hieuluat
Chia sẻ email
Chủ Nhật, 01/10/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Hợp đồng bảo hiểm bị vô hiệu trong trường hợp nào? Hậu quả pháp lý ra sao?

Hợp đồng bảo hiểm  có thể vô hiệu vì những lý do khác nhau. Vậy qua bài viết dưới đây cùng tìm hiểu, hợp đồng bảo hiểm bị vô hiệu trong trường hợp nào? Hậu quả pháp lý ra sao? 

 
Mục lục bài viết
  • Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu là gì?
  • Hợp đồng bảo hiểm bị vô hiệu trong trường hợp nào?
  • Hậu quả pháp lý đối với hợp đồng bảo hiểm vô hiệu 
Câu hỏi: Em đang tìm hiểu để ký hợp đồng bảo hiểm với công ty bảo hiểm nhân thọ, tuy nhiên không rõ hợp đồng bảo hiểm bị vô hiệu trong trường hợp nào? Hậu quả pháp lý ra sao? Rất mong nhận được giải đáp, em xin cảm ơn.

Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu là gì?

Hiện nay, pháp luật không đưa ra định nghĩa hợp đồng bảo hiểm vô hiệu là gì? Tuy nhiên thông qua các quy định về điều kiện, chủ thể, hình thức,... hợp đồng bảo hiểm tại Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, có thể đưa ra cách hiểu như sau:

Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu là hợp đồng bảo hiểm đã vi phạm một hoặc các điều kiện để hợp đồng có hiệu lực, ví dụ như vi phạm về chủ thể, đối tượng, hình thức hợp đồng, lừa dối ký hợp đồng,...

Như vậy, hợp đồng khi thuộc một trong những trường hợp này sẽ không có hiệu lực pháp luật và không thể thi hành các thỏa thuận trong đó.

Hợp đồng bảo hiểm bị vô hiệu trong trường hợp nào?

Hợp đồng bảo hiểm bị vô hiệu trong trường hợp nào?

Căn cứ quy định tại Điều 25 luật Kinh doanh bảo hiểm thì hợp đồng bảo hiểm (HĐBH) vô hiệu trong 11 trường hợp được liệt kê dưới đây:

- Trường hợp 1: Bên mua bảo hiểm không có quyền lợi có thể được bảo hiểm tại thời điểm các bên giao kết hợp đồng bảo hiểm.

Theo Điều 16 Luật này thì một trong những nguyên tắc khi giao kết HĐBH là quyền lợi của bên mua bảo hiểm phải là quyền lợi có thể bảo hiểm được, phù hợp với từng loại hợp đồng bảo hiểm. Ví dụ như hai bên giao kết hợp đồng bảo sức khỏe thì các quyền lợi được bảo hiểm phải là quyền lợi liên quan đến sức khỏe, khám chữa bệnh.

- Trường hợp 2: Tại thời điểm giao kết hợp đồng không có đối tượng bảo hiểm

Đối tượng trong hợp đồng nói chung và trong hợp đồng bảo hiểm nói riêng là một nội dung không thể thiếu, chắc chắn phải được đề cập trong hợp đồng, trường hợp không có thì hợp đồng này vô hiệu.

- Trường hợp 3: Bên mua bảo hiểm biết sự kiện bảo hiểm đã xảy ra tại thời điểm giao kết HĐBH.

Khoản 27 Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm có giải thích: “Sự kiện bảo hiểm là sự kiện khách quan do các bên thỏa thuận hoặc pháp luật quy định mà khi sự kiện đó xảy ra thì doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.”

Có thể thấy, khi ký hợp đồng, sự kiện bảo hiểm chưa xảy ra và các bên chỉ dự liệu nếu sự kiện đó xảy ra thì bên mua bảo hiểm sẽ được nhận quyền lợi gì (bồi thường, tiền bảo hiểm). Như vậy, tại thời điểm ký kết hợp đồng nếu sự kiện bảo hiểm đã xảy ra mà bên mua biết nhưng vẫn ký thì hợp đồng này vô hiệu.

