hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 17/04/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Hoàn công công trình là gì? Thủ tục, hồ sơ hoàn công công trình 2023?

Hoàn công công trình xây dựng là gì? Hồ sơ cần những gì? Thủ tục làm ra sao? Có buộc hoàn công nhà cấp 4 không? Cùng HieuLuat giải đáp nhé.

 
Mục lục bài viết
  • Hoàn công công trình là gì? Thủ tục thế nào?
  • Hoàn công công trình xây dựng là gì?
  • Hồ sơ hoàn công công trình xây dựng gồm những gì?
  • Thủ tục hoàn công công trình xây dựng 2023 ra sao?
  • Làm hoàn công xây dựng ở đâu?

Hoàn công công trình là gì? Thủ tục thế nào?

Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi có thắc mắc liên quan đến vấn đề hoàn công công trình xây dựng mong được giải đáp như sau:

Tôi có nghe nhiều người nói đến việc hoàn công nhà, tuy nhiên chưa hiểu rõ lắm, mong Luật sư chỉ dẫn cụ thể hoàn công công trình xây dựng là gì?

Hồ sơ, thủ tục hoàn công công trình xây dựng bao gồm những giấy tờ gì và thực hiện như thế nào?

Chào bạn, hoàn công công trình xây dựng, hồ sơ, thủ tục thực hiện hoàn công được chúng tôi giải đáp như dưới đây căn cứ quy định pháp luật hiện hành.

Hoàn công công trình xây dựng là gì?

Trước hết, Luật Xây dựng không định nghĩa hoàn công công trình xây dựng là gì.

Thông thường, hoàn công công trình xây dựng là từ thường sử dụng để mô tả các công việc cần thực hiện sau khi đã hoàn thành việc thi công xây dựng công trình.

Mục đích của hoàn công công trình xây dựng là xác định việc thi công đã hoàn thành, công trình đã đủ điều kiện để bàn giao, đưa vào sử dụng.

Một số công việc mà chủ đầu tư, đơn vị giám sát, đơn vị thi công/thầu xây dựng có trách nhiệm thực hiện khi làm hoàn công theo Nghị định 06/2021/NĐ-CP gồm:

  • Nghiệm thu hoàn thành hạng mục hoặc công trình xây dựng;

  • Trong một số trường hợp, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện kiểm tra nghiệm thu hạng mục hoặc công trình xây dựng/hoặc chủ đầu tư thực hiện nghiệm thu có điều kiện đối với các hạng mục, công trình tạm;

  • Lập, lưu trữ hồ sơ hoàn thành hạng mục, công trình xây dựng theo quy định;

  • Bàn giao công trình xây dựng để đưa vào sử dụng;

  • Chủ sở hữu công trình xây dựng thực hiện đăng ký quyền sở hữu vào giấy chứng nhận đã cấp sau khi được bàn giao;

Khi thực hiện các công việc hoàn công công trình xây dựng, chủ đầu tư, chủ đầu tư, các cá nhân, đơn vị có trách nhiệm, thẩm quyền phải tuân thủ quy trình, điều kiện luật định.

Một trong số điều kiện quan trọng để việc hoàn công công trình xây dựng được thực hiện đúng pháp luật là hồ sơ hoàn công công trình xây dựng phải đầy đủ, chính xác.

Ngoài ra, trong trường hợp công trình xây dựng buộc phải thực hiện kiểm tra nghiệm thu trước khi bàn giao thì phải có văn bản chấp thuận nghiệm thu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Chi tiết về hồ sơ, thủ tục thực hiện nghiệm thu, chúng tôi giải đáp trong phần dưới đây.

Như vậy, hoàn công công trình xây dựng được hiểu là việc thực hiện các công việc nghiệm thu/kiểm tra nghiệm thu, bàn giao, lập hồ sơ lưu trữ hạng mục, công trình xây dựng đã hoàn thành thi công.

Nói cách khác, hoàn công trình xây dựng, hạng mục công trình xây dựng sau khi đã hoàn thành việc thi công để nhằm đảm bảo việc sử dụng, khai thác công trình đảm bảo đúng theo hồ sơ thiết kế, tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng.

