Hợp đồng chuyển nhượng đất nông nghiệp có phải công chứng chứng thực không? Mẫu hợp đồng chuyển nhượng đất nông nghiệp hiện nay như thế nào?... Những câu hỏi nêu trên được HieuLuat giải đáp cụ thể trong bài viết dưới đây.
Tôi đã tìm hiểu thì được biết phải lập hợp đồng chuyển nhượng đất nông nghiệp nhưng tôi không rõ hợp đồng này chỉ cần các bên viết tay, ký kết với nhau hay cần phải công chứng, mong Luật sư giải đáp.
Ngoài ra, tôi cũng mong Luật sư cung cấp mẫu hợp đồng chuyển nhượng đất nông nghiệp này để tôi tham khảo và thỏa thuận trước với bên bán.
Chào bạn, liên quan đến hợp đồng chuyển nhượng đất nông nghiệp mà bạn đang quan tâm, chúng tôi giải đáp cho bạn như sau:
Hợp đồng chuyển nhượng đất nông nghiệp phải công chứng không?
Hợp đồng chuyển nhượng đất nông nghiệp là văn bản thỏa thuận của bên chuyển nhượng, bên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, trong đó có các điều khoản như giá cả, phương thức thanh toán, đối tượng chuyển nhượng/vị trí thửa đất, quyền nghĩa vụ của các bên,...
Hợp đồng chuyển nhượng đất nông nghiệp chưa được pháp luật quy định mẫu mà khi lập, soạn thảo, các bên dựa trên những quy định chung của Bộ luật Dân sự 2015, Luật Đất đai 2013 cùng các văn bản khác có liên quan.
Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013:
…
3. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau:
a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này;
b) Hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên;
c) Văn bản về thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự;
d) Việc công chứng thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng, việc chứng thực thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã.
=> Từ quy định này, suy ra, khi thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, bên chuyển nhượng (bên bán) và bên nhận chuyển nhượng (bên mua) phải thực hiện công chứng hoặc chứng thực.
Việc công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp được thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng là văn phòng công chứng/phòng công chứng; Chứng thực hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất nông nghiệp.
Như vậy, hợp đồng chuyển nhượng đất nông nghiệp/ chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp là căn cứ xác định việc chuyển giao quyền sử dụng từ bên chuyển nhượng sang bên nhận chuyển nhượng. Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp phải được công chứng hoặc chứng thực theo quy định pháp luật.
Hợp đồng chuyển nhượng đất nông nghiệp phải công chứng, chứng thực
Mẫu hợp đồng chuyển nhượng đất file word thế nào?
Dựa trên quy định chung về chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, HieuLuat cung cấp cho bạn đọc mẫu hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp được sử dụng phổ biến hiện nay như mẫu dưới đây:
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
HỢP ĐỒNG CHUYỂN NHƯỢNG QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT
Chúng tôi gồm có:
BÊN CHUYỂN NHƯỢNG (sau đây gọi là bên A ):
Ông/Bà …., sinh năm …, chứng minh nhân dân/căn cước công dân số … do … cấp ngày … Đăng ký hộ khẩu thường trú tại: ...
Ông/Bà …., sinh năm …, chứng minh nhân dân/căn cước công dân số … do … cấp ngày … Đăng ký hộ khẩu thường trú tại: ...
(Hoặc cả hai ông bà cùng đăng ký hộ khẩu thường trú tại: … nếu cùng nơi đăng ký thường trú).
BÊN NHẬN CHUYỂN NHƯỢNG (sau đây gọi là bên B):
Ông/Bà …., sinh năm …, chứng minh nhân dân/căn cước công dân số … do … cấp ngày … Đăng ký hộ khẩu thường trú tại: ...
Ông/Bà …., sinh năm …, chứng minh nhân dân/căn cước công dân số … do … cấp ngày … Đăng ký hộ khẩu thường trú tại: ...
(Hoặc cả hai ông bà cùng đăng ký hộ khẩu thường trú tại: … nếu cùng nơi đăng ký thường trú).
Hai bên cùng nhau thỏa thuận, lập và ký bản Hợp đồng này với nội dung cụ thể như sau:
ĐIỀU 1. QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT CHUYỂN NHƯỢNG
1. Đối tượng chuyển nhượng của Hợp đồng này là toàn bộ quyền sử dụng đất hợp pháp của Bên A theo “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất” số: …; Số vào sổ cấp GCN: …do ….cấp ngày ….cho ông/bà/hộ ông/hộ bà…. Thực trạng thửa đất được mô tả cụ thể như sau:
* Thửa đất:
- Thửa đất số: … - Tờ bản đồ số: …;
- Địa chỉ: …
- Diện tích: … m2 (bằng chữ: … mét vuông)
- Hình thức sử dụng: …
- Mục đích sử dụng: …
- Thời hạn sử dụng: …
- Nguồn gốc sử dụng: …
* Ghi chú:
…
2. Bên A đồng ý chuyển nhượng toàn bộ quyền sử dụng đất nêu trên cho bên B, bên B sau khi đã xem xét giấy tờ chứng minh quyền sử dụng cũng như kiểm tra hiện trạng trên thực tế, đồng ý nhận chuyển nhượng toàn bộ quyền sử dụng đất nêu trên.