- Trường hợp 4: Mục đích, nội dung của hợp đồng vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội.

Bất kỳ nội dung, mục đích của hợp đồng nào cũng phải nằm trong khuôn khổ pháp luật, không được vi phạm các điều cấm và không trái với đạo đức xã hội.

- Trường hợp 5: Các bên giao kết hợp đồng bảo hiểm giả tạo

Các bên giao kết HĐBH phải thực sự tự nguyện, trung thực với những thông tin cung cấp, giao kết hợp đồng thì hợp đồng mới có hiệu lực pháp luật, trường hợp lừa dối, giả tạo thì hợp đồng vô hiệu.

- Trường hợp 6: Bên mua bảo hiểm thuộc các trường hợp: Là người chưa thành niên; người mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự

Người thuộc một trong những trường hợp nêu trên không có đầy đủ năng lực hành vi dân sự để giao kết hợp đồng, do đó hợp đồng giao kết bởi những người này không đảm bảo yêu cầu về năng lực chủ thể nên hợp đồng vô hiệu.

- Trường hợp 7: Bên mua bảo hiểm không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình khi tiến hành giao kết hợp đồng.

Tương tự như trường hợp 6, trường hợp này đã có sự vi phạm về năng lực chủ thể khi giao kết hợp đồng, bên mua không thể hiện được sự tự nguyện, nhận thức của mình nên hợp đồng vô hiệu.

- Trường hợp 8: HĐBH giao kết có sự nhầm lẫn dẫn đến việc 1 bên hoặc các bên không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng. Lưu ý: Không áp dụng với trường hợp mục đích giao kết đã đạt được hoặc các bên có thể khắc phục ngay được sự nhầm lẫn làm cho mục đích của việc giao kết hợp đồng vẫn đạt được.

- Trường hợp 9: Hợp đồng giao kết do bị lừa dối trừ trường hợp vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin.

- Trường hợp 10: Hợp đồng được giao kết do bị đe dọa, cưỡng ép

Trường hợp 9, 10 đều không thể hiện được sự thỏa thuận tự nguyện của các bên khi giao kết hợp đồng - là yêu cầu cơ bản đối với bất kỳ hợp đồng nào. Do đó, hợp đồng được giao kết do sự lừa dối, bị đe dọa hay cưỡng ép đều vô hiệu.

- Trường hợp 11: Hợp đồng bảo hiểm không tuân thủ quy định về hình thức. Cụ thể, không tuân thủ Điều 18 Luật Kinh doanh bảo hiểm: “Hợp đồng bảo hiểm phải được lập thành văn bản. Bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm là hợp đồng, giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm hoặc hình thức khác theo quy định của pháp luật.”

Trên đây là những trường hợp mà hợp đồng bảo hiểm bị vô hiệu, các bên giao kết hợp đồng, đặc biệt là bên mua bảo hiểm cần phải nắm rõ quy định này để đảm bảo tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Hậu quả pháp lý đối với hợp đồng bảo hiểm vô hiệu 

Hậu quả pháp lý đối với hợp đồng bảo hiểm vô hiệu

Hợp đồng bảo hiểm dẫn đến những hậu quả pháp lý sau:

- Hợp đồng bảo hiểm không có hiệu lực từ thời điểm giao kết.

- Các bên (bao gồm bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm) hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận. Ví dụ đã nhận tiền thì hoàn trả lại tiền đã nhận.

- Bên nào có lỗi mà gây ra thiệt hại thì phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra.

Trên đây là những giải đáp về vấn đề Hợp đồng bảo hiểm bị vô hiệu trong trường hợp nào? Hậu quả pháp lý ra sao? Nếu còn thắc mắc nào liên quan đến vấn đề này hoặc các lĩnh vực pháp luật khác, các bạn có thể liên hệ tổng đài: 1900.6199 để được tư vấn.

Lê Ngọc Khánh

Tham vấn bởi: Luật sư Lê Ngọc Khánh

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X