Thủ tục hoàn công công trình xây dựng 2023Thủ tục hoàn công công trình xây dựng 2023


Hồ sơ hoàn công công trình xây dựng gồm những gì?

Hồ sơ hoàn công công trình xây dựng bao gồm các giấy tờ tài liệu quy định tại Phụ lục VIB Nghị định 06/2021/NĐ-CP về hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng.

Trong đó, hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng bao gồm 3 nhóm tài liệu, giấy tờ:

  • Nhóm giấy tờ, tài liệu chuẩn bị đầu tư xây dựng và hợp đồng;

  • Nhóm giấy tờ, tài liệu khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng công trình;

  • Nhóm giấy tờ, tài liệu quản lý chất lượng thi công xây dựng công trình;

Đây là những loại tài liệu, giấy tờ mà chủ đầu tư có nghĩa vụ phải lập, lưu trữ, bàn giao cho đơn vị quản lý vận hành một số giấy tờ.

Cụ thể gồm các giấy tờ sau đây:

Giai đoạn chuẩn bị đầu tư xây dựng và hợp đồng

Giai đoạn khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng công trình

Giai đoạn quản lý chất lượng thi công xây dựng công trình

  • Quyết định chủ trương đầu tư xây dựng/và báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (nếu có);

  • Quyết định phê duyệt dự án đầu tư;

  • Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi/hoặc báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng (khi không phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi);

  • Phương án đền bù, bồi thường, giải phóng mặt bằng và xây dựng tái định cư (nếu có);

  • Nhiệm vụ thiết kế/các văn bản thẩm định, tham gia ý kiến của các cơ quan có liên quan khi thẩm định dự án đầu tư xây dựng và thiết kế cơ sở;

  • Các văn bản khác (nếu có), gồm:

  • Thỏa thuận quy hoạch;

  • Thỏa thuận/chấp thuận sử dụng/hoặc đấu nối công trình kỹ thuật bên ngoài hàng rào;

  • Đánh giá tác động môi trường;

  • Bảo đảm an toàn cho các công trình lân cận, an toàn giao thông;

  • Các văn bản khác có liên quan;

  • Giấy phép xây dựng (trừ trường hợp được miễn);

  • Quyết định giao đất/cho thuê đất hoặc hợp đồng thuê đất;

  • Quyết định chỉ định thầu, phê duyệt kết quả lựa chọn các nhà thầu/và hợp đồng xây dựng giữa chủ đầu tư với các nhà thầu;

  • Tài liệu chứng minh năng lực của nhà thầu;

  • Các tài liệu, giấy tờ khác trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư xây dựng theo quy định;

  • Khảo sát xây dựng công trình gồm: Nhiệm vụ khảo sát, phương án kỹ thuật và báo cáo khảo sát;

  • Văn bản thông báo chấp thuận nghiệm thu kết quả khảo sát của cơ quan có thẩm quyền;

  • Các giấy tờ liên quan đến thiết kế, kỹ thuật gồm:

  • Kết quả thẩm tra, thẩm định thiết kế xây dựng;

  • Quyết định phê duyệt thiết kế xây dựng kèm hồ sơ thiết kế xây dựng công trình đã được phê duyệt (có danh mục bản vẽ kèm theo);

  • Chỉ dẫn kỹ thuật đối với công trình xây dựng;

  • Văn bản thông báo chấp thuận nghiệm thu thiết kế xây dựng công trình của cơ quan có thẩm quyền;

  • Các tài liệu, giấy tờ khác có liên quan;

  • Bản vẽ hoàn công công trình xây dựng, có kèm theo danh mục bản vẽ;

  • Danh mục thay đổi thiết kế trong quá trình thi công xây dựng/và các văn bản thẩm định, phê duyệt của cấp có thẩm quyền;

  • Kế hoạch, biện pháp kiểm tra, kiểm soát chất lượng thi công xây dựng;

  • Chứng từ, chứng nhận theo quy định như:

  • Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa/nhãn mác hàng hóa/tài liệu công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với sản phẩm hàng hóa;

  • Chứng nhận hợp quy/và thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy của cơ quan chuyên ngành;

  • Chứng nhận hợp chuẩn (nếu có);

  • Kết quả quan trắc, thí nghiệm, đo đạc trong quá trình thi công;

  • Kết quả thí nghiệm đối chứng/kiểm định chất lượng công trình/thí nghiệm khả năng chịu lực kết cấu xây dựng (nếu có);

  • Văn bản thỏa thuận, chấp thuận/xác nhận của cơ quan có thẩm quyền (nếu có) như về bảo đảm an toàn, thực hiện giấy phép xây dựng, an toàn phòng cháy chữa cháy, an toàn môi trường…;

  • Biên bản nghiệm thu công việc, nghiệm thu giai đoạn, nghiệm thu bộ phận theo quy định;

  • Tài liệu về quy trình vận hành, khai thác công trình (nếu có);

  • Tài liệu về quy trình bảo trì công trình;

  • Hồ sơ, tài liệu về quản lý chất lượng của thiết bị được lắp đặt vào công trình;

  • Biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình, hoàn thành hạng mục công trình;

  • Văn bản thông báo chấp thuận nghiệm thu hạng mục công trình, công trình (nếu có) của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;

  • Hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc kiểm tra nghiệm thu công trình, hạng mục công trình (nếu thuộc trường hợp phải kiểm tra nghiệm thu);

  • Các tài liệu, giấy tờ về việc giải quyết sự cố, các tồn tại cần sửa chữa khắc phục sau khi đã đưa hạng mục công trình, công trình vào khai thác (nếu có);

  • Các giấy tờ, tài liệu khác có liên quan trong giai đoạn quản lý chất lượng thi công công trình xây dựng;

Như vậy, khi hoàn công công trình xây dựng, chủ đầu tư phải lập, chuẩn bị đầy đủ, đúng các loại văn bản, giấy tờ, tài liệu như pháp luật quy định và đã được chúng tôi tổng hợp, liệt kê ở trên.

Hồ sơ hoàn công công trình xây dựngHồ sơ hoàn công công trình xây dựng


Thủ tục hoàn công công trình xây dựng 2023 ra sao?

Như chúng tôi đã trình bày, về bản chất, hoàn công công trình xây dựng là việc nghiệm thu công trình, lập hồ sơ lưu trữ đối với công trình xây dựng và tiến hành bàn giao công trình cho chủ sở hữu.

Do vậy, quy trình thực hiện hoàn công công trình xây dựng thực chất là việc hoàn thành các công việc sau khi hoàn thành thi công công trình xây dựng, cụ thể gồm:

Bước 1: Nghiệm thu công trình xây dựng

Chủ đầu tư tổ chức và trực tiếp tham gia nghiệm thu công trình xây dựng, hạng mục công trình xây dựng.

Việc nghiệm thu phải được lập thành biên bản theo nội dung đã được quy định tại Nghị định 06/2021/NĐ-CP;

Điều kiện tiến hành nghiệm thu công trình xây dựng gồm:

  • Công việc xây dựng đã thi công theo đúng, đầy đủ theo hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt;

  • Đã thực hiện nghiệm thu công việc, bộ phận, giai đoạn trong quá trình thi công theo quy định;

  • Kết quả thí nghiệm/kiểm tra/kiểm định/thử nghiệm/chạy thử đảm bảo yêu cầu kỹ thuật;

  • Đảm bảo các quy định về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường và các quy định khác có liên quan;

  • Chủ đầu tư tiến hành nghiệm thu có điều kiện nếu có một số tồn tại về chất lượng mà không làm ảnh hưởng đến khả năng chịu lực, tuổi thọ, công năng của công trình, đảm bảo công trình có đủ điều kiện đưa vào sử dụng, khai thác;

  • Chủ đầu tư lập hồ sơ, đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiến hành kiểm tra công tác nghiệm thu. Công trình chỉ được coi là đã hoàn thành nghiệm thu khi có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan này;

