Thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp không hề phức tạp, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều người lao động bị trả lại hồ sơ. Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp những lý do phổ biến nhất khiến hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp bị từ chối.
Chào bạn, đối với thắc mắc về nguyên do vì đâu hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp bị từ chối, chúng tôi xin tổng hợp và đưa ra một số thông tin phân tích, bình luận như sau:
Không nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp đúng hạn
Căn cứ Khoản 1 Điều 46 Luật việc làm 2013, trong vòng 3 tháng sau khi nghỉ việc người lao động tiến hành nộp hồ sơ trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh/thành phố nơi muốn nhận trợ cấp.
Nếu để quá thời hạn này, bạn sẽ không được nhận tiền thất nghiệp hằng tháng nữa. Đồng thời, thời gian đã đóng bảo hiểm sẽ được bảo lưu lại cho lần sau.
Trên thực tế, rất nhiều trường hợp người lao động bị quá hạn nộp hồ sơ do công ty chưa chốt trả sổ bảo hiểm hoặc gửi Quyết định nghỉ việc muộn. Đây là hai loại giấy tờ tài liệu bắt buộc theo quy định tại Điều 16 Nghị định 28/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 61/2020/NĐ-CP), nếu 03 tháng trôi qua mà vẫn thiếu một trong hai thì người lao động sẽ không được nhận trợ cấp.
Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của mình sau khi nghỉ việc, bạn có thể:
- Trao đổi với công ty để hoàn thiện hồ sơ còn thiếu cho bạn;
- Khiếu nại lên Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp quận/huyện nơi công ty đặt trụ sở để được hỗ trợ trong trường hợp công ty không hợp tác.
Thời gian nghỉ việc trên Quyết định nghỉ việc và thời gian chốt sổ BHXH không khớp nhau
Giả sử, trên sổ bảo hiểm cập nhật thời gian bạn đóng bảo hiểm đến hết tháng 3/2022 (ngày chốt: 31/3/2022) nhưng trên Quyết định nghỉ việc lại ghi 4/5/2022 (ngày công ty gửi Quyết định cho bạn). Khi các thông tin được gửi cho cơ quan bảo hiểm, bạn sẽ bị nghi ngờ là cố tình ghi sai để kéo dài thời hạn xin nhận trợ cấp thất nghiệp.
Để tránh mất thời gian do sai sót này, bạn có thể email trao đổi với công ty để kiểm tra, cập nhật lại thông tin cho chính xác trước khi nộp hồ sơ.
Hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp bị từ chối có thể xuất phát từ việc sai thông tin
Chưa gộp sổ BHXH
Việc người lao động có từ 02 sổ BHXH trở lên là không hiếm gặp do người lao động chuyển đổi nơi làm việc nhưng không đi lấy sổ cũ, dùng cả CMND lẫn căn cước công dân để đăng ký…
Nếu rơi vào trường hợp này, bạn cần kiểm tra xem thời gian đóng bảo hiểm giữa các sổ có trùng nhau hay không rồi tiến hành thủ tục gộp sổ. Sau khi được cấp sổ BHXH mới thì người lao động mới có thể tiến hành thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Sai thông tin người lao động trên sổ BHXH
Ngoài sai nội dung chốt sổ, trên sổ BHXH có thể bị sai thông tin cá nhân của người lao động do quá trình cung cấp, nhập liệu.
Ví dụ: Người lao động tên Trần Hoàng Anh, giới tính nữ nhưng trên sổ BHXH lại ghi nhận là giới tính nam.
Khi gặp tình huống này, người lao động cần nhanh chóng đề nghị cơ quan BHXH rà soát và điều chỉnh lại. Việc điều chỉnh sẽ giúp người lao động thuận lợi hơn khi xin trợ cấp thất nghiệp cho những lần tiếp theo.
Nghỉ ngang
Trường hợp này xảy ra khi trên Quyết định nghỉ việc, người sử dụng lao động nêu rõ lý do nghỉ việc giữa chừng, đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật.
Theo nội dung Điều 39 Bộ luật Lao động 2019, nghỉ ngang hiểu đơn giản là tình trạng người lao động tự ý thôi việc, không đi làm mà không thông báo hoặc thông báo mà không được sự đồng ý của người sử dụng lao động và không thuộc các trường hợp nêu tại Điều 35, 36, 37 Luật này.
Căn cứ khoản 1 Điều 49 Luật Việc làm, người lao động nghỉ ngang, bỏ việc giữa chừng sẽ không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Điều đó đồng nghĩa với việc hồ sơ của người đó sẽ tự động bị cơ quan bảo hiểm loại bỏ.
*Lưu ý: Nghỉ ngang và sa thải là 2 trường hợp hoàn toàn khác nhau về bản chất. Nếu có Quyết định sa thải, người lao động vẫn được tham gia hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trên đây là phần tổng hợp những lý do thường gặp dẫn đến hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp bị từ chối để bạn đọc biết và tránh mất quyền lợi. Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ trực tiếp đến tổng đài 19006192 để được hỗ trợ kịp thời.