Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vui mừng khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 406 với nhiều chính sách miễn, giảm thuế do ảnh hưởng Covid-19. Để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, Chính phủ tiếp tục có Nghị định hướng dẫn cụ thể thực hiện thủ tục hưởng các chính sách này.
Hộ kinh doanh nào được miễn thuế?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 92/2021/NĐ-CP, đối tượng được miễn thuế là hộ, cá nhân kinh doanh cư trú, hoạt động trong mọi ngành nghề, hình thức khai thuế, nộp thuế, có hoạt động sản xuất kinh doanh tại địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch Covid-19 trong năm 2021.
Theo đó, để xác định các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch Covid-19, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ Thông báo trong năm 2021 của cơ quan có thẩm quyền tại địa phương liên quan đến dịch Covid-19.
Trong đó có nội dung dừng/ngừng/tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh đối với một hoặc nhiều hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên địa bàn.
Như vậy, trường hợp bạn kinh doanh tại địa bàn cấp huyện – nơi chịu tác động của dịch Covid-19 trong năm 2021 thì thuộc đối tượng được miễn thuế.
Sau khi có danh sách các địa bàn chịu tác động của dịch, bạn có thể dựa vsò danh sách này để xác định xem khu vực mình hoạt động kinh doanh có thuộc nơi bị ảnh hưởng bởi Covid-19 hay không.
Hộ kinh doanh muốn được miễn thuế theo Nghị quyết 406, phải làm gì? (Ảnh minh họa)
Hộ kinh doanh được miễn những loại thuế nào?
Cũng theo Nghị định 92/2021/NĐ-CP, hộ, cá nhân kinh doanh được miễn một số loại thuế phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III, IV năm 2021, gồm:
- Thuế thu nhập cá nhân.
- Thuế giá trị gia tăng.
- Thuế tiêu thụ đặc biệt.
- Thuế tài nguyên.
- Thuế bảo vệ môi trường.
Lưu ý, với các khoản thu nhập, doanh thu từ cung cấp sản phẩm và dịch vụ phần mềm; sản phẩm và dịch vụ nội dung thông tin số về giải trí, trò chơi điện tử, phim số, ảnh số, nhạc số; quảng cáo số thì không áp dụng chính sách miễn thuế này.
Nếu đã nộp số thuế của các tháng trong quý III và quý IV năm 2021 thì sẽ được xử lý bù trừ số tiền thuế nộp thừa với các khoản nợ hoặc khoản phát sinh của các kỳ tiếp theo và xử lý hoàn thuế (nếu có).
Cách xác định số thuế được miễn thế nào?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định 92/2021, việc xác định số thuế được miễn như sau:
- Với trường hợp có Thông báo nộp tiền: Cơ quan thuế căn cứ số thuế phải nộp của các tháng trong quý III và quý IV năm 2021 trên Thông báo nộp tiền để xác định số thuế được miễn.
- Với trường hợp không có Thông báo nộp tiền:
+ Người nộp thuế căn cứ số thuế phải nộp theo Tờ khai thuế để xác định số thuế được miễn của các tháng trong quý III, quý IV năm 2021.
+ Trường hợp thuộc diện khai thuế theo kỳ thanh toán hoặc khai thuế theo năm thì số thuế được miễn là số thuế phải nộp tương ứng với doanh thu thực tế phát sinh của các tháng trong quý III, quý IV năm 2021.
+ Trường hợp trên hợp đồng cung cấp hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh không xác định được doanh thu thực tế phát sinh của các tháng trong quý III, quý IV năm 2021 thì xác định theo doanh thu bình quân tháng theo giá trị hợp đồng.
+ Trường hợp hợp đồng cung cấp hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh ký trong tháng thì thời gian của hợp đồng được tính đủ tháng.
Hồ sơ, thủ tục xin miễn thuế thực hiện thế nào?
Trường hợp cơ quan thuế phải ra Thông báo nộp tiền, các bước thực hiện như sau:
Bước 1: Lập danh sách
- Cơ quan thuế lập danh sách hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thuộc diện quản lý tại địa bàn để xác định đối tượng được miễn thuế theo Mẫu số 01-1/DS-MTHK Phụ lục II Nghị định 92/2021/NĐ-CP.
- Căn cứ số thuế phải nộp của từng hộ, cá nhân kinh doanh theo Thông báo nộp tiền trên cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế để xác định số thuế được miễn.
Bước 2: Ban hành quyết định miễn thuế
- Chi cục trưởng Chi cục thuế/Chi cục thuế khu vực ban hành 01 Quyết định miễn thuế kèm theo danh sách toàn bộ hộ, cá nhân kinh doanh được miễn thuế theo Mẫu.
- Sau thời điểm cơ quan thuế ra quyết định miễn thuế theo Nghị quyết 406 cho toàn bộ hộ, cá nhân kinh doanh tại địa bàn, nếu có phát sinh hộ, cá nhân kinh doanh mới thì cuối tháng cơ quan thuế lập danh sách để ra Quyết định miễn thuế cho hộ, cá nhân kinh doanh mới.
Bước 3: Ban hành Thông báo miễn thuế
Cơ quan thuế ban hành Thông báo miễn thuế theo Nghị quyết 406 sau khi ban hành Quyết định miễn thuế gửi đến từng hộ, cá nhân kinh doanh theo Mẫu.
Trường hợp cơ quan thuế không phải ra Thông báo nộp tiền
- Hộ, cá nhân kinh doanh tự xác định số thuế phải nộp sau khi miễn thuế để khai trên Tờ khai thuế;
- Lập bản xác định số thuế được miễn theo Mẫu số 01-1/PL-CNKD Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 92 này để nộp kèm theo Tờ khai thuế.
Trên đây là hướng dẫn cách làm thế nào để được miễn thuế theo Nghị quyết 406. Nếu còn có thêm vướng mắc, bạn có thể gửi thêm câu hỏi để chúng tôi hỗ trợ.
>> Sắp tới, đi ăn nhà hàng phải làm gì để được giảm thuế GTGT?