hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Bảy, 30/04/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Trường hợp nào hộ kinh doanh không cần đăng ký kinh doanh?

Đăng ký kinh doanh khi thực hiện kinh doanh, buôn bán là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, pháp luật cho phép cá nhân/hộ gia đình thực hiện kinh doanh mà không cần tiến hành đăng ký kinh doanh.

Câu hỏi: Kính chào Luật sư, tôi đang nghiên cứu để chuẩn bị thành lập hộ kinh doanh. Tôi thấy nhiều trang báo viết rằng có nhiều trường hợp hộ kinh doanh không cần thực hiện đăng ký kinh doanh mà vẫn có thể hoạt động được như bình thường. Vậy Luật sư giải đáp giúp tôi:

1. Trường hợp nào hộ kinh doanh không cần đăng ký kinh doanh mà vẫn được hoạt động như bình thường?

2. Nếu thuộc trường hợp phải đăng ký kinh doanh thì tôi cần nộp hồ sơ tới cơ quan nào để được giải quyết?

Trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ từ Luật sư.

Trường hợp nào hộ kinh doanh không cần đăng ký kinh doanh?

Thông thường, khi thực hiện các hoạt động kinh doanh, hộ kinh doanh phải thực hiện đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật, tuy nhiên, có một số trường hợp, pháp luật cho phép hộ kinh doanh hoạt động trong một số lĩnh vực không cần đăng ký kinh doanh. Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định một số trường hợp hộ kinh doanh không cần đăng ký kinh doanh mà vẫn hoạt động được bình thường, các trường hợp đó gồm có:

- Hộ kinh doanh là hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối;

- Những người bán hàng rong, quà vặt hoặc những người kinh doanh/hộ kinh doanh là người buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ;

- Những người làm dịch vụ có thu nhập thấp, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương do mình quản lý.

Như vậy, những người có công việc như mô tả ở trên sẽ không cần phải đăng ký kinh doanh mà vẫn được hoạt động hợp pháp.

ho kinh doanh khong can dang ky kinh doanh


Cơ quan nào có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho hộ kinh doanh?

Trong trường hợp hộ kinh doanh phải thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh thì cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi hộ kinh doanh có trụ sở kinh doanh.

Để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hộ kinh doanh cần phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều 87 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, hồ sơ bao gồm:

- Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh theo Phụ lục III-1 ban hành kèm theo Thông tư 02/2019/TT-BKHĐT;

- Giấy tờ pháp lý của cá nhân (chứng minh nhân dân/căn cước công dân) đối với chủ hộ kinh doanh hoặc chứng minh nhân dân/căn cước công dân của thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;

- Biên bản họp của các thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh (áp dụng trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh) (bản sao);

- Văn bản ủy quyền (hợp đồng ủy quyền/giấy ủy quyền) của các thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh (áp dụng đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh) (bản sao).

Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, chủ hộ kinh doanh nộp hồ sơ cho cơ quan đăng ký kinh doanh (Ủy ban nhân dân cấp huyện).

Thời hạn trả kết quả cho chủ hộ kinh doanh đề nghị đăng ký kinh doanh là 03 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ hợp lệ. Người đề nghị đăng ký hộ kinh doanh có quyền khiếu nại, tố cáo hoặc yêu cầu giải quyết hồ sơ nếu quá 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ hợp lệ mà cơ quan đăng ký kinh doanh không có văn bản/công văn yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật.

Một số lưu ý khi đăng ký hộ kinh doanh:

- Việc tiếp nhận hồ sơ được coi là hợp lệ khi người yêu cầu đăng ký kinh doanh và được cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao giấy biên nhận hồ sơ.

- Việc đặt tên hộ kinh doanh phải đảm bảo theo quy tắc “Hộ kinh doanh + Tên riêng của hộ kinh doanh”. Hộ kinh doanh có thể lựa chọn tên riêng để đặt là các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt và các chữ F, J, Z, W, đồng thời, tên của hộ kinh doanh có thể kèm chữ số, các ký hiệu (Điều 88 Nghị định 01/2021/NĐ-CP);

- Cá nhân hoặc các thành viên trong hộ gia đình được thành lập hộ kinh doanh nếu cá nhân/thành viên đó có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015.

Kết luận: Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho hộ kinh doanh là Ủy ban nhân dân cấp huyện. Hộ kinh doanh có quyền khiếu nại, tố cáo hoặc yêu cầu/đề nghị giải quyết hồ sơ đăng ký kinh doanh nếu quá 03 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ mà người yêu cầu không nhận được văn bản/công văn yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký kinh doanh.

Trên đây là giải đáp thắc mắc về hộ kinh doanh không cần đăng ký kinh doanh, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X