Bước 2: Lập, lưu trữ hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng

  • Song song với quá trình nghiệm thu công trình xây dựng, chủ đầu tư có nghĩa vụ, trách nhiệm lập, lưu trữ hồ sơ hoàn thành xây dựng công trình tương ứng với từng giai đoạn như chúng tôi đã liệt kê ở trên;

  • Hồ sơ được lập phải đảm bảo đúng mẫu, đầy đủ nội dung theo mẫu đã được ban hành;

Bước 3: Bàn giao công trình xây dựng để đưa vào khai thác, sử dụng

  • Sau khi đã hoàn thành việc nghiệm thu, lập, lưu trữ hồ sơ, công trình xây dựng được bàn giao, đưa vào khai thác, sử dụng;

  • Việc bàn giao phải được lập thành văn bản và phải có chữ ký của bên bàn giao và bên nhận bàn giao theo quy định;

Lưu ý:
  • Chủ đầu tư, chủ thầu vẫn có trách nhiệm thực hiện khắc phục sự cố, bảo trì công trình xây dựng theo hợp đồng xây dựng đã được ký kết sau giai đoạn bàn giao công trình xây dựng;

  • Cơ quan quản lý về chuyên môn của Nhà nước thực hiện đánh giá chất lượng an toàn công trình sau khi đã được đưa vào sử dụng.

  • Trong trường hợp cần phải sửa chữa, chủ đầu tư, chủ sở hữu có trách nhiệm thực hiện sửa chữa, khắc phục, cải tạo để đảm bảo an toàn công trình xây dựng;

Như vậy, thủ tục hoàn công công trình xây dựng được thực hiện theo các bước với các công việc cụ thể như chúng tôi đã nêu ở trên.

Có thể phải kiểm tra nghiệm thu trước khi bàn giaoCó thể phải kiểm tra nghiệm thu trước khi bàn giao 


Làm hoàn công xây dựng ở đâu?

Câu hỏi: Chào Luật sư, việc hoàn công xây dựng công trình xây dựng là nhà ở của hộ gia đình, cá nhân được thực hiện ở đâu?

Trân trọng cảm ơn.

Chào bạn, như chúng tôi đã giải đáp ở trên, hoàn công công trình xây dựng là quá trình nghiệm thu công trình xây dựng theo bản vẽ xây dựng/hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt để đưa công trình vào sử dụng, khai thác.

Trong trường hợp nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân, trên thực tế việc hoàn công có thể hiểu là chủ đầu tư, đơn vị thi công nghiệm thu, bàn giao công trình và thực hiện đăng ký quyền sở hữu nhà ở vào giấy chứng nhận.

Theo đó, cơ quan có thẩm quyền thực hiện kiểm tra thi công xây dựng công trình đúng quy hoạch xây dựng, đúng giấy phép xây dựng đã được cấp là cơ quan chuyên môn về xây dựng tại địa phương (cấp huyện).

Cơ quan có thẩm quyền quyết định cho phép đăng ký, chứng nhận quyền sở hữu nhà ở trên đất vào sổ hồng đã cấp cho chủ đầu tư/chủ sở hữu nhà ở riêng lẻ là Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Lưu ý rằng, chủ sở hữu nhà ở trên đất có quyền yêu cầu đơn vị thi công tiến hành sửa chữa, khắc phục những sai sót trong thi công để đảm bảo chất lượng công trình phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng.

Đồng thời, chủ thầu có trách nhiệm bảo trì công trình xây dựng theo thỏa thuận và theo quy định pháp luật.

Các bước thực hiện được tiến hành như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Chủ đầu tư, đơn vị thi công thực hiện nghiệm thu, bàn giao công trình xây dựng nhà ở theo hợp đồng, giấy phép xây dựng (kèm bản vẽ) và thanh lý hợp đồng xây dựng;

Chủ sở hữu nhà ở chuẩn bị thêm hồ sơ gồm:

  • Giấy chứng nhận (bản chính);

  • Giấy phép xây dựng đã được cấp;

  • Đơn đăng ký, đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở trên đất, mẫu sử dụng là 04/ĐK;

Nơi tiếp nhận, giải quyết hồ sơ: Bộ phận tiếp nhận hồ sơ của Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có công trình xây dựng nhà ở.

