Kết hôn với người nước ngoài cần chuẩn bị nhiều giấy tờ, thủ tục cũng phức tạp hơn so với kết hôn trong nước. Thẩm quyền đăng ký kết hôn cũng có điểm khác.
Kết hôn với người nước ngoài đăng ký ở đâu?
Theo quy định tại Điều 37 Luật Hộ tịch năm 2014, việc đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; Đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; Đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau; Đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc với người nước ngoài thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Như vậy, nếu bạn trai bạn là người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam, bạn phải đến Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam để làm thủ tục đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, nếu là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có yêu cầu đăng ký kết hôn thì Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của một trong hai bên thực hiện đăng ký kết hôn.
Về nơi cư trú, Luật Cư trú 2020 quy định, đây là nơi người đó thường xuyên sinh sống, bao gồm nơi thường trú hoặc nơi tạm trú.
Kết hôn với người nước ngoài cần chuẩn bị những giấy tờ gì?
Căn cứ Quyết định 1872/QĐ-BTP ngày 04/9/2020, khi kết hôn với người nước ngoài, cần chuẩn bị những giấy tờ sau để nộp cho cán bộ tư pháp hộ tịch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện:
- Tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu, và hai bên nam, nữ có thể khai chung vào một Tờ khai đăng ký kết hôn;- Giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền xác nhận các bên kết hôn không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình;
- Giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của người nước ngoài.
Đối với giấy này, yêu cầu là do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp còn giá trị sử dụng, xác nhận hiện tại người đó không có vợ hoặc không có chồng (còn hạn sử dụng theo quy định của quốc gia cấp giấy, nếu không ghi thời hạn sử dụng thì giấy tờ này và giấy xác nhận của tổ chức y tế có giá trị trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày cấp);Nếu không xin được giấy xác nhận tình trạng hôn nhân thì thay bằng giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài xác nhận người đó có đủ điều kiện kết hôn theo pháp luật nước đó.
Lưu ý 1: Các giấy tờ trên phải được hợp pháp hóa lãnh sự và được dịch ra tiếng Việt có công chứng bản dịch hoặc chứng thực chữ ký người dịch theo quy định của pháp luậtLưu ý 2: Công dân Việt Nam) đã ly hôn hoặc hủy việc kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài phải nộp bản sao trích lục hộ tịch về việc đã ghi vào sổ việc ly hôn hoặc hủy việc kết hôn trái pháp luật .
- Người nước ngoài phải nộp bản sao hộ chiếu.
- Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của công dân Việt Nam cư trú trong nước.
- Nếu bạn (công dân Việt Nam) là công chức, viên chức hoặc đang phục vụ trong lực lượng vũ trang phải nộp văn bản của cơ quan quản lý xác nhận bạn được phép kết hôn với người nước ngoài;
- Nếu người yêu cầu đăng ký kