BHXH 1 lần là khoản trợ cấp mà nhiều người lao động quan tâm. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, không ít trường hợp hồ sơ BHXH 1 lần bị từ chối, khiến người lao động mất nhiều thời gian lãng phí. Bài viết này sẽ tổng hợp một số nguyên nhân phổ biến và cách xử lý phù hợp nhất.
Chào bạn, đối với thắc mắc về nguyên do vì đâu hồ sơ BHXH 1 lần bị từ chối, chúng tôi xin tổng hợp và đưa ra một số bình luận như sau:
Sổ BHXH bị sai, lệch thông tin
Đây là một trong những nguyên nhân rất phổ biến khiến hồ sơ BHXH 1 lần bị từ chối. Việc sai thông tin này có thể hiểu là thông tin trên sổ BHXH sai lệch hoặc không đầy đủ so với giấy tờ tùy thân của người lao động.
Ví dụ 1: Thông tin người lao động trên Chứng minh nhân dân là Lê Minh Anh, giới tính nữ những trong nội dung Sổ BHXH ghi là giới tính nam: Đây là trường hợp sai thông tin.
Ví dụ 2. Người lao động tên “Lê Minh Anh”, ngày sinh trong sổ BHXH ghi là: 20/3/1970 nhưng trên Chứng minh nhân dân chỉ ghi nhận thông tin năm sinh là 1970: Đây là trường hợp thiếu thông tin, thông tin không trùng khớp.
Việc thiếu, sai lệch thông tin giữa các loại giấy tờ sẽ không đảm bảo được tính chính xác trong hồ sơ rút BHXH 1 lần nên cơ quan BHXH có thể từ chối yêu cầu của bạn.
Do vậy, để khắc phục trường hợp này thì bạn nên điều chỉnh thông tin giấy tờ tùy thân và sổ BHXH sao cho trùng khớp, cụ thể:
- Yêu cầu cơ quan công an điều chỉnh thông tin trên CMND/CCCD;
- Yêu cầu cơ quan BHXH cấp lại sổ do thay đổi một số thông tin trên sổ (giới tính, dân tộc, ngày tháng năm sinh…)
Thiếu, mất tờ rời của sổ BHXH
Nguyên nhân thứ hai dẫn đến hồ sơ bị từ chối do không hợp lệ đó là do thiếu các tờ rời trong sổ BHXH.
Theo Điều 109 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, sổ BHXH (gồm bản chính và các tờ rời) là tài liệu bắt buộc phải có trong hồ sơ đề nghị rút BHXH 1 lần vì đây là căn cứ ghi nhận quá trình đóng BHXH, từ đó chi trả hỗ trợ cho người lao động.
Nếu người lao động bị thiếu tờ rời ghi nhận thông tin hoặc tờ rời ghi sai quá trình tham gia BHXH thì người lao động sẽ bị trả lại hồ sơ.
Hồ sơ BHXH 1 lần bị từ chối khi người lao động làm mất tờ rời của sổ BHXH
Việc thiếu tờ rời có thể do người lao động làm mất, đơn vị BHXH cũ chưa làm thủ tục chốt sổ hoặc do cơ quan BHXH phát thiếu. Để khắc phục tình trạng này, người lao động cần thực hiện những việc sau:
- Trong trường hợp làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp trước khi rút BHXH 1 lần: cần kiểm kê số tờ rời bản thân có trước khi nộp hồ sơ và sau khi nhận lại sổ từ cán bộ một cửa trước khi ra về. Nếu thấy thiếu, phải phản ánh ngay để cán bộ một cửa kiểm tra và xử lý;
- Nếu bị mất tờ rời, người lao động có thể đề nghị cơ quan BHXH cấp lại.
Bị hỏng, rách sổ BHXH
Trường hợp rách, hỏng sổ BHXH (bao gồm cả bìa lẫn tờ rời) được coi là không đảm bảo sự toàn vẹn của hồ sơ nên đây cũng là nguyên do khiến hồ sơ bhxh 1 lần bị từ chối giải quyết, chi trả.
Theo khoản 1 Điều 27 Quyết định 595/QĐ-BHXH và khoản 31 Điều 1 Quyết định 505/QĐ-BHXH, người lao động có thể đề nghị cấp lại do hỏng sổ BHXH bằng cách nộp mẫu tờ khai TK1-TS (ban hành kèm theo Quyết định 505) để có sổ mới trước khi rút BHXH 1 lần.
