hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 01/01/2024
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Hợp đồng không xác định thời hạn: 4 thông tin cần nắm được

Có 02 loại hợp đồng là hợp đồng xác định thời hạn và hợp đồng không xác định thời hạn. Dưới đây là những thông tin cần nắm về hợp đồng không xác định thời hạn.

Mục lục bài viết
  • Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là gì?
  • 3 trường hợp phải ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn
  • Khi nào chấm dứt hợp đồng lao động không xác định thời hạn?
  • Lưu ý khi chấm dứt hợp đồng lao động không xác định thời hạn
Câu hỏi: Chào Luật sư! Khi ký kết hợp đồng lao động, người lao động cần lưu ý những gì khi chọn loại hợp đồng không xác định thời hạn? Mong nhận được sự tư vấn của Luật sư.

Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là gì?

Trước khi ký kết bất kỳ loại hợp đồng lao động nào thì người lao động cần phải nắm rõ khái niệm về hợp đồng lao động. Theo Điều 13 Bộ luật Lao động 2019, có thể hiểu hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động, trong đó nội dung thỏa thuận bao gồm:

- Thỏa thuận về công việc người lao động cần làm và chi phí thù lao, tiền lương cho công việc ấy;

- Thỏa thuận về sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động đối với người lao động để đảm bảo thực hiện công việc.

Như vậy, hợp đồng lao động không xác định thời hạn có thể được hiểu theo khái niệm nêu trên. Tuy nhiên, đối với loại hợp đồng này người lao động và người sử dụng lao động sẽ không thỏa thuận với nhau về thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.

Ví dụ: Ngày 26/12/2023, A ký kết hợp đồng lao động với Công ty Z. Trong hợp đồng lao động chỉ ghi ngày ký kết hợp đồng chứ không đề cập đến thời gian chấm dứt hợp đồng. Như vậy giữa A và Công ty Z đã ký kết loại hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

3 trường hợp phải ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn

Theo quy định tại Điều 14 và Điều 20 Bộ luật Lao động 2019 thì hợp đồng lao động không thời hạn sẽ được ký trong các trường hợp sau:

Trường hợp 1: Theo sự thỏa thuận giữa các bên

Người lao động và người sử dụng lao động được quyền lựa chọn loại hợp đồng lao động phù hợp với mục đích và nhu cầu của mỗi bên. Theo đó, các bên có thể ghi thời hạn làm việc trong hợp đồng lao động là không xác định thời hạn.

Trường hợp 2: Chuyển đổi hợp đồng có thời hạn thành hợp đồng không thời hạn

Nếu người lao động và người sử dụng lao động đã ký hợp đồng lao động có xác định thời hạn, nhưng sau khi hợp đồng hết hạn người lao động vẫn tiếp tục làm việc nhưng hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn mà hai bên không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

Ví dụ: Ngày 01/11/2022, A ký kết hợp đồng lao động với Công ty Z thời hạn 01 năm. Đến ngày 01/11/2023 là hết hạn hợp đồng. Nếu  A vẫn tiếp tục làm việc ở Công ty Z đến 01/12/2023 (30 ngày kể từ ngày hết hạn hợp đồng) mà không ký kết hợp đồng lao động mới thì mặc nhiên hợp đồng đã giao kết trước đây sẽ trở thành hợp đồng không xác định thời hạn.

Trường hợp 3: Đã ký liên tiếp 02 hợp đồng lao động có xác định thời hạn

Nếu giữ người lao động và người sử dụng lao động đã ký liên tiếp 2 hợp đồng lao động có xác định thời hạn, thì khi hợp đồng lao động ký lần 2 hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì hai bên phải ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

3 trường hợp ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn3 trường hợp ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn

Khi nào chấm dứt hợp đồng lao động không xác định thời hạn?

Căn cứ theo Điều 34 Bộ luật Lao động 2019 thì hợp đồng lao động không xác định thời hạn sẽ bị chấm dứt nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Người lao động đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động: Hợp đồng lao động sẽ chấm dứt nếu trong hợp đồng có thỏa thuận sau khi hoàn thành công việc thì kết thúc hợp đồng.

- Chấm dứt hợp đồng theo sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động.

- Người lao động không đủ điều kiện để thực hiện hợp đồng như bị kết án phạt tù nhưng không được hưởng án treo hoặc không thuộc trường hợp được trả tự do theo quy định tại khoản 5 Điều 328 của Bộ luật Tố tụng hình sự, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

- Người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam bị trục xuất theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Người lao động chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết.

- Người sử dụng lao động là cá nhân chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết. Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.

- Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải.

- Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 35 của Bộ luật Lao động 2019.

- Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 36 của Bộ luật Lao động 2019.

- Người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc theo quy định tại Điều 42 và Điều 43 của Bộ luật Lao động 2019.

- Giấy phép lao động hết hiệu lực đối với người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo quy định tại Điều 156 của Bộ luật Lao động 2019.

- Trường hợp thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động mà thử việc không đạt yêu cầu hoặc một bên hủy bỏ thỏa thuận thử việc.

Lưu ý khi chấm dứt hợp đồng lao động không xác định thời hạn

Lưu ý khi chấm dứt hợp đồng lao động không xác định thời hạn

Lưu ý khi chấm dứt hợp đồng lao động không xác định thời hạn

Khi chấm dứt hợp đồng lao động không xác định thời hạn, người lao động và người sử dụng lao động cần lưu ý:

- Thứ nhất, về thời hạn thông báo: Người lao động hoặc người sử dụng lao động nếu muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động cần phải đáp ứng về thời gian thông báo cho đối phương biết. Theo Khoản 1 Điều 35 và Khoản 2 Điều 36 Bộ luật Lao động 2019 thì với hợp đồng không xác định thời hạn phải thông báo ít nhất 45 ngày.

- Thứ hai, các trường hợp mà người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng:

+ Một là, người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền (Khoản 1 Điều 37 Bộ luật Lao động 2019).

+ Hai là, người lao động đang nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng và trường hợp nghỉ khác được người sử dụng lao động đồng ý (Khoản 2 Điều 37 Bộ luật Lao động 2019).

+ Ba là, Người lao động nữ mang thai; người lao động đang nghỉ thai sản hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi (Khoản 3 Điều 37 Bộ luật Lao động 2019).

Trên đây là nội dung tư vấn về hợp đồng không xác định thời hạn. Hy vọng qua bài viết này, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về những nội dung có liên quan. Nếu còn thắc mắc, xin vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X