hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 13/12/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Hóa đơn không có mã số thuế người mua có hợp lệ không?

Hoá đơn điện tử được pháp luật quy định rõ ràng các nội dung cần thiết phải có khi lập hoá đơn. Vậy hoá đơn không có mã số thuế người mua có hợp lệ không?

Mục lục bài viết
  • Hóa đơn không có mã số thuế người mua có hợp lệ không?
  • Cách viết hóa đơn khi người mua không có mã số thuế
  • Người mua có mã số thuế nhưng không ghi trên hóa đơn có được không?
  • Xử lý hóa đơn ghi sai mã số thuế của người mua thế nào?
Câu hỏi: Công ty tôi có xuất hoá đơn cho khách hàng nhưng không ghi mã số thuế của khách hàng thì hoá đơn này có hợp lệ không? Nhờ Luật sư giải đáp giúp tôi.

Hóa đơn không có mã số thuế người mua có hợp lệ không?

Mã số thuế người mua là một nội dung cần có khi lập hoá đơn cho khách hàng. Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp, hoá đơn xuất cho khách hàng phải có mã số thuế người mua.

Hoá đơn không có mã số thuế người mua có hợp lệ không?

Hoá đơn không có mã số thuế người mua có hợp lệ không?

Căn cứ điểm b khoản 5 Điều 10 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, quy định trong trường hợp người mua không có mã số thuế thì trên hoá đơn không phải thể hiện mã số thuế của người mua.

Ngoài ra, trong một số trường hợp khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ đặc thù cho khách hàng là cá nhân quy định tại khoản 14 Điều 10 Nghị định 123/2020/NĐ-CP thì trên hoá đơn cũng không cần phải ghi mã số thuế của người mua, cụ thể:

- Hoá đơn điện tử bán hàng hóa tại các siêu thị, trung tâm thương mại xuất cho khách hàng là cá nhân không đăng ký kinh doanh.

- Hoá đơn điện tử bán xăng dầu cho người mua là cá nhân không kinh doanh.

- Hoá đơn điện tử là tem, thẻ, vé.

- Chứng từ điện tử dịch vụ vận tải hàng không được xuất qua website và hệ thống thương mại điện tử, được lập theo thông lệ quốc tế cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh.

- Hoá đơn sử dụng để thanh toán Interline giữa các hãng hàng không được thành lập theo quy định của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế.

Như vậy, hoá đơn không có mã số thuế của người mua vẫn có thể được xem là hoá đơn hợp lệ nếu thuộc trường hợp người mua không có mã số thuế hoặc thuộc một trong các trường hợp không bắt buộc phải có thông tin về mã số thuế nêu trên.

Cách viết hóa đơn khi người mua không có mã số thuế

Liên quan đến việc viết hoá đơn khi người mua không có mã số thuế, kế toán viên có thể dựa theo khoản 5 Điều 10 Nghị định 123/2020/NĐ-CP để thực hiện lập hoá đơn.

Theo đó, đối với những khách hàng cá nhân không có mã số thuế, khi xuất hoá đơn cho khách hàng, người lập hoá đơn có thể bỏ trống thông tin mã số thuế của người mua trên hoá đơn.

Cách viết hoá đơn khi người mua không có mã số thuế

Cách viết hoá đơn khi người mua không có mã số thuế

Người mua có mã số thuế nhưng không ghi trên hóa đơn có được không?

Căn cứ điểm a khoản 5 Điều 10 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, quy định trường hợp người mua là cơ sở kinh doanh đã có mã số thuế thì các thông tin về tên, địa chỉ và mã số thuế của người mua được thể hiện trên hóa đơn phải ghi đúng theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hoạt động chi nhánh, đăng ký hộ kinh doanh,... Do đó, nếu người mua là cơ sở kinh doanh đã có mã số thuế thì hoá đơn phải thể hiện thông tin mã số thuế của người mua.

