Hợp đồng là thuật ngữ thường được sử dụng trong cuộc sống. Vậy hợp đồng là gì? Hiện nay phổ biến các loại hợp đồng nào? Cùng tìm hiểu các quy định liên quan đến hợp đồng tại bài viết dưới đây.
Hợp đồng là gì?
Theo quy định tại Bộ luật Dân sự, hợp đồng là một trong các hình thức giao dịch dân sự. Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên tham gia về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự.
Hợp đồng tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau, có thể là lời nói, văn bản hoặc hành vi cụ thể.
Hợp đồng là gì?
Các loại hợp đồng phổ biến hiện nay
Trên thực người ta thường sử dụng hợp đồng để ghi nhận sự thỏa thuận của các bên khi tham gia vào một quan hệ pháp luật.
Ví dụ:
Khi các bên thực hiện giao dịch mua bán thì họ sẽ lập hợp đồng mua bán để ghi nhận sự thỏa thuận về việc mua bán tài sản;
Khi tham gia vào quan hệ lao động các bên sẽ lập hợp đồng lao động;
Khi các bên thực hiện việc hợp tác kinh doanh thì sẽ lập hợp đồng hợp tác kinh doanh;...
Bộ luật Dân sự hiện nay ghi nhận nhiều loại hợp đồng phổ biến như hợp đồng mua bán, hợp đồng trao đổi, hợp đồng tặng cho, hợp đồng thuê tài sản, hợp đồng dịch vụ, hợp đồng hợp tác, các hợp đồng liên quan đến quyền sử dụng đất,…
Theo đó, hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng về việc bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán.
Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng về việc bên tặng cho giao tài sản và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho không yêu cầu đền bù và bên được tặng cho đồng ý nhận tài sản.
Hợp đồng trao đổi tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng về việc các bên sẽ giao tài sản và chuyển quyền sở hữu đối tài sản cho nhau.
Hợp đồng thuê tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng về việc bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê sử dụng trong một thời hạn và bên thuê có nghĩa vụ phải trả tiền thuê.
Hợp đồng hợp tác là sự thỏa thuận giữa các cá nhân, pháp nhân trong hợp đồng về việc các bên cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện những công việc nhất định. Các bên sẽ cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm.
Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng về việc bên cung ứng dịch vụ sẽ thực hiện công việc theo yêu cầu của bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ có nghĩa vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ.
Đối với các hợp đồng liên quan đến quyền sử dụng đất, tùy vào mục đích của các bên sẽ có nhiều loại hợp đồng khác nhau. Chẳng hạn như hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất,...
Điều kiện các loại hợp đồng có hiệu lực
Như đã trình bày ở trên, hợp đồng là giao dịch dân sự. Vì vậy, để hợp đồng có hiệu lực cần thỏa mãn các điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực.
Cụ thể Điều 117 Bộ luật Dân sự quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự như sau:
Chủ thể tham gia giao kết hợp đồng có năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự phù hợp;
Chủ thể tham gia giao kết hợp đồng một cách hoàn toàn tự nguyện;
Mục đích và nội dung của hợp đồng không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội;
Hình thức của hợp đồng phù hợp theo quy định pháp luật.
Đồng thời theo quy định tại Điều 407 Bộ luật Dân sự, hợp đồng sẽ vô hiệu khi rơi vào các trường hợp sau:
Hợp đồng vô hiệu do nội dung, mục đích của hợp đồng vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội;
Hợp đồng vô hiệu do giả tạo;
Hợp đồng vô hiệu do người xác lập, thực hiện hợp đồng là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;
Hợp đồng vô hiệu do các bên bị nhầm lẫn;
Hợp đồng vô hiệu do một bên tham gia bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép
Hợp đồng vô hiệu do người xác lập hợp đồng không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình;
Hợp đồng vô hiệu do đáp ứng quy định về hình thức.
Giải đáp liên quan đến hợp đồng
Dưới đây là giải đáp cho một số câu hỏi liên quan đến các loại hợp đồng thông dụng:
Hợp đồng thương mại là gì?
Có thể hiểu một cách đơn giản hợp đồng thương mại là thỏa thuận giữa các thương nhân với nhau hoặc giữa thương nhân với các bên có liên quan về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ giữa của bên trong hoạt động thương mại.
Hoạt động thương mại được nhắc đến ở đây bao gồm các hoạt động sau:
Mua bán hàng hóa;
Cung ứng dịch vụ;
Đầu tư, xúc tiến thương mại;
Các hoạt động khác nhằm mục đích sinh lợi.
Hợp đồng lao động là gì?
Theo quy định tại Điều 13 Bộ luật Lao động 2019, hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động về việc làm có trả tiền công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người lao động trong quan hệ lao động.
Nếu người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận hợp đồng bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả tiền công, tiền lương và một bên chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của bên còn thì được coi là hợp đồng lao động.
Hợp đồng lao động phải được lập thành văn bản và người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản còn lại, trừ trường hợp hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng thì các bên có thể giao kết hợp đồng bằng lời nói. Hợp đồng lao động có thể được giao kết thông qua phương tiện điện tử và hợp đồng này có giá trị tương đương hợp đồng lao động bằng văn bản.
Đồng thời Điều 20 Bộ luật Lao động quy định có 02 loại, gồm:
Hợp đồng lao động không xác định thời hạn: Hợp đồng lao động mà trong đó người sử dụng lao động và người lao động không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hợp đồng;
Hợp đồng lao động xác định thời hạn: Hợp đồng mà trong đó người sử dụng lao động và người lao động xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng. Hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hiệu lực trong thời gian không quá 36 tháng kể từ khi có hiệu lực của hợp đồng.