hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 26/04/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Hoàn công dự án là gì? Thủ tục thực hiện thế nào?

Hoàn công dự án được hiểu như thế nào? Trình tự các bước được thực hiện ra sao? Cùng chúng tôi giải đáp trong bài viết sau đây.

 

Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi có nghe nhiều thông tin về việc hoàn công dự án đầu tư xây dựng công trình nhưng chưa hiểu rõ bản chất, công việc hoàn công này.

Xin hỏi hoàn công dự án đầu tư xây dựng công trình được hiểu như thế nào?
Trình tự các bước thực hiện hoàn công dự án được tiến hành ra sao?

Mong được giải đáp cụ thể.

Chào bạn, hoàn công dự án là một trong những khâu rất quan trọng để công trình/dự án đầu tư xây dựng có thể được khai thác, vận hành, đưa vào sử dụng.

Việc hoàn công dự án được quy định ra sao, thủ tục làm như thế nào là những vấn đề được chúng tôi giải đáp cụ thể như dưới đây:

Hiểu thế nào là hoàn công dự án?

Trước hết, pháp luật xây dựng không định nghĩa hoàn công dự án, mà hoàn công dự án được hiểu là chuỗi quá trình thực hiện các công việc như nghiệm thu hoàn thành công trình/công việc/hạng mục công trình, lập bản vẽ hoàn công, nhật ký thi công xây dựng công trình, bàn giao công trình, bảo hành công trình sau khi bàn giao.

Đây là bước cuối cùng trong quy trình sau khi đã hoàn thiện việc thi công xây dựng. Trong đó, từng thủ tục của việc hoàn công xây dựng công trình được thực hiện theo quy định cụ thể tại Luật Xây dựng.

Khác với quy định cũ tại Nghị định 59/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng (văn bản đã hết hiệu lực), Nghị định 06/2021/NĐ-CP về quản lý chất lượng thi công công trình, các đối tượng phải thực hiện hoàn công xây dựng dự án không được liệt kê cụ thể.

Điều này có nghĩa rằng, các công trình xây dựng thuộc dự án đầu tư xây dựng được cấp giấy phép, thi công xây dựng… đều phải tiến hành nghiệm thu, bàn giao, lập bản vẽ hoàn công theo quy định.

Nếu không thực hiện đầy đủ các bước/các thủ tục thì công trình xây dựng không được đưa vào khai thác, bàn giao cho đơn vị sử dụng.

Như vậy, hoàn công dự án đầu tư xây dựng được hiểu đơn giản là chuỗi các công việc thực hiện từ nghiệm thu (nghiệm thu hạng mục, công việc…), lập hồ sơ thi công và bản vẽ hoàn công, đến bàn giao công trình, bảo trì sau khi bàn giao.

Đây là khâu xác định công trình đủ điều kiện được đưa vào khai thác, sử dụng mà đảm bảo chất lượng thi công, đúng thiết kế xây dựng theo quy định.

Thủ tục hoàn công chi tiết được chúng tôi trình bày ở phần dưới.

Thủ tục hoàn công dự ánThủ tục hoàn công dự án

Thủ tục hoàn công dự án như thế nào?

Như chúng tôi đã trình bày, hoàn công dự án đầu tư xây dựng là chuỗi các công việc được thực hiện bởi chủ đầu tư, thầu thi công xây dựng, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Chi tiết các công việc này bao gồm:

  • Bước 1: Nghiệm thu

  • Bước 2: Lập hồ sơ thi công xây dựng và bản vẽ hoàn công

  • Bước 3: Bàn giao công trình xây dựng

  • Bước 4: Bảo hành công trình xây dựng

Trong đó, chủ đầu tư, chủ thầu, cơ quan quản lý tiến hành các công việc chuyên môn như sau:

Bước 1: Nghiệm thu

  • Chủ thầu, chủ đầu tư thực hiện nghiệm thu công việc, nghiệm thu hạng mục công trình, nghiệm thu giai đoạn thu giai đoạn thi công và nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng/hạng mục công trình xây dựng;

  • Trong trường hợp luật định, cơ quan có thẩm quyền tiến hành kiểm tra nghiệm thu và lập văn bản thông báo chấp thuận nghiệm thu theo quy định;

Bước 2: Lập hồ sơ thi công xây dựng và bản vẽ hoàn công

  • Lập hồ sơ thi công xây dựng/nhật ký thi công xây dựng công trình là trách nhiệm của chủ đầu tư, chủ thầu xây dựng công trình;

  • Tài liệu, hồ sơ, giấy tờ có trong nhật ký thi công xây dựng được quy định tại Phụ lục IIa ban hành kèm theo Nghị định 06/2021/NĐ-CP;

  • Nhật ký thi công xây dựng công trình thường được lập, chuẩn bị song song với quá trình thi công xây dựng công trình;

  • Bản vẽ hoàn công được photocopy/sao chụp từ bản vẽ thiết kế thi công xây dựng công trình hoặc được vẽ mới sau khi đã tiến hành nghiệm thu;

Bước 3: Bàn giao công trình xây dựng

  • Việc bàn giao chỉ được thực hiện nếu đã nghiệm thu xong và phải đảm bảo an toàn trong vận hành, khai thác khi đưa công trình vào sử dụng;

  • Bàn giao công trình xây dựng phải được lập thành biên bản và nhà thầu thi công phải giao cho chủ đầu tư các loại tài liệu sau:

    • Bản vẽ hoàn công;

    • Quy trình hướng dẫn vận hành;

    • Quy trình bảo trì công trình;

    • Danh mục các thiết bị/phụ tùng/vật tư dự trữ, thay thế;

    • Các tài liệu khác có liên quan;

Bước 4: Bảo hành công trình xây dựng, bảo hành thiết bị sử dụng trong công trình

  • Sau khi công trình đưa vào khai thác, sử dụng, chủ thầu thi công có trách nhiệm bảo hành, nhà thầu cung ứng thiết bị vật tư có trách nhiệm bảo hành thiết bị do mình cung cấp;

  • Thời gian bảo hành được xác định theo cấp, loại công trình và quy định của nhà sản xuất hoặc theo hợp đồng cung cấp thiết bị và bao gồm các công việc như khắc phục, sửa chữa, thay thế thiết bị hư hỏng, khiếm khuyết do lỗi của nhà thầu gây ra;

Như vậy, quy trình thực hiện hoàn công dự án đầu tư xây dựng (đầu tư xây dựng công trình) được tiến hành theo trình tự các bước mà chúng tôi đã nêu trên.

Dựa trên giải đáp, bạn đối chiếu với trường hợp của mình để có câu trả lời phù hợp.

HieuLuat đã cung cấp, giải đáp cho bạn đọc về vấn đề hoàn công dự án, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006199 để được hỗ trợ.

Lê Ngọc Khánh

Tham vấn bởi: Luật sư Lê Ngọc Khánh

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X