hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 14/09/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Kết hôn khác quốc tịch cần chuẩn bị những giấy tờ nào?

Việc kết hôn khác quốc tịch, kết hôn với người nước ngoài ngày càng trở nên phổ biến. Liên quan đến vấn đề này có nhiều vướng mắc về điều kiện, hồ sơ thủ tục kết hôn.

Mục lục bài viết
  • Kết hôn khác quốc tịch phải đáp ứng điều kiện gì?
  • Hồ sơ đăng ký kết hôn khác quốc tịch gồm những gì?
  • Kết hôn với người nước ngoài, còn được giữ quốc tịch Việt Nam?
Câu hỏi: Con gái tôi đi du học và làm việc tại Đức, hiện cháu đang quen với một người nước ngoài, có quốc tịch Đức, cũng đang có ý định tiến tới hôn nhân vào cuối năm nay. Cho tôi hỏi, việc kết hôn khác quốc tịch cần đáp ứng những điều kiện nào? Hồ sơ chuẩn bị ra sao? Nếu con gái tôi kết hôn với chồng có quốc tịch Đức thì cháu có bị thôi quốc tịch Việt Nam không? Xin giải đáp giúp tôi!

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cho chúng tôi. Về vấn đề của bạn, HieuLuat xin được thông tin như sau:

Kết hôn khác quốc tịch phải đáp ứng điều kiện gì?

Về điều kiện kết hôn khác quốc tịch, căn cứ theo quy định tại Điều 126 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:

1. Trong việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, mỗi bên phải tuân theo pháp luật của nước mình về điều kiện kết hôn; nếu việc kết hôn được tiến hành tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam thì người nước ngoài còn phải tuân theo các quy định của Luật này về điều kiện kết hôn.

2. Việc kết hôn giữa những người nước ngoài thường trú ở Việt Nam tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam phải tuân theo các quy định của Luật này về điều kiện kết hôn.

Như vậy, khi đăng ký kết hôn khác quốc tịch giữa người nước ngoài và người Việt Nam, mỗi bên phải đáp ứng điều kiện kết hôn của mỗi nước. Bên cạnh đó, nếu kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam thì người nước ngoài phải đáp ứng điều kiện kết hôn quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

Cụ thể, nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện dưới đây:

- Nam có độ tuổi từ đủ 20 trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên

- Việc kết hôn do cả nam lẫn nữ tự nguyện quyết định

- Cả hai đều không bị mất năng lực hành vi dân sự

- Việc kết hôn không thuộc 01 trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định.

Ngoài ra, nhà nước Việt Nam không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.

ket hon khac quoc tich

Hồ sơ đăng ký kết hôn khác quốc tịch gồm những gì?

Căn cứ theo Điều 30 Nghị định 123/2015/NĐ-CP thì hồ sơ đăng kí kết hôn với người nước ngoài ở Việt Nam gồm các giấy tờ:

- Tờ khai đăng ký kết hôn

- Giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền (của Việt Nam hoặc nước ngoài) xác nhận người đăng ký kết hôn không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình;

Người nước ngoài phải chuẩn bị thêm:

+ Giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp còn giá trị sử dụng xác nhận hiện tại người đó không có vợ/chồng.

Nếu nước ngoài không cấp xác nhận tình trạng hôn nhân, có thể thay bằng giấy tờ cơ quan có thẩm quyền nước ngoài xác nhận người đó có đủ điều kiện kết hôn theo pháp luật nước.

Nếu giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân này không ghi thời hạn sử dụng thì giấy tờ này và giấy xác nhận y tế chỉ có giá trị 6 tháng kể từ ngày cấp

+ Bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị tương đương (giấy tờ đi lại quốc tế hoặc thẻ cư trú)

Ngoài các giấy tờ nêu trên, nếu bên kết hôn là công dân Việt Nam đã ly hôn hoặc hủy việc kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thì còn phải nộp bản sao trích lục hộ tịch về việc đã ghi vào sổ việc ly hôn hoặc hủy việc kết hôn.

Nếu là công chức, viên chức hoặc đang phục vụ trong lực lượng vũ trang thì phải nộp văn bản của cơ quan, đơn vị quản lý xác nhận việc người đó kết hôn với người nước ngoài không trái với quy định của ngành đó.

>> Xem thêm: Thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại Việt Nam 2022

Kết hôn với người nước ngoài, còn được giữ quốc tịch Việt Nam?

Điều 9 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 quy định về giữ quốc tịch khi kết hôn:

Việc kết hôn, ly hôn và hủy việc kết hôn trái pháp luật giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài không làm thay đổi quốc tịch Việt Nam của đương sự và con chưa thành niên của họ (nếu có).

Điều 27 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 quy định về căn cứ thôi quốc tịch Việt Nam thì công dân Việt Nam có đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài thì có thể được thôi quốc tịch Việt Nam.

Nếu thuộc 01 trong các trường hợp dưới đây thì người xin thôi quốc tịch Việt Nam chưa được thôi quốc tịch Việt Nam:

- Đang nợ thuế đối với Nhà nước hoặc đang có nghĩa vụ tài sản đối với cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân ở Việt Nam

- Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự

- Đang chấp hành bản án, quyết định của Toà án Việt Nam

- Đang bị tạm giam để chờ thi hành án

- Đang chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, trường giáo dưỡng.

Ngoài ra, người xin thôi quốc tịch Việt Nam không được thôi quốc tịch Việt Nam, nếu việc đó làm phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam. Cán bộ, công chức và những người đang phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam không được thôi quốc tịch Việt Nam.

Như vậy, việc kết hôn khác quốc tịch giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài không làm thay đổi quốc tịch của người đó. Việc thôi quốc tịch chỉ xảy ra khi có đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài.

Như vậy, con gái bạn khi kết hôn với chồng có quốc tịch Đức thì quốc tịch của con gái bạn vẫn là Việt Nam và không bị buộc thôi quốc tịch Việt Nam.

HieuLuat vừa thông tin về vấn đề kết hôn khác quốc tịch,  nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X