Hôn nhân thực tế chấm dứt khi nào? Hiểu thế nào là hôn nhân thực tế? Hiện nay, có được tồn tại hình thức hôn nhân thực tế không? … Những vấn đề xoay quanh hôn nhân thực tế được HieuLuat giải đáp trong bài viết dưới đây.
Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi đang tìm hiểu về hôn nhân thực tế và mong Luật sư giải đáp cho tôi được biết thế nào là hôn nhân thực tế? Hiện nay, pháp luật có còn công nhận hôn nhân thực tế là hợp pháp không? Hôn nhân thực tế chấm dứt khi nào?
Chào bạn, với những vướng mắc liên quan đến vấn đề hôn nhân thực tế chấm dứt khi nào mà bạn đang quan tâm, chúng tôi giải đáp cho bạn như sau:
Hiểu thế nào là hôn nhân thực tế?
Pháp luật về hôn nhân và gia đình hiện nay không định nghĩa khái niệm hôn nhân thực tế, thay vào đó, quy định về những trường hợp được pháp luật công nhận quan hệ hôn nhân là hợp pháp.
Theo đó, hôn nhân thực tế thường được hiểu là việc nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng, thỏa mãn các điều kiện để được đăng ký kết hôn nhưng không thực hiện đăng ký kết hôn theo quy định pháp luật, và được pháp luật công nhận là hôn nhân hợp pháp nếu diễn ra vào thời điểm trước ngày 03/01/1987 (khoản 2 Điều 44 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP).
Cụ thể, Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP hướng dẫn xác định nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng, thỏa mãn điều kiện đăng ký kết hôn là trường hợp thỏa mãn đầy đủ các điều kiện sau:
- Điều kiện về nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng:
+ Nam nữ có tổ chức lễ cưới khi về chung sống với nhau: Việc tổ chức lễ cưới được thực hiện theo phong tục, tập quán tại địa phương nơi nam nữ sinh sống. Thời điểm được tính là nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng là thời điểm mà hai bên nam nữ tổ chức lễ cưới hoặc hai bên chính thức dọn về sống chung với nhau như vợ chồng;
+ Việc nam nữ về chung sống với nhau được gia đình (một bên hoặc cả hai bên) chấp nhận: Sự chấp thuận có thể được thể hiện rằng hai bên đều biết và không phản đối, nam nữ cùng sống chung với bố mẹ của một bên, nam nữ được bố mẹ hai bên chứng kiến khi dọn về nơi mới sống chung;
+ Thời điểm nam nữ dọn về cùng chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến: Tổ chức có thể hội phụ nữ tại địa phương xã, phường, tổ trưởng tổ dân phố đại diện cho tổ chức chính quyền tại tổ dân phố hoặc trưởng thôn,...;
+ Thực tế, nam nữ phải thực sự có chung sống với nhau (như cùng ở tại một nơi), cùng chăm sóc, giúp đỡ nhau mọi mặt trong cuộc sống và cùng nhau xây dựng gia đình (cùng có trách nhiệm chăm lo cho gia đình, cho con cái…);
Quy định này là căn cứ để xác định quyền, nghĩa vụ của nam nữ đối với con cái, tài sản cũng như các quan hệ khác trong hôn nhân.
- Điều kiện đăng ký kết hôn
Nam nữ đều thỏa mãn các điều kiện về đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình, bao gồm:
+ Độ tuổi: Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
+ Không thuộc trường hợp không được đăng ký kết hôn: Ví dụ như tảo hôn, kết hôn giả tạo, kết hôn khi đang có vợ/chồng,...;
+ Không là người bị mất năng lực hành vi dân sự: Việc mất năng lực hành vi dân sự phải theo quyết định của Tòa án nhân dân có thẩm quyền;
+ Cả hai bên nam nữ tự nguyện đăng ký kết hôn;
Như vậy, hôn nhân thực tế là hôn nhân được pháp luật hôn nhân và gia đình công nhận là hợp pháp nếu như nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước 03/01/1987, thỏa mãn điều kiện để đăng ký kết hôn nhưng không thực hiện đăng ký kết hôn theo quy định pháp luật.
Hôn nhân thực tế chấm dứt khi nào?
Trước tiên, như đã trình bày, hôn nhân thực tế cũng là hôn nhân mà được pháp luật về hôn nhân và gia đình công nhận là hợp pháp. Do đó, về nguyên tắc, việc chấm dứt hôn nhân thực tế cũng giống với việc chấm dứt các cuộc hôn nhân thông thường khác là phải có Bản án của Tòa án nhân dân có thẩm quyền hoặc khi một trong hai bên nam nữ chết/bị Tòa án tuyên bố là chết (Điều 57, Điều 65 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014).
Tuy nhiên, có một số điểm khác biệt khi chấm dứt hôn nhân thực tế cần quan tâm theo quy định tại Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP như sau:
Một là, điều kiện để được Tòa án giải quyết ly hôn
Một trong hai bên nam nữ phải có đơn xin ly hôn/đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn và phải có căn cứ xác nhận về thời điểm sống chung với nhau như vợ chồng
Thông tin trình bày trong đơn xin ly hôn/đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn cần phải nêu rõ quá trình kết hôn, chung sống và phải có thời điểm bắt đầu chung sống.
Thông thường, kèm với đơn cần có thêm văn bản xác nhận về việc công nhận chung sống với nhau như vợ chồng của nam nữ là từ trước 03/01/1987 do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi nam nữ thường trú cấp hoặc phải có các căn cứ, tài liệu chứng minh cho việc đã chung sống với nhau như vợ chồng (nếu như tính đến thời điểm yêu cầu ly hôn, họ không đăng ký kết hôn).
Quyền, nghĩa vụ của nam nữ được xác định tại thời điểm nam nữ được công nhận sống chung với nhau như vợ chồng (kể cả trường hợp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ sau ngày 03/01/1987 đến trước ngày 01/01/2003). Do vậy, việc giải quyết, phân chia tài sản, con cái và các vấn đề khác được thực hiện theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình về quan hệ tài sản, con cái.
Hai là, kết quả của yêu cầu ly hôn là bản án không công nhận hôn nhân
Tòa án nhân dân chấp thuận cho nam nữ ly hôn bằng bản án không công nhận nam nữ là vợ chồng. Điều này cũng có nghĩa rằng, một trong hai bên hoặc cả hai bên nam nữ cùng yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn thì thủ tục tố tụng được thực hiện theo trình tự giải quyết vụ án ly hôn.
Kết quả giải quyết yêu cầu ly hôn của nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng theo yêu cầu của một bên hoặc theo yêu cầu của cả hai là bản án không công nhận hôn nhân của tòa án nhân dân có thẩm quyền.
Như vậy, theo quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình, hôn nhân thực tế chấm dứt khi có bản án của Tòa án nhân dân có thẩm quyền hoặc một trong hai bên chết/bị tòa án nhân dân có thẩm quyền tuyên bố là đã chết.
Trên đây là giải đáp về hôn nhân thực tế chấm dứt khi nào? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.
>> Có 2 vợ trước năm 1987 có được công nhận là hợp pháp không?