hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 03/03/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Chế độ hỗ trợ F0 Covid-19 năm 2022 có gì khác trước?

Bước sang năm 2022, tỉ lệ tiêm chủng ngừa Covid-19 trên cả nước đạt mức cao, Chính phủ cũng xác định ứng phó linh hoạt với dịch Covid-19 trong tình hình mới. Vì thế, nhiều chính sách hỗ trợ đối với F0 cũng có sự thay đổi.

Câu hỏi: Em mắc Covid-19, sau khi khỏi bệnh em có hỏi chế độ tiền ăn và tiền hỗ trợ của Công đoàn nhưng cả tổ dân phố và công đoàn đều nói em không được nhận. Trong khi, đồng nghiệp của em đã được nhận đầy đủ vào năm 2021 vừa qua. Cho em hỏi, chế độ hỗ trợ F0 năm 2022 có thay đổi gì so với năm 2021?

Chào bạn. Đúng là so với năm 2021, một số chế độ hỗ trợ F0 Covid-19 đã bị thay đổi vào năm 2022. Cụ thể như sau:

F0 Covid không được hỗ trợ tiền ăn năm 2022

Theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021, được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định 33/2021/QĐ-TTg, chính sách hỗ trợ tiền ăn cho người mắc Covid-19 (F0) quy định như sau: Hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/người/ngày từ ngày 27/4/2021 đến ngày 31/12/2021, thời gian hỗ trợ theo thời gian điều trị thực tế nhưng tối đa 45 ngày.

Theo quy định trên, chính sách hỗ trợ 80.000 đồng/ngày tiền ăn cho F0, F1 chỉ được áp dụng đến hết ngày 31/12/2021. Vì vậy, hiện nay F0 Covid-19 không còn được hỗ trợ 80.000 đồng tiền ăn như trước nữa.

Bước sang năm 2022, F0 tự điều trị tại nhà hay điều trị tập trung tại các cơ sở thu dung đều phải tự chi trả tiền ăn trong quá trình khám, chữa bệnh.

nguoi nhiem covid-19 nam 2022
Người nhiễm Covid-19 năm 2022 có nhiều thiệt thòi (Ảnh minh họa)

F0 Covid-19 không được hỗ trợ từ phía công đoàn

Trước đây, tại Quyết định 3749/QĐ-TLĐ, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam quy định đoàn viên, người lao động là F0 không vi phạm quy định về phòng, chống dịch được nhận hỗ trợ như sau:

- Tối đa 03 triệu đồng nếu/người nếu có triệu chứng bệnh nặng, phải điều trị từ 21 ngày trở lên tại bệnh viện, cơ sở y tế theo giấy xác nhận của cơ quan y tế;

- Tối đa 1,5 triệu đồng/người nếu điều trị tại nhà từ 21 ngày trở lên hoặc điều trị tại bệnh viện, cơ sở y tế dưới 21 ngày theo xác nhận của cơ quan y tế.

Về nguyên tắc, mỗi trường hợp F0 chỉ được hỗ trợ một lần dù nhiều lần dương tính.

Đây là tin vui đối với người lao động không may mắc Covid-19, bởi đây là khoản tiền hỗ trợ kịp thời trong thời điểm họ ốm đau, phải nghỉ việc theo quy định.

Tuy nhiên, đến ngày 01/3/2022, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành Quyết định số 4292/QĐ-TLĐ về việc dừng thực hiện hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Theo đó, Tổng Liên đoàn Lao động quyết định dừng thực hiện Quyết định số 3749/QĐ-TLĐ ngày 15/12/2021 về việc chi hỗ trợ cho đoàn viên và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 kể từ ngày 01/3/2022.

Kể từ ngày này, việc chi hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 (kể cả F0 tử vong) được thực hiện theo quy định về chi hỗ trợ, thăm hỏi, trợ cấp tại các Quyết định số 4290/QĐ-TLĐ ngày 01/3/2022, Quyết định số 4291/QĐ-TLĐ ngày 01/3/2022 về việc ban hành quy định về tiêu chuẩn, định mức chế độ chi tiêu trong các cơ quan công đoàn.

Như vậy, hiện nay, người mắc Covid-19 chỉ còn được hưởng các khoản tiền sau:

- Tiền bảo hiểm của chế độ ốm đau: Theo Điều 25 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động bị nhiễm Covid-19 phải nghỉ việc, có xác nhận của cơ sở y tế sẽ được hưởng chế độ ốm đau. Mức hưởng bằng 75% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

- Tiền dưỡng sức sau khi điều trị Covid: Theo Điều 29 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, sau khi điều trị Covid-19 từ 30 ngày trở lên trong năm, trong vòng 30 ngày trở lại làm việc mà sức khỏe của người lao động vẫn chưa hồi phục thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe 05 ngày. Mức hưởng mỗi ngày bằng 30% mức lương cơ sở, tức là 447.000 đồng/ngày, tổng là 2,235 triệu đồng.

- Tiền lương do người sử dụng lao động trả: Trong trường hợp người lao động vẫn còn ngày nghỉ phép năm thì thời gian nghỉ việc để điều trị Covid-19 có thể trừ vào ngày nghỉ phép năm và vẫn được hưởng nguyên lương từ người sử dụng lao động (tối đa từ 12-16 ngày).

Trên đây là một số thiệt thòi cho người nhiễm Covid-19 năm 2022. Ngoài ra, F0 hiện nay muốn xin được xác nhận nghỉ việc cũng rất khó khăn do số lượng người mắc Covid-19 quá đông, phải tự thực hiện xét nghiệm, tự mua que test, tự mua thuốc điều trị do lực lượng y tế tuyến dưới bị quá tải... Thậm chí, nhiều ý kiến cho rằng nên coi Covid-19 là bệnh đặc hữu, tức là người mắc nếu không chuyển nặng thì vẫn được đi làm bình thường và không được hưởng chế độ BHXH.
Nếu còn thắc mắc về các chính sách khác, liên hệ ngay  19006199 để được hỗ trợ.

>> F0 tự đánh giá mức độ mắc Covid bằng cách nào?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X