Chưa chốt sổ BHXH
Tình trạng sổ BHXH của người lao động không được chốt có thể có nhiều lý do:
- Công ty cũ nợ, chậm đóng tiền bảo bảo hiểm gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động;
- Công ty cũ giải thể, phá sản;
- Công ty cũ cố ý không làm thủ tục chốt sổ cho người lao động (ví dụ: khi người đó đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật, nghỉ ngang…).
Sổ BHXH là giấy tờ bắt buộc khi làm thủ tục rút BHXH 1 lần theo Điều 109 Luật BHXH, do vậy nếu chưa chốt được sổ thì người lao động sẽ không được chi trả trợ cấp.
Căn cứ Điều 48 Bộ luật Lao động và Điều 21 Luật BHXH 2014, bên sử dụng lao động phải có trách nhiệm hoàn thiện thủ tục xác nhận quá trình đóng BHXH và phối hợp với cơ quan có thẩm quyền để trả sổ bảo hiểm cho người lao động nghỉ việc bất kể trường hợp gì.
Để xử lý tình trạng này, người lao động có thể:
- Liên hệ với công ty, đơn vị cũ để yêu cầu giải quyết chốt sổ;
- Nếu công ty cũ phá sản, giải thể: Tiến hành khiếu nại đến Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội nơi công ty cũ đặt trụ sở để cơ quan này xác minh và liên hệ với cơ quan BHXH tiến hành chốt sổ cho người lao động (Căn cứ: Điều 119 Luật BHXH).
Người lao động chưa chốt sổ BHXH sẽ không được rút BHXH 1 lần
Người lao động có từ 2 sổ BHXH trở lên
Theo khoản 2 Điều 18 Luật BHXH, mỗi người lao động tham gia BHXH bắt buộc sẽ được cấp sổ BHXH với một mã số duy nhất.
Đồng thời tại nội dung của sổ BHXH có ghi rõ: Người tham gia được cấp và bảo quản một sổ bảo hiểm xã hội duy nhất.
Như vậy, về nguyên tắc thì mỗi người lao động chỉ được phép có 01 số sổ bảo hiểm.
Việc một người lao động có nhiều sổ BHXH thường xảy ra khi người lao động chuyển việc/làm việc tại nhiều công ty mà quên không báo số sổ BHXH cho người phụ trách nhân sự - hành chính và chỉ đến khi làm thủ tục nhận trợ cấp mới phát hiện ra.
Cho nên, trước khi làm thủ tục rút BHXH 1 lần thì người lao động cần:
- Tra cứu mã số BHXH của mình, kiểm tra lại toàn bộ quá trình đóng BHXH (có thể tra cứu online hoặc kiểm tra thông tin trên tờ rời);
- Nếu có từ 2 mã số BHXH mà trong đó có 1 sổ BHXH chưa được cấp, người lao động có thể báo với công ty đang làm việc hoặc công ty đã chấm dứt hợp đồng trong thời gian gần nhất để làm thủ tục chốt sổ.
Trùng thời gian đóng trên BHXH
Trùng thời gian đóng BHXH có rất nhiều nguyên nhân, nhưng phổ biến nhất là:
- Người lao động làm việc tại từ 02 công ty trở lên, khi đóng BHXH ở công ty này mà cùng thời gian đó người lao động lại đóng BHXH ở công ty khác;
- Cho người quen, người thân mượn sổ BHXH
Thời gian đóng BHXH bị trùng là một trong những cơ sở dẫn đến hồ sơ BHXH 1 lần bị từ chối, do vậy để xử lý vấn đề này thì người lao động cần báo cho một trong các công ty làm thủ tục giảm quá trình đóng BHXH cho mình.
Như vậy:
- Trước khi làm thủ tục rút BHXH 1 lần thì người lao động cần kiểm tra kỹ hồ sơ và quá trình tham gia bảo hiểm của mình. Nếu rơi vào một trong sáu nguyên nhân trên đây thì nên nhanh chóng giải quyết trước khi rút BHXH 1 lần;
- Nếu đã nộp hồ sơ rút BHXH 1 lần mà nhận được tin nhắn từ chối giải quyết của cơ quan BHXH thì người lao động nên đến trực tiếp và yêu cầu cán bộ một cửa giải thích lý do.
Sau khi biết chính xác lý do bị từ chối, người lao động nhận lại hồ sơ, sửa theo đúng yêu cầu và tiến hành nộp lại.
Trên đây là phần tổng hợp một số lý do khiến hồ sơ BHXH 1 lần bị từ chối. Nếu còn câu hỏi khác, vui lòng liên hệ trực tiếp đến tổng đài 19006192 để được hỗ trợ tiếp.