ĐIỀU 2. GIÁ CHUYỂN NHƯỢNG
1. Hai bên tự thỏa thuận giá chuyển nhượng toàn bộ quyền sử dụng đất nêu tại Điều 1 của Hợp đồng này là: ... đồng (Bằng chữ: ...đồng) tiền Việt Nam hiện hành;
2. Việc thanh toán số tiền nêu tại khoản 1 Điều này do hai bên tự thực hiện và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Không yêu cầu Công chứng viên (hoặc người có thẩm quyền chứng thực) chịu trách nhiệm về việc thanh toán này.
ĐIỀU 3. VIỆC GIAO NHẬN VÀ ĐĂNG KÝ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT
1. Bên A có trách nhiệm bàn giao thửa đất nêu tại Điều 1 của Hợp đồng này cùng giấy tờ về quyền sử dụng đất cho bên B theo đúng thời hạn và phương thức mà hai bên đã thỏa thuận. Việc giao nhận tại khoản này do hai bên tự thực hiện và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
2. Bên B có nghĩa vụ đăng ký quyền sử dụng đất tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Khi đó, bên A có trách nhiệm phối hợp với bên B và không được có bất kỳ hành vi nào gây trở ngại, khó khăn cho bên B.
ĐIỀU 4. NGHĨA VỤ NỘP THUẾ VÀ LỆ PHÍ
Thuế, phí, lệ phí liên quan đến việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo Hợp đồng này do Bên B chịu trách nhiệm nộp và kê khai.
ĐIỀU 5. PHƯƠNG THỨC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP
Trong quá trình thực hiện Hợp đồng mà phát sinh tranh chấp, các Bên cùng nhau thương lượng giải quyết trên nguyên tắc tôn trọng quyền lợi của nhau; trong trường hợp không giải quyết được, thì một trong hai Bên có quyền khởi kiện để yêu cầu Toà án có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
ĐIỀU 6. CAM ĐOAN CỦA CÁC BÊN
Bên A và bên B chịu trách nhiệm trước pháp luật về những lời cam đoan sau đây:
1. Bên A cam đoan:
- Những thông tin về nhân thân, về thửa đất đã ghi trong Hợp đồng này là đúng sự thật;
- Thửa đất thuộc trường hợp được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật;
- Tại thời điểm giao kết Hợp đồng này: Bên A không nhận được bất kỳ thông báo hoặc quyết định thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với thửa đất nêu trên; Thửa đất không có tranh chấp, không bị kê biên để bảo đảm thi hành án; Chưa đưa quyền sử dụng đất nêu trên tham gia giao dịch dưới bất kỳ hình thức nào dẫn đến bị ràng buộc hoặc hạn chế chuyển dịch;
- Việc giao kết Hợp đồng này hoàn toàn tự nguyện, không bị lừa dối, không bị ép buộc;
- Thực hiện đúng và đầy đủ các thoả thuận đã ghi trong Hợp đồng này.
2. Bên B cam đoan:
- Những thông tin về nhân thân đã ghi trong Hợp đồng này là đúng sự thật;
- Đã xem xét kỹ, biết rõ về thửa đất nêu tại Điều 1 của Hợp đồng này và các giấy tờ về quyền sử dụng đất;
- Việc giao kết Hợp đồng này hoàn toàn tự nguyện, không bị lừa dối, không bị ép buộc;
- Thực hiện đúng và đầy đủ các thoả thuận đã ghi trong Hợp đồng này.
3. Hai bên cam đoan:
- Các giấy tờ do hai bên xuất trình để lập Hợp đồng này được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, không có sự giả mạo, tẩy xóa, thêm bớt làm sai lệch nội dung các giấy tờ này;
- Tài sản chuyển nhượng ghi trong Hợp đồng là có thật và không đề nghị Công chứng viên (hoặc người có thẩm quyền chứng thực) chịu trách nhiệm về những cam đoan này; Giá chuyển nhượng nêu trên là đúng với thực tế và ý chí của các bên.
- Tự chịu trách nhiệm pháp lý trong trường hợp quyền sử dụng đất có tranh chấp, bị kê biên để thi hành án hoặc để chấp hành Quyết định hành chính, tố tụng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, dùng để bảo đảm nghĩa vụ hoặc vi phạm những cam đoan tại Điều này và không thắc mắc gì về việc Công chứng viên (hoặc người có thẩm quyền chứng thực) chứng nhận (hoặc chứng thực) Hợp đồng này trong các trường hợp nêu trên.
ĐIỀU 7. ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG
1. Hai bên công nhận đã hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của việc giao kết Hợp đồng này.
2. Hai bên đã tự đọc nguyên văn Hợp đồng này, đã hiểu, đồng ý tất cả các điều khoản ghi trong Hợp đồng và ký/điểm chỉ vào Hợp đồng này.