Bước 2: Thẩm định, xét duyệt hồ sơ

  • Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra hồ sơ, thẩm định hồ sơ;

  • Tiến hành thẩm định thực địa (nếu cần thiết);

  • Nếu đủ điều kiện đăng ký quyền sở hữu nhà ở trên đất thì xác nhận vào giấy chứng nhận, chuyển cho cơ quan Tài nguyên và Môi trường để trình Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định cấp giấy chứng nhận cho người yêu cầu (trường hợp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở trên đất lần đầu);

  • Hoặc thực hiện xác nhận vào sổ hồng đã cấp nếu đăng ký bổ sung tài sản gắn liền với đất;

Bước 3: Trả kết quả

  • Người yêu cầu nhận kết quả là giấy chứng nhận đã được đăng ký quyền sở hữu.

Như vậy, hoàn công công trình xây dựng nhà ở là thủ tục bắt buộc trong quá trình xây dựng công trình xây dựng.

Điểm khác biệt đối với hoàn công nhà ở xây dựng là sau khi tiến hành hoàn công, chủ sở hữu thường tiến hành thủ tục đăng ký quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất vào giấy chứng nhận/sổ hồng đã được cấp.

Lúc này, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có nhà ở là cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho hộ gia đình, cá nhân.

Thủ tục hoàn công nhà cấp 4Thủ tục hoàn công nhà cấp 4


Nhà ở cấp 4 làm hoàn công xây dựng là gì? 

Câu hỏi: Chào Luật sư, nhà cấp 4 sau khi đã hoàn thành xây dựng thì có buộc phải làm hoàn công không?

Nếu làm hoàn công thì làm như thế nào?

Chào bạn, hoàn công công trình xây dựng là công việc bắt buộc đối với chủ đầu tư, chủ thầu.

Thực tế, tùy thuộc mức độ phức tạp của công trình mà hồ sơ và việc hoàn công có sự khác biệt.

Trường hợp xây dựng nhà ở cấp 4, việc hoàn công chính là nghiệm thu công trình xây dựng nhà ở cấp 4 của chủ đầu tư, chủ thầu theo giấy phép xây dựng, bản vẽ xây dựng đã được chấp thuận và hợp đồng đã được ký kết.

Hoàn công nhà ở cấp 4 cũng là căn cứ để xác định công trình xây dựng nhà ở cấp 4 của chủ thầu có cần sai sót, có cần khắc phục hoặc cần sửa chữa, điều chỉnh hay không trước khi đưa vào khai thác, sử dụng.

Sau khi đã nghiệm thu công trình, kiểm tra, đối chiếu, chủ thầu bàn giao công trình cho chủ sở hữu/chủ đầu tư để khai thác, sử dụng, đăng ký quyền sở hữu (nếu có nhu cầu).

Trình tự, thủ tục đăng ký quyền sở hữu nhà ở cấp 4 vào sổ hồng được thực hiện theo các bước như chúng tôi đã trình bày ở trên.

Như vậy, hoàn công công trình nhà ở cấp 4 là việc chủ đầu tư, chủ thầu xây dựng nghiệm thu công trình sau khi đã hoàn thành việc thi công.

Việc nghiệm thu công trình xây dựng cho phép chủ sở hữu, chủ thầu đối chiếu, kiểm tra chất lượng công trình thi công so với quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng cũng như giấy phép xây dựng, bản vẽ thiết kế trước khi đưa vào sử dụng.

Trên đây là giải đáp về vấn đề hoàn công công trình, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ trực tiếp đến tổng đài  19006199 để được hỗ trợ kịp thời.

Lê Ngọc Khánh

Tham vấn bởi: Luật sư Lê Ngọc Khánh

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X