hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Bảy, 30/12/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Hợp đồng Repo là gì? Đặc điểm, rủi ro khi ký hợp đồng Repo

Hợp đồng Repo là thuật ngữ khá quen thuộc trên thị trường chứng khoán hiện nay. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người chưa hiểu rõ về loại hợp đồng này. Vậy Hợp đồng Repo là gì? Các đặc điểm và rủi ro cần lưu ý khi ký hợp đồng Repo là gì?

Mục lục bài viết
  • Hợp đồng Repo là gì?
  • Đặc điểm của hợp đồng Repo 
  • Các rủi ro khi ký hợp đồng Repo
Câu hỏi: Chào luật sư, gần đây tôi có tìm hiểu và mong muốn đầu tư chứng khoán nên đã nghiên cứu về lĩnh vực này. Trong đó tôi có nghe mọi người nhắc đến thuật ngữ hợp đồng Repo trong thị trường chứng khoán, nhưng tôi không hiểu nó là gì. Luật sư cho tôi hỏi hợp đồng Repo là gì? Đặc điểm và rủi ro khi ký kết hợp đồng Repo là gì?

Hợp đồng Repo là gì?

Theo đó, hợp đồng Repo là một thỏa thuận giữa các bên về hoạt động giao dịch/mua bán chứng khoán có kỳ hạn. Theo đó, nhà đầu tư có thể bán đi các loại chứng khoán (gồm cổ phiếu, trái phiếu…) của mình với cam kết cho người mua rằng sẽ mua lại chúng trong một khoảng thời gian nhất định trong tương lai với giá mua lại cao hơn giá bán ban đầu.

Hợp đồng Repo là gì?

Hợp đồng Repo là gì?

Dưới góc độ tài chính, hợp đồng repo chính là nghiệp vụ phái sinh từ các nghiệp vụ cho vay có bảo đảm và được sử dụng phổ biến trên thị trường tài chính của các quốc gia trên thế giới.

Trong hợp đồng Repo, cả giá bán và giá mua lại chứng khoán đều được ghi rõ trong hợp đồng. Thỏa thuận mua lại này thể hiện tính chất của một khoản vay có thế chấp, trong đó tài sản thế chấp là các công cụ tiền tệ, các chứng khoán bảo đảm bằng hợp đồng thế chấp, và có thể là các loại cổ phiếu.

Khoản chênh lệch giữa giá mua lại và giá bán chính là tiền lãi của khoản vay. Việc xác định giá mua lại căn cứ trên lãi suất hợp đồng Repo được thỏa thuận với người mua.

Trong hợp đồng Repo, thỏa thuận về kỳ hạn mua lại chứng khoán thường là các kỳ hạn ngắn, bao gồm thỏa thuận mua lại qua đêm (khoản vay trong một ngày); thỏa thuận mua lại có thời hạn (nếu thỏa thuận mua lại trong thời hạn lâu hơn một ngày).

Hợp đồng Repo có tên tiếng anh là Repurchase Agreement. 

Đặc điểm của hợp đồng Repo 

Đặc điểm của hợp đồng Repo

Đặc điểm của hợp đồng Repo

Hợp đồng Repo có các đặc điểm sau đây: 

Thứ nhất, trong hợp đồng Repo luôn có sự chuyển giao quyền sở hữu tài sản từ người bán sang người mua. 

- Cụ thể, trong thời hạn thực hiện hợp đồng, người mua chứng khoán là chủ sở hữu của tài sản, và người bán phải chuyển giao quyền sở hữu tài sản là chứng khoán của mình cho người mua.

- Vì đã được chuyển giao quyền sở hữu, nên trong thời hạn của hợp đồng bên mua phải gánh chịu rủi ro đồng thời hưởng các lợi ích phát sinh từ tài sản. Quyền này chỉ kết thúc khi hết thời hạn thực hiện hợp đồng và người bán mua lại chứng khoán từ người mua.

