Khi đăng ký thành lập hộ kinh doanh thì chủ hộ sẽ được đăng ký bao nhiêu ngành nghề và cách thức tra cứu ngành nghề hộ kinh doanh như thế nào. Theo dõi bài viết dưới đây.
Hộ kinh doanh được đăng ký bao nhiêu ngành nghề?
Hiện nay, pháp luật không giới hạn số lượng ngành nghề hộ kinh doanh được đăng ký. Theo khoản 1 Điều 89 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, khi thành lập hộ kinh doanh phải ghi ngành, nghề kinh doanh trên Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh.
Bên cạnh đó, khoản 2 Điều này cũng quy định:
Hộ kinh doanh được quyền kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện kể từ khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và phải bảo đảm đáp ứng các điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động. Việc quản lý nhà nước đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và kiểm tra việc chấp hành điều kiện kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc thẩm quyền của cơ quan chuyên ngành theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Như vậy, pháp luật không giới hạn số lượng ngành nghề mà hộ kinh doanh đăng ký hoạt động. Tùy vào nhu cầu kinh doanh để chủ hộ kinh doanh đăng ký số lượng ngành nghề kinh doanh phù hợp. Tuy nhiên, chủ hộ kinh doanh phải đăng ký những ngành nghề mà pháp luật cho phép kinh doanh và phải đáp ứng các điều kiện sau:
Không thuộc danh mục ngành, nghề kinh doanh bị cấm tại Điều 6 Luật Đầu tư 2020, bao gồm:
“Điều 6. Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh
1. Cấm các hoạt động đầu tư kinh doanh sau đây:
a) Kinh doanh các chất ma túy quy định tại Phụ lục I của Luật này;
b) Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục II của Luật này;
c) Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục III của Luật này;
d) Kinh doanh mại dâm;
đ) Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người;
e) Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;
g) Kinh doanh pháo nổ;
h) Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.”
Nếu thuộc danh mục các ngành nghề có điều kiện quy định tại Phụ lục IV của Luật Đầu tư 2020 thì phải đáp ứng các điều kiện đi kèm, như: chứng chỉ hành nghề; giấy phép con; kinh nghiệm hành nghề,...
Hộ kinh doanh được đăng ký bao nhiêu ngành nghề
Hướng dẫn tra cứu ngành nghề của hộ kinh doanh
Hiện nay việc tra cứu ngành nghề của hộ kinh doanh khá dễ dàng thực hiện. Tại Điều 5i Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT được bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư 02/2023/TT-BKHĐT như sau:
“Cung cấp thông tin đăng ký hộ kinh doanh trên hệ thống thông tin về đăng ký hộ kinh doanh
Tổ chức, cá nhân có thể tra cứu thông tin đăng ký hộ kinh doanh miễn phí tại địa chỉ www.dangkykinhdoanh.gov.vn, bao gồm: tên hộ kinh doanh, mã số đăng ký hộ kinh doanh, mã số hộ kinh doanh, địa chỉ trụ sở, ngành, nghề kinh doanh, tên chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh.”
Theo đó, chủ hộ kinh doanh có thể thực hiện việc tra cứu ngành nghề của hộ kinh doanh trên website đăng ký thành lập doanh nghiệp. Cụ thể các bước tra cứu bao gồm,
Bước 1:
Truy cập vào website: dangkykinhdoanh.gov.vn
Hướng dẫn tra cứu ngành nghề của hộ kinh doanh
Bước 2:
Bạn nhập tên hộ kinh doanh hoặc mã số hộ kinh doanh
Bước 3: Giao diện của trang website sẽ hiển thị các thông tin như: tên hộ kinh doanh, người đại diện pháp luật, mã số kinh doanh, địa chỉ hộ kinh doanh,... sau đó bạn nhấn chọn vào mục Ngành, nghề kinh doanh để xem thông tin chi chiết.
Lưu ý cách ghi mã ngành nghề hộ kinh doanh
Hệ thống ngành nghề kinh tế Việt Nam phân chia thành 5 cấp. Và khi ghi ngành, nghề hộ kinh doanh thì bạn lựa chọn mã ngành nghề cấp 4 trong danh sách Hệ thống các ngành nghề kinh tế Việt Nam để ghi.
Theo Điều 5c Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT được bổ sung tại Thông tư 02/2023/TT-BKHĐT, khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7 Điều 7 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, việc ghi ngành, nghề kinh doanh chính của hộ kinh doanh thực hiện như sau:
- Lựa chọn ngành kinh tế cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg để ghi ngành, nghề kinh doanh chính của hộ kinh doanh trong giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh.
- Những ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì ghi theo ngành, nghề quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đó.
- Những ngành, nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam nhưng được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì ghi theo ngành, nghề quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đó.
- Những ngành, nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam và chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì Cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét ghi nhận ngành, nghề kinh doanh này vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp nếu không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.
Đồng thời thông báo cho Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư để bổ sung ngành, nghề kinh doanh mới.
Lúc này, ngành, nghề kinh doanh của hộ kinh doanh là ngành, nghề kinh doanh chi tiết hộ kinh doanh đã ghi.
Ví dụ:
STT | Tên ngành nghề | Mã ngành |
1 | Trồng lúa | 0111 |
2 | Khai thác và thu gom than cứng | 0510 |
3 | Chế biến, bảo quản thịt và các sản phẩm từ thịt (Chi tiết: Chế biến thịt heo, bò) | 1010 |
Trên đây là giải đáp về vấn đề hộ kinh doanh được đăng ký bao nhiêu ngành nghề, nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, vui lòng liên hệ ngay đến tổng đài 19006192 để được hỗ trợ nhanh nhất.