hieuluat
Chia sẻ email

Hợp đồng BCC là gì? Lưu ý khi thực hiện hợp đồng BCC

Hiện nay, để thực hiện hoạt động hợp tác kinh doanh của mình, các nhà đầu tư thường lựa chọn loại hình hợp đồng BCC. Vậy hợp đồng BCC là gì? Cần phải lưu ý gì khi thực hiện loại hợp đồng này.

Mục lục bài viết
  • Hợp đồng BCC là gì?
  • Nội dung của hợp đồng BCC
  • Lưu ý khi thực hiện hợp đồng BCC
  • Chủ thể nào được ký kết hợp đồng BCC?
  • Các hình thức thực hiện hợp đồng BCC
Câu hỏi: Chào Luật sư! Tôi nghe nói trong hoạt động đầu tư, các nhà đầu tư thường ký kết với nhau loại hình hợp đồng BCC. Luật sư có thể tư vấn giúp tôi hiểu rõ hơn về hợp đồng BCC là gì? Và những điểm cần phải lưu tâm khi thực hiện loại hợp đồng này.

Hợp đồng BCC là gì?

Trong kinh doanh, các nhà đầu tư có thể bỏ vốn, tài sản theo nhiều hình thức và cách thức khác nhau để thực hiện hoạt động nhằm mục đích sinh lời, tạo lợi nhuận. Và đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC là một trong những hình thức được quy định tại Khoản 4 Điều 21 Luật Đầu tư 2020.

Theo đó, Hợp đồng BCC (Business Cooperation Contract) là hợp đồng hợp tác kinh doanh được ký kết giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không cần phải thành lập các tổ chức kinh tế. 

Do hợp đồng BCC thường được sử dụng trong đa dạng lĩnh vực hợp tác nên sẽ chịu sự điều chỉnh của ít nhất 03 văn bản pháp luật, bao gồm Bộ luật Dân sự 2015, Luật Đầu tư 2020 và Luật chuyên ngành cho lĩnh vực, hoạt động được hợp tác. 

Ví dụ: Liên kết kinh doanh trong lĩnh vực khai thác dầu khí thì áp dụng theo Luật Dầu khí, liên kết kinh doanh trong lĩnh vực bưu chính viễn thông thì áp dụng theo Luật Viễn thông.

Hợp đồng BCC là gì?

Hợp đồng BCC là gì?

Nội dung của hợp đồng BCC

Nội dung của hợp đồng BCC là các thỏa thuận của các bên tham gia hợp đồng với các nội dung chủ yếu tại Điều 28 Luật Đầu tư 2020. Cụ thể như sau:

- Thứ nhất, thông tin của các bên tham gia hợp đồng: Tên doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư, địa chỉ trụ sở chính, người đại diện theo pháp luật hoặc người có thẩm quyền của các bên tham gia hợp đồng; địa chỉ giao dịch hoặc địa chỉ nơi thực hiện dự án;

- Thứ hai, mục tiêu của hợp đồng: Nội dung này thể hiện mong muốn của hai bên về việc kết hợp với nhau để thực hiện dự án và phạm vi theo không gian và thời gian hoạt động đầu tư kinh doanh;

- Thứ ba, tài sản góp vốn: Ở điều khoản này, các bên cần phải ghi rõ sự đóng góp về vốn như tài sản cố định hay tài sản lưu động và thỏa thuận về việc phân chia kết quả đầu tư sản xuất, kinh doanh giữa các bên cũng là điều đáng lưu tâm;

- Thứ tư, về thời hạn hợp đồng: Các bên cần thỏa thuận và thống nhất về tiến độ (thời gian các công đoạn thực hiện dự án) và thời hạn thực hiện hợp đồng;

- Thứ năm, quyền và nghĩa vụ: Để tránh phát sinh tranh chấp không đáng có, các bên cần thỏa thuận rõ ràng quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng;

- Ngoài ra, các bên cần phải thỏa thuận, thương lượng các trường hợp sửa đổi, chuyển nhượng hoặc chấm dứt hợp đồng; trách nhiệm do vi phạm hợp đồng như phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại; phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại hay Tòa án.

Lưu ý khi thực hiện hợp đồng BCC

Chủ thể nào được ký kết hợp đồng BCC?

Hợp đồng BCC được ký kết giữa các nhà đầu tư với nhau, bao gồm nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó:

- Nhà đầu tư trong nước là cá nhân có quốc tịch Việt Nam, tổ chức kinh tế không có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông được quy định tại khoản 20 Điều 3 Luật Đầu tư 2020.

- Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam theo khoản 19 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 .

Lưu ý: Tổ chức kinh tế trong hợp đồng BCC không bắt buộc phải là pháp nhân. Đây cũng là ưu điểm nổi bật dành cho các nhà đầu tư. 

Bởi lẽ, nhà đầu tư và các đối tác có thể thỏa thuận với nhau về quyền, nghĩa vụ thông qua hợp đồng với tư cách là một nhà đầu tư độc lập mà không bị ràng buộc bởi pháp nhân chung, qua đó sẽ tiết kiệm được thời gian và chi phí cho việc thành lập, cũng như vận hành một pháp nhân mới.

Lưu ý khi thực hiện hợp đồng BCC

Lưu ý khi thực hiện hợp đồng BCC

Các hình thức thực hiện hợp đồng BCC

Theo Điều 44 Thông tư 200/2014/TT-BTC thì hợp đồng BCC có thể được thực hiện theo các hình thức: 

Một là, hợp đồng BCC theo hình thức tài sản đồng kiểm soát: Trong trường hợp này, khi bắt đầu hợp tác kinh doanh các bên sẽ mua, xây dựng tài sản và tài sản này được sử dụng cho mục đích của hợp tác và mang lại lợi ích cho các bên tham gia, đây gọi là tài sản đồng kiểm soát. 

Ví dụ: X và Y mỗi bên góp vốn 10 tỷ đồng để xây dựng trung tâm thương mại, theo đó trung tâm này là tài sản đồng kiểm soát được các bên hợp tác xây dựng cho mục đích kinh doanh.

Hai là, hợp đồng BCC dưới hình thức hoạt động kinh doanh đồng kiểm soát: Nếu hoạt động dưới hình thức này thì các bên không phải thành lập một cơ sở kinh doanh mới. Các bên hợp tác có nghĩa vụ và được hưởng quyền lợi theo thỏa thuận trong hợp đồng.

Hoạt động của hợp đồng hợp tác được các bên góp vốn thực hiện cùng với các hoạt động kinh doanh thông thường khác của từng bên. Ví dụ: A đang kinh doanh nhà hàng, sau đó B góp vốn để hợp tác mở rộng hoạt động kinh doanh của nhà hàng.

Nhìn chung, hợp đồng BCC đem đến nhiều lợi ích cho các nhà đầu tư như tiết kiệm thời gian, chi phí để thành lập và vận hành một pháp nhân mới, ngoài ra khi hoạt động đầu tư kết thúc, các bên cũng không phải lo lắng về vấn đề giải thể. 

Với những ưu điểm nhất định mà hợp đồng BCC mang lại, việc ký kết hợp đồng BCC sẽ trở nên phổ biến. Do vậy, các nhà đầu tư cần phải nắm rõ quy định pháp luật về hợp đồng này, nhằm hạn chế rủi ro không đáng có. 

Trên đây là nội dung tư vấn về hợp đồng BCC là gì. Hy vọng qua bài viết này, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về những nội dung có liên quan. Nếu còn thắc mắc, xin vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.
Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X