Xử lý hóa đơn ghi sai mã số thuế của người mua thế nào?

Trường hợp 1: Hoá đơn ghi sai mã số thuế, chưa gửi cho người mua

Căn cứ khoản 1 Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, khoản 1 Điều 7 Thông tư 78/2021/TT-BTC, khi người bán phát hiện hoá đơn ghi sai mã số thuế mà chưa gửi cho người mua thì xử lý huỷ hoá đơn đã lập sai và lập lại hoá đơn mới gửi cho người mua.

Bước 1: Lập thông báo hoá đơn điện tử sai mã số thuế theo mẫu 04/SS-HĐĐT được ban hành kèm Nghị định 123/2020/NĐ-CP để gửi cơ quan thuế. Sau khi nhận thông báo, cơ quan thuế sẽ huỷ hoá đơn sai được cấp có mã sai sót được lưu trên hệ thống.

Bước 2: Lập hoá đơn mới gửi cho cơ quan thuế để cấp mã mới thay thế cho hoá đơn ghi sai mã số thuế, sau đó cho người mua.

Trường hợp 2: Hoá đơn sai mã số thuế mà đã gửi cho người mua. Có thể xử lý theo một trong hai cách theo điểm b khoản 2 Điều 19 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, như sau:

- Cách 1: Lập hoá đơn điều chỉnh hoá đơn ghi sai. Nếu người bán và người mua có thỏa thuận cùng lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hoá đơn điều chỉnh, thì văn bản thỏa thuận này phải ghi rõ sai mã số thuế, sau đó lập hoá đơn điều chỉnh hoá đơn ghi sai. Hoá đơn điều chỉnh phải ghi: “Điều chỉnh cho hoá đơn Mẫu số… ký hiệu…số…ngày… tháng…năm…”

- Cách 2: Lập hoá đơn mới thay thế cho hoá đơn ghi sai, trừ trường hợp người bán và người mua có thỏa thuận lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hoá đơn thay thế thì tiến hành lập văn bản ghi rõ sai mã số thuế hoá đơn, sau đó lập hoá đơn thay thế cho hoá đơn viết sai. Hoá đơn điều chỉnh phải ghi: “Điều chỉnh cho hoá đơn Mẫu số… ký hiệu…số…ngày… tháng…năm…”

Sau đó, người bán ký số trên hóa đơn mới điều chỉnh hoặc thay thế hoá đơn viết sai rồi gửi cho người mua (đối với hoá đơn không có mã của cơ quan thuế) hoặc gửi cho cơ quan thuế cấp mã cho hóa đơn mới để gửi người mua (đối với hoá đơn có mã của cơ quan thuế).

Trường hợp 3: Hoá đơn sai mã số thuế được cơ quan thuế phát hiện.

Khi cơ quan thuế phát hiện hóa đơn sai mã số thuế thì thông báo cho người bán kiểm tra sai sót theo mẫu 01/TB-RSĐT ban hành kèm Nghị định 123/2020/NĐ-CP.

Người bán thực hiện kiểm tra và thông báo với cơ quan thuế theo mẫu 04/SS-HĐĐT trong thời hạn theo thông báo của cơ quan thuế.

Nếu hết thời hạn trên thông báo của cơ quan thuế mà người bán không thông báo với cơ quan thuế, thì cơ quan thuế sẽ tiếp tục thông báo lần thứ 2.

Nếu quá thời hạn ghi trên thông báo lần 2 mà người bán vẫn chưa có thông báo gửi cơ quan thuế thì cơ quan thuế sẽ xem xét, chuyển sang trường hợp kiểm tra sử dụng hoá đơn.

Trên đây là những thông tin về hoá đơn không có mã số thuế người mua có hợp lệ không. Nếu còn thắc mắc, hãy liên hệ đến tổng đài:  19006199 để được hỗ trợ nhanh nhất.
Nguyễn Văn Tuấn

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Tuấn

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X