Thứ hai, các cổ phiếu/chứng khoán trong hợp đồng Repo được phép sử dụng để kinh doanh trong thời hạn thực hiện hợp đồng. Khác với hợp đồng cầm cố chứng khoán (người cho vay không được dùng chứng khoán cầm cố để kinh doanh) thì trong hợp đồng Repo, người mua được kinh doanh các chứng khoán đã mua trong thời gian thực hiện hợp đồng.

Thứ ba, quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng Repo không giống với quyền, nghĩa vụ của các bên trong một hợp đồng mua bán thông thường. 

- Cụ thể, đối với hợp đồng mua bán thông thường, sau khi chuyển quyền sở hữu đối với tài sản đã bán, người bán không còn được hưởng lợi ích phát sinh từ tài sản.

- Tuy nhiên, trong hợp đồng Repo, mặc dù đã chuyển quyền sở hữu chứng khoán cho người mua nhưng người bán vẫn còn sở hữu một số quyền lợi phát sinh (quyền dự họp đại hội đồng cổ đông, quyền bỏ phiếu biểu quyết,...).

Các rủi ro khi ký hợp đồng Repo

Thông thường, hoạt động repo sẽ mang lại lợi ích cho các bên nếu thị trường có tính thanh khoản cao. Tuy nhiên, hợp đồng Repo cũng mang lại một số rủi ro mà bạn đọc cần lưu ý khi ký kết, cụ thể như sau:

- Giá cổ phiếu bị tăng ảo: việc các nhà đầu tư sử dụng nguồn vốn vay được từ hợp đồng Repo chứng khoán để rồi lại tiếp tục mua cổ phiếu khiến giá thị trường cổ phiếu bị đẩy lên, dẫn đến việc tăng giá cổ phiếu ảo chứ không phải giá cổ phiếu tăng do sự tăng trưởng thực sự của doanh nghiệp.

- Mất khả năng mua lại cổ phiếu trong hợp đồng Repo: Trong nhiều trường hợp, người bán gặp khó khăn về tài chính, dẫn đến hiệu quả kinh doanh giảm sút, do đó mất khả năng có tiền để mua lại cổ phiếu của mình sẽ khó thực hiện được, dẫn đến ảnh hưởng đến đối tác (người mua) chứng khoán trong hợp đồng Repo.

- Khó đảm bảo được tình trạng sức khỏe tài chính của nhà đầu tư: rủi ro của hợp đồng Repo sẽ gắn liền và phụ thuộc vào khả năng tài chính của nhà đầu tư/doanh nghiệp, khả năng quản lý của nhà nước và tình hình kinh tế thế giới.

Giả sử có khủng hoảng kinh tế ở thế giới, thì có thể gây ra rủi ro cho nhà đầu tư nếu các công ty rơi vào tình trạng thua lỗ khiến giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp giảm mạnh,  và không tất toán được nhiều hợp đồng Repo cho khách hàng.

- Rủi ro về tài chính đối với người bán và người mua trong hợp đồng Repo: Giả sử hợp đồng Repo có giá trị 2 tỷ đồng và cam kết mua lại số cổ phiếu này với mức giá cao hơn 2 tỷ đồng. Nếu không thể mua lại được với số tiền cao hơn 2 tỷ đồng thì người mua đương nhiên hưởng toàn bộ số cổ phiếu đó.

+ Nếu trường hợp giá trị của cổ phiếu bị giảm sau khi ký hợp đồng Repo, dẫn đến giá trị của cổ phiếu thấp hơn nhiều so với mức 2 tỷ đồng mà người mua đã mua. Điều này gây ra rủi ro mất tiền, đầu tư thua lỗ cho người mua nếu người bán không thể mua lại cổ phiếu.

+ Nếu giá trị thị trường của cổ phiếu tăng lên, người bán sẽ gặp rủi ro trong việc mua lại cổ phiếu với giá trị cao hơn nhiều và mức lãi suất cao hơn so với khoản vay đã vay ban đầu (do bán cổ phiếu làm tài sản bảo đảm). Khi đó, rủi ro tài chính sẽ thuộc về người bán.

Trên đây là thông tin về hợp đồng Repo gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc cần giải đáp, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại hotline  19006199 để được hỗ trợ.
Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X