hieuluat
Chia sẻ email

Hộ kinh doanh là gì? Đặc điểm của hộ kinh doanh

Hiện nay nhiều cá nhân lựa chọn loại hình kinh doanh là hộ kinh doanh. Vậy hộ kinh doanh là gì? Những đặc điểm của hộ kinh doanh là gì? Cùng theo dõi bài viết dưới đây.

Mục lục bài viết
  • Hộ kinh doanh là gì?
  • Ví dụ về hộ kinh doanh
  • Đặc điểm của hộ kinh doanh 

Hộ kinh doanh là gì?

Hiện nay định nghĩa Hộ kinh doanh là gì chưa được pháp luật quy định. Tuy nhiên tại khoản 1 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định:

“Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ”.

Hộ kinh doanh là gì?

Hộ kinh doanh là gì?

Dựa vào nội dung quy định trên, chúng ta có thể hiểu hộ kinh doanh là một tổ chức, được thành lập dựa trên sự đăng ký của một cá nhân hoặc một nhóm thành viên hộ gia đình.

Tương tự như doanh nghiệp tư nhân, chủ hộ kinh doanh phải chịu trách nhiệm đối với hoạt động kinh doanh của hộ bằng toàn bộ tài sản của mình.

Mặc dù hộ kinh doanh không được xem là một loại hình doanh nghiệp, nhưng mô hình hộ kinh doanh lại được phổ biến mọi người lựa chọn vì tính đơn giản của nó.

Nếu một cá nhân thành lập hộ kinh doanh thì gọi là hộ kinh doanh cá thể. Còn do các thành viên hộ gia đình thành lập thì gọi là hộ kinh doanh gia đình.

Trong tiếng anh hộ kinh doanh là Business Households. Khi sử dụng hộ kinh doanh bằng tiếng anh thì bạn chỉ cần sử dụng đúng cấu trúc của thì sẽ diễn đạt được ý nghĩa của từ. Trong câu này, hộ kinh doanh đóng vai trò là một danh từ.

Ví dụ về hộ kinh doanh

Mô hình hộ kinh doanh thích hợp cho những cá nhân/ gia đình muốn kinh doanh gọn nhẹ, quy mô sản xuất nhọ, vốn đầu tư ít và nhân viên ít. Một cá nhân hoặc các thành viên trong gia đình có thể thành lập hộ kinh doanh để đăng ký kinh doanh các ngành nghề sau:

Hộ kinh doanh gia đình đăng ký thành lập để sản xuất muối gồm 5 nhân viên; Hộ kinh doanh cá nhân đăng ký mở tiệm tạp hóa do cá nhân đó làm chủ và bán hàng; hoặc thành lập hộ kinh doanh salon tóc gồm 15 nhân viên.

Hiện nay, quy định về giới hạn số lượng lao động của hộ kinh doanh là 10 lao động đã bị bãi bỏ. Nên chủ hộ kinh doanh không phải đăng ký thành lập doanh nghiệp khi số lượng lao động tăng lên.

Đặc điểm của hộ kinh doanh 

Theo nội dung quy định từ Điều 79 đến Điều 94 của Nghị định 01/2021/NĐ-CP liên quan tới hộ kinh doanh, chúng ta có thể rút ra được một số đặc điểm của hộ kinh doanh như sau:

Thứ nhất, chủ thể thành lập hộ kinh doanh là cá nhân hoặc một hộ gia đình làm chủ.

Tất cả phải là công dân Việt Nam, đủ 18 tuổi và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Ngoài ra còn đáp ứng điều kiện tại khoản 1 Điều 80 Nghị định 01/2021/NĐ-CP.

Đối với hộ kinh doanh do hộ gia đình thành lập thì các thành viên phải cử ra một người làm người đại diện pháp luật của hộ để thực hiện các giao dịch liên quan tới hộ kinh doanh.

Một cá nhân hoặc thành viên hộ gia đình chỉ được đăng ký thành lập một hộ kinh doanh trên toàn quốc.

Thứ hai, hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân.

Tại khoản 1 Điều 74 Bộ luật Dân sự 2015, pháp nhân phải phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

- Được thành lập hợp pháp;

- Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ;

- Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó;

- Nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Theo đó, khi thành lập hộ kinh doanh thì chủ hộ kinh doanh phải chịu trách nhiệm đối với hoạt động kinh doanh của hộ bằng toàn bộ tài sản của mình. Không có sự độc lập với tài sản của mình.

Như vậy hộ kinh doanh không đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên nên hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân, hộ kinh doanh không được thành lập thêm chi nhánh - văn phòng đại diện, và không thực hiện các quyền của doanh nghiệp.

Đặc điểm của hộ kinh doanh

Đặc điểm của hộ kinh doanh

Thứ ba, chủ hộ kinh doanh chịu trách nhiệm vô hạn đối với hoạt động của hộ kinh doanh

Theo quy định tại khoản 1 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP thì “cá nhân hoặc các thành viên của gia đình phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ”

Theo đó, khi phát sinh nợ và các nghĩa vụ tài chính khác thì chủ hộ kinh doanh phải có trách nhiệm trả nợ. Không phụ thuộc vào việc họ góp vào vốn đầu tư của hộ kinh doanh ban đầu là bao nhiêu. Khi còn tài sản thì họ chịu trách nhiệm với hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh.

Thứ tư, ngành nghề kinh doanh mang tính chất thường xuyên

Khoản 2 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định:

Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh

Như vậy, hộ kinh doanh hoạt động sản xuất các ngành nghề mang tính chất thường xuyên, mọi khoản thu nhập chính đều phát sinh từ các ngành nghề sản xuất này.

Trên đây là thông tin liên quan đến vấn đề hộ kinh doanh là gì. Hy vọng bạn đọc đã hiểu rõ hơn về những nội dung liên quan. Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.
Nguyễn Văn Tuấn

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Tuấn

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X