Luật Doanh nghiệp 2014 không cho phép hộ kinh doanh được chuyển đổi loại hình doanh nghiệp. Nếu như hộ kinh doanh muốn chuyển đổi loại hình doanh nghiệp thì phải làm thủ tục chấm dứt hoạt động và đăng ký thành lập doanh nghiệp mới.
Hiện nay, tại khoản 1 Điều 27 Nghị định 01/2021/NĐ-CP đã cho phép hộ kinh doanh chuyển đổi thành các loại hình doanh nghiệp tùy vào định hướng, quy mô kinh doanh...
Luật Doanh nghiệp 2020 định nghĩa doanh nghiệp là một tổ chức có tên riêng, có tài sản riêng, có trụ sở giao dịch cố định và phải thành lập hoặc đăng ký thành lập theo trình tự, thủ tục phù hợp với quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh.
Hộ kinh doanh được chuyển thành các loại hình doanh nghiệp nào?
Cũng theo quy định tại Luật này, hộ kinh doanh có thể chuyển đổi thành bất kỳ loại hình doanh nghiệp nào sau đây:
- Doanh nghiệp tư nhân được hiểu là doanh nghiệp có chủ sở hữu là một cá nhân và được chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của chủ sở hữu về mọi hoạt động của doanh nghiệp;
- Công ty hợp danh được hiểu là loại hình doanh nghiệp có đủ các điều kiện sau đây:
+ Về số lượng chủ sở hữu: Phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, đồng thời phải cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh). Bên cạnh các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn;
+ Pháp luật hiện hành chỉ cho phép thành viên hợp danh là cá nhân. Đối với các nghĩa vụ của công ty, thành viên hợp danh phải tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình.
Trong khi đó, thành viên góp vốn của công ty hợp danh có thể là tổ chức hoặc cá nhân và chỉ cần trách nhiệm đối với các khoản nợ của công ty hợp danh trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty.
- Công ty trách nhiệm hữu hạn bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, theo đó:
+ Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được quy định là doanh nghiệp có chủ sở hữu công ty là một tổ chức hoặc một cá nhân. Về phạm vi chịu trách nhiệm với công ty thì chủ sở hữu công ty chỉ phải chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.
+ Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên được quy định là loại hình doanh nghiệp có từ 02 đến 50 thành viên. Trong đó thành viên của công ty có thể là tổ chức hoặc cá nhân.
Về phạm vi chịu trách nhiệm thì thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên chỉ phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp.
- Công ty cổ phần được quy định là doanh nghiệp có các đặc điểm sau đây:
+ Vốn điều lệ của công ty cổ phần sẽ được chia thành nhiều phần bằng nhau và gọi là cổ phần theo quy định của pháp luật doanh nghiệp hiện hành;
+ Cổ đông là tên gọi của thành viên trong công ty cổ phần. Trong đó, pháp luật cho phép cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân;
+ Về số lượng cổ đông: Luật Doanh nghiệp 2002 quy định số lượng cổ đông của công ty cổ phần tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa;
+ Về phạm vi chịu trách nhiệm với công ty: Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;
+ Ngoài ra, pháp luật còn cho phép cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác.
Hồ sơ chuyển đổi hộ kinh doanh thành các loại hình doanh nghiệp
Thành phần hồ sơ chuyển đổi hộ kinh doanh thành các loại hình doanh nghiệp được quy định tại Điều 27 Nghị định 01/2021/NĐ-CP như sau:
- Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh (Bản gốc);
- Giấy chứng nhận đăng ký thuế (Bản sao);
- Điều lệ công ty;
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
- Đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty hợp danh thì phải nộp kèm danh sách thành viên. Còn đối với công ty cổ phần thì nộp kèm danh sách cổ đông sáng lập;
- Trường hợp thành viên của công ty là tổ chức thì phải nộp kèm theo: Quyết định thành lập tổ chức (Bản sao), Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, tài liệu liên quan khác của tổ chức;
- Căn cước công dân của người đại theo diện theo pháp luật, của các thành viên, cổ đông (Bản sao);
- Nếu người đại diện theo pháp luật không trực tiếp đi nộp hồ sơ thì phải có Giấy ủy quyền cho người nộp hồ sơ và căn cước công dân của người được ủy quyền (bản sao).
Thủ tục chuyển đổi hộ kinh doanh thành các loại hình doanh nghiệp
Trình tự, thủ tục chuyển đổi hộ kinh doanh thành các loại hình doanh nghiệp được quy định tại Điều 32 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, có thể tóm tắt như sau:
Bước 1. Nộp hồ sơ
Hộ kinh doanh có nhu cầu chuyển đổi loại hình doanh nghiệp nộp hồ sơ tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Thủ tục chuyển đổi hộ kinh doanh thành các loại hình doanh nghiệp
Bước 2. Tiếp nhận hồ sơ
Sau khi đã nhận được hồ sơ, Phòng đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính sẽ tiếp nhận hồ sơ để nhập thông tin vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ ra Giấy biên nhận về việc nhận hồ sơ cho người nộp hồ sơ để làm cơ sở xác nhận.
Bước 3. Xử lý hồ sơ
Phòng Đăng ký kinh doanh tiến hành kiểm tra hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ hay chưa và tải các văn bản đã được số hóa trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Trên đây là tư vấn về hộ kinh doanh được chuyển đổi thành các loại hình doanh nghiệp nào. Hy vọng bạn đọc đã hiểu rõ hơn về những nội dung liên quan. Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.