3. Việc sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ Hợp đồng này chỉ có giá trị khi được hai Bên lập thành văn bản có chứng nhận (hoặc chứng thực) của Công chứng viên (hoặc người có thẩm quyền chứng thực) và được thực hiện khi Bên B chưa đăng ký sang tên quyền sử dụng đất theo Hợp đồng này.
BÊN CHUYỂN NHƯỢNG (Bên A) | BÊN NHẬN CHUYỂN NHƯỢNG (Bên B) |
Như vậy, mẫu hợp đồng chuyển nhượng đất nông nghiệp (hoặc quyền sử dụng đất nông nghiệp) thường có các điều khoản như trên. Tùy thuộc nhu cầu và sự thỏa thuận của các bên mà số lượng điều khoản và nội dung có trong hợp đồng có thể thêm hoặc bớt.
Các bên có thể tự soạn thảo hợp đồng chuyển nhượng trước khi công chứng
Câu hỏi: Chào Luật sư, nếu chúng tôi và bên bán cùng thỏa thuận, lập sẵn hợp đồng file word (bản đánh máy) về việc mua bán, chuyển nhượng đất sau đó đề nghị công chứng, chứng thực thì có được không?
Nếu vắng mặt 1 người để ký kết thì có thể ủy quyền cho người khác thay mình ký được không?
Hợp đồng chuyển nhượng đất file word có thể tự soạn thảo được không?
Hợp đồng chuyển nhượng đất file word với các nội dung chính như chúng tôi đã trình bày ở phần trên.
Việc soạn thảo hợp đồng chuyển nhượng đất nông nghiệp nói riêng, hợp đồng chuyển nhượng đất nói chung được thực hiện như sau:
Tự mình soạn thảo và đề nghị công chứng viên công chứng hợp đồng theo quy định tại Điều 40 Luật Công chứng 2014, Điều 36 Nghị định 23/2015/NĐ-CP;
Đề nghị công chứng viên soạn thảo và chứng nhận theo Điều 41 Luật Công chứng 2014;
Điều này cũng có nghĩa rằng, bạn được tự soạn thảo hợp đồng và đề nghị công chứng viên, người có thẩm quyền chứng thực thực hiện công chứng/chứng thực hợp đồng.
Trong trường hợp, bạn không tự mình soạn thảo hợp đồng chuyển nhượng thì bạn chỉ có quyền đề nghị công chứng viên thực hiện soạn thảo, chứng nhận hợp đồng chuyển nhượng đất của mình.
Kết luận: Hợp đồng chuyển nhượng đất nông nghiệp có thể được các bên tự soạn thảo dưới hình thức hợp đồng chuyển nhượng file word (bản đánh máy) và đề nghị công chứng viên, người có thẩm quyền chứng thực hợp đồng công chứng/chứng thực hợp đồng cho mình.
Được ủy quyền ký hợp đồng chuyển nhượng đất
Được ủy quyền ký hợp đồng chuyển nhượng đất nông nghiệp không?
Việc ủy quyền thực hiện công việc là quyền của cá nhân, tổ chức, cơ quan.
Theo đó, bên nhận ủy quyền thực hiện các công việc trong phạm vi ủy quyền (thường được ghi nhận trong văn bản ủy quyền đối với trường hợp mua bán, chuyển nhượng đất) (Điều 562 Bộ luật Dân sự 2015).
Điều này cũng có nghĩa rằng, việc ủy quyền giao kết, thực hiện, chấm dứt hợp đồng mua bán, chuyển nhượng đất là quyền của các bên trong giao dịch (người có quyền bán được ủy quyền các công việc liên quan đến định đoạt tài sản, người có quyền mua được ủy quyền mua tài sản).
Các công việc được ủy quyền có thể bao gồm:
Ủy quyền thực hiện thương lượng, thỏa thuận về các điều khoản trong hợp đồng chuyển nhượng;
Ủy quyền định đoạt giá mua bán, quyết định người mua;
Ủy quyền giải quyết các tranh chấp phái sinh;
Ủy quyền về việc ký tên trên các văn bản, giấy tờ liên quan đến vụ việc mua bán, chuyển nhượng;
Ủy quyền nộp hồ sơ, bổ sung hồ sơ,...;
Lưu ý:
Việc ủy quyền bán hoặc ủy quyền mua phải được lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực theo quy định pháp luật;
Ủy quyền trong trường hợp này có thể có thù lao hoặc không có thù lao, tùy thuộc vào sự thỏa thuận của các bên;
Như vậy, pháp luật cho phép các bên được ủy quyền giao kết, thực hiện... hợp đồng chuyển nhượng đất nông nghiệp/ hoặc hợp đồng chuyển nhượng đất khác.
Tùy thuộc nhu cầu, phạm vi, thỏa thuận của các bên mà bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền có thể tự do ký kết văn bản ủy quyền theo quy định pháp luật.
Trên đây là giải đáp về Hợp đồng chuyển nhượng đất nông nghiệp, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.