hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 20/10/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Hướng dẫn cách tính trợ cấp tinh giản biên chế

Trợ cấp tinh giản biên chế được tính như thế nào là một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm.Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn cách tính trợ cấp tinh giản biên chế.

 
Mục lục bài viết
  • Cách tính trợ cấp tinh giản biên chế
  • Xác định tiền lương tính trợ cấp tinh giản biên chế
  • Xác định thời gian tính trợ cấp tinh giản biên chế
Câu hỏi: Bố tôi năm nay 57 tuổi, là công chức đang công tác tại một cơ quan nhà nước trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện bố tôi có tên trong danh sách tinh giản biên chế nghỉ hưu trước tuổi. Luật sự cho tôi hỏi làm thế nào để tính trợ cấp tinh giản biên chế? Xin cảm ơn Luật sư.

Cách tính trợ cấp tinh giản biên chế

Để tính trợ cấp tinh giản biên chế, cần phải xác định các yếu tố dưới đây:

- Tiền lương tính trợ cấp tinh giản biên chế: bao gồm tiền lương hiện hưởng và tiền lương bình quân

- Thời gian, thời điểm dùng để tính trợ cấp tinh giản biên chế

Cách tính trợ cấp tinh giản biên chế

Cách tính trợ cấp tinh giản biên chế

Tuỳ vào từng đối tượng tinh giản biên chế, mà mức trợ cấp tinh giản biên chế được quy định và có cách tính khác nhau. Cụ thể như sau:

- Đối với người nghỉ hưu trước tuổi: Theo Điều 5 Nghị định 29/2023/NĐ-CP, người nghỉ hưu trước tuổi được hưởng các khoản trợ cấp tinh giản biên chế như sau:

+ Trợ cấp 03 tháng lương bình quân đối với mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi

+ Trợ cấp 05 tháng lương bình quân trong 20 năm đầu công tác (nếu đóng đủ bảo hiểm xã hội). Sau 21 năm làm việc, được trợ cấp 50% tháng lương/năm nếu có đóng bảo hiểm xã hội.

- Đối với nữ cán bộ, công chức cấp xã nghỉ hưu trước tuổi mà có đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được:

+ Trợ cấp 03 tháng lương bình quân đối với mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi

+ Trợ cấp 05 tháng tiền lương bình quân.

- Đối với người chuyển sang làm việc tại nơi khác và không nhận lương từ ngân sách nhà nước. Theo Điều 6 Nghị định 29/2023/NĐ-CP, bao gồm:

+ Được trợ cấp 03 tháng tiền lương hiện hưởng

+ Nhận trợ cấp 50% tháng lương bình quân/năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

- Đối với người thôi việc, theo Điều 7 Nghị định 29/2023/NĐ-CP, bao gồm các khoản trợ cấp như sau:

+ Trường hợp thôi việc ngay: Nhận trợ cấp 03 tháng tiền lương hiện hưởng và 1,5 tháng lương bình quân/năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

+ Trường hợp thôi việc sau khi học nghề: Được hưởng nguyên tiền lương hiện hưởng và được đóng các khoản bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp,... trong thời gian học nghề (tối đa 06 tháng); được trợ cấp 03 tháng tiền lương tại thời điểm đi học nghề và 50% tháng lương bình quân/năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội.

Xác định tiền lương tính trợ cấp tinh giản biên chế

Theo Khoản 1 và Khoản 2 Điều 10 Nghị định 29/2023/NĐ-CP, tiền lương dùng để tính trợ cấp tinh giản biên chế được xác định như sau:

Xác định tiền lương tính trợ cấp tinh giản biên chế

Xác định tiền lương tính trợ cấp tinh giản biên chế

- Tiền lương hiện hưởng: được xác định dựa trên mức lương tháng liền kề trước khi tinh giản biên chế. Theo đó, tiền lương này bao gồm:

+ Mức lương theo ngạch, bậc, chức vụ, chức danh, chức danh nghề nghiệp/theo thỏa thuận hợp đồng lao động/theo mức lương của người quản lý công ty.

+ Các khoản trợ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề, tiền lương và mức chênh lệch bảo lưu (nếu có).

- Tiền lương bình quân: là lương tháng trung bình của 05 năm cuối trước khi tinh giản biên chế. Nếu thời gian công tác chưa đủ 05 năm nhưng có đóng bảo hiểm xã hội thì tiền lương bình quân được tính bằng bình quân tiền lương trong toàn bộ thời gian làm việc.

Cần lưu ý rằng, nguồn kinh phí để trợ cấp tinh giản biên chế có thể lấy từ nhiều nguồn khác nhau, tùy vào từng đối tượng cụ thể. Theo Điều 11 Nghị định 29/2023/NĐ-CP, tiền trợ cấp tinh giản biên chế được lấy từ các nguồn kinh phí sau:

- Ngân sách nhà nước;

- Nguồn thu hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập;

- Kinh phí thường xuyên của đơn vị sự nghiệp công lập;

- Kinh phí thường xuyên từ các Hội quần chúng do Đảng, Nhà nước thành lập, giao nhiệm vụ công tác;

- Kinh phí thường xuyên của Quỹ Tài chính nằm ngoài ngân sách nhà nước.

Xác định thời gian tính trợ cấp tinh giản biên chế

Thời gian để tính trợ cấp tinh giản biên chế được quy định tại Khoản 4 và Khoản 5 Điều 10 Nghị định 29/2023/NĐ-CP, cụ thể như sau:

- Thời gian tính trợ cấp là tổng thời gian làm việc, công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng chưa được nhận trợ cấp thôi việc/bảo hiểm xã hội một lần/chế độ phục viên, xuất ngũ.

- Nếu tổng thời gian có lẻ tháng thì được làm tròn như sau:

+ Lẻ từ 01 - 06 tháng: tính là nửa năm và hưởng trợ cấp bằng mức trợ cấp của 1/2 năm

+ Lẻ từ 06 - dưới 12 tháng: tính tròn 01 năm.

- Thời điểm để tính tuổi đời hưởng chính sách tinh giản biên chế là ngày 01 tháng sau liền kề tháng sinh của người thuộc diện tinh giản biên chế. Nếu không xác định được ngày và tháng sinh thì chọn mốc ngày 01/01 năm sinh của họ.

Trên đây là thông tin về hướng dẫn cách tính trợ cấp tinh giản biên chế. Nếu có thắc mắc pháp lý liên quan cần giải đáp, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài theo hotline https://docs.google.com/document/d/1LV1U7YNlgDZ7G704VLcNSmUnXdwALnsG8zTQqMNqLWM/edit để được chúng tôi hỗ trợ nhanh chóng nhất.

Nguyễn Văn Tuấn

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Tuấn

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X