Khi ký hợp đồng học việc, người lao động và người sử dụng lao động cũng phải tuân theo những yêu cầu nhất định. Hợp đồng học việc có phải đóng bảo hiểm không?
Hợp đồng học việc có phải đóng bảo hiểm xã hội không?
Chào bạn. Theo Điều 61 Bộ luật Lao động năm 2019, học nghề để làm việc cho người sử dụng lao động là việc người sử dụng lao động tuyển người vào để đào tạo nghề nghiệp tại nơi làm việc. Còn tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động là việc người sử dụng lao động tuyển người vào để hướng dẫn thực hành công việc, tập làm nghề theo vị trí việc làm tại nơi làm việc.
Người sử dụng lao động tuyển người vào học nghề, tập nghề để làm việc cho mình thì không phải đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp; tuy nhiên, không được thu học phí; đồng thời, phải ký hợp đồng đào tạo.
Đáng chú ý, trong thời gian học nghề, tập nghề, nếu người học nghề, người tập nghề trực tiếp hoặc tham gia lao động thì được người sử dụng lao động trả lương theo mức do hai bên thỏa thuận.
Về nội dung hợp đồng học việc, đào tạo nghề, Điều 62 Bộ luật Lao động năm 2019 có yêu cầu, hai bên phải ký kết hợp đồng đào tạo nghề trong trường hợp người lao động được đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, đào tạo lại ở trong nước hoặc nước ngoài từ kinh phí của người sử dụng lao động, kể cả kinh phí do đối tác tài trợ cho người sử dụng lao động.
- Nghề đào tạo;
- Địa điểm, thời gian và tiền lương trong thời gian đào tạo;
- Chi phí đào tạo và trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo (chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người học trong thời gian đi học);
- Trách nhiệm của người lao động.
Như vậy, nội dung trong hợp đồng đào tạo nghề không hề nhắc đến nội dung về việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.Ngoài ra, theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Nghị định 143/2018/NĐ-CP thì đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc gồm những đối tượng sau:
- Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn.
- Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng…
Như vậy, hiện nay không có quy định về thu bảo hiểm xã hội bắt buộc với người học nghề, học việc theo hợp đồng đào tạo nghề. Việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hay không căn cứ vào thỏa thuận giữa hai bên.
Hợp đồng học việc có phải đóng thuế thu nhập cá nhân?
Theo Bộ luật lao động năm 2019, trong thời gian học việc, tập việc; người học việc, tập việc tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất, tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh thì người sử dụng lao động phải trả lương cho người học việc, tập việc. Tuy nhiên, mức lương không bị giới hạn mức tối thiểu bằng lương tối thiểu vùng mà sẽ được người sử dụng lao động và người học việc, tập việc thỏa thuận sao cho phù hợp với điều kiện, tính chất, mức độ công việc.
Căn cứ theo Điểm a khoản 2 Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 thì tiền lương trong thời gian thử việc cũng là một trong những thu nhập phải chịu thuế thu nhập cá nhân. Vì thế, nếu người học việc, tập việc được nhận tiền lương hoặc các nguồn thu nhập có tính chất tiền lương thì người học việc, tập việc phải đóng thuế thu nhập các nhân theo quy định của pháp luật.
Theo điểm i khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC, các tổ chức, cá nhân trả tiền công, tiền thù lao, tiền chi khác cho cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động (theo hướng dẫn tại điểm c, d, khoản 2, Điều 2 Thông tư này) hoặc ký hợp đồng lao động dưới ba (03) tháng có tổng mức trả thu nhập từ 02 triệu đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân.
Xem thêm: Mức lương bao nhiêu phải nộp thuế thu nhập cá nhân?
Trên đây là giải đáp hợp đồng học việc có phải đóng bảo hiểm không? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.