hieuluat
Chia sẻ email

Kết hôn dưới 18 tuổi được không?

Trường hợp nam nữ cưới nhau khi chưa đủ tuổi thường xảy ra ở các khu vực nông thôn, miền núi. Hiện nay, việc này dẫn đến nhiều hệ lụy.

Câu hỏi: Xin chào các anh chị. Bạn gái em năm nay mới 17 tuổi hơn chút, chưa đủ 18 tuổi nhưng vừa sinh con. Nay em ra xã đăng ký kết hôn để làm cơ sở khai sinh cho con nhưng xã trả lời là không được. Xã trả lời em như thế có đúng không? Nếu giả sử không thể kết hôn được, con em khai sinh cách nào? Khai sinh muộn có được không?

Kết hôn dưới 18 tuổi được không?

Chào bạn. Trường hợp của bạn là vợ bạn chưa đủ 18 tuổi và bạn tạm coi là đã trên 20 tuổi nên chưa đủ điều kiện đăng ký kết hôn 9(đủ được xác định từ ngày sinh)

Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định, nam, nữ kết hôn với nhau phải đáp ứng điều kiện về độ tuổi như sau: Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên.

Ngoài ra, Luật này cũng định nghĩa, việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên được coi là tảo hôn. Trong đó, tảo hôn bị nghiêm cấm, quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

Như vậy, nếu bạn gái bạn chưa đủ 18 tuổi thì sẽ không đủ điều kiện đăng ký kết hôn và xã trả lời bạn như thế là chính xác.

Nếu cố tình vi phạm, chẳng hạn không đăng ký kết hôn được nhưng vẫn làm đám cưới, Điều 58 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền đối với hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn như sau:

- Phạt tiền từ 01 - 03 triệu đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.

- Phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng đối với hành vi duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án.

ket hon duoi 18 tuoi

Chưa kết hôn, khai sinh cho con thế nào?

Khoản 1 Điều 30 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, mỗi cá nhân từ khi sinh ra đều có quyền được khai sinh.

Điều 13 Luật Trẻ em 2016 cũng khẳng định, trẻ em có quyền được khai sinh, khai tử, có họ, tên, quốc tịch và được xác định cha, mẹ, dân tộc, giới tính theo quy định của pháp luật.

Như vậy, khai sinh là quyền lợi chính đáng của trẻ em. Vì thế, dù người mẹ chưa đủ 18 tuổi để đăng ký kết hôn, trẻ cũng có quyền được đăng ký khai sinh.

Lúc này, việc đăng ký khai sinh cho con bạn có thể thực hiện bằng một trong những cách sau đây:

- Khai sinh muộn: Bạn có thể đợi bạn gái đủ 18 tuổi và đăng ký kết hôn, sau đó mới khai sinh cho con thì con bạn vẫn có đủ tên cha và mẹ trong giấy khai sinh. Hiện nay, Điều 15 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định, cha, mẹ, ông, bà hoặc người thân thích có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con. Theo quy định này thì nếu quá thời hạn 60 ngày mà những người có trách nhiệm khai sinh không thực hiện việc đăng ký khai sinh cho con thì bị coi là đăng ký khai sinh quá hạn.

Dù trước đây, Chính phủ quy định khai sinh muộn sẽ bị xử phạt cảnh cáo nhưng nay, theo Nghị định số 82/2020/NĐ-CP, khi thực hiện đăng ký khai sinh quá hạn, người đăng ký không bị xử phạt theo bất kỳ hình thức nào (tuy nhiên, phải nộp lệ phí khai sinh quá hạn theo quy định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh).

- Đăng ký khai sinh ngay nhưng bỏ trống tên cha hoặc làm đồng thời thủ tục nhận cha mẹ con.

Giấy khai sinh của trẻ em được sinh ra khi bố mẹ chưa kết hôn sẽ bỏ trống tên cha và xác định họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ.

Tuy nhiên, nếu muốn điền tên bố vào giấy khai sinh thì cần làm thủ tục nhận cha con.

Để làm thủ tục này, bạn cần có chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con, có thể là văn bản được cấp bởi cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con (xác định ADN) hoặc các bên phải lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con và có ít nhất 02 người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con (trường hợp này khó được chấp nhận).
Thủ tục được thực hiện tại Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người mẹ hoặc người cha.

Xem thêm: Làm giấy khai sinh cho con khi chưa đăng ký kết hôn thế nào?

Trên đây là giải đáp kết hôn dưới 18 tuổi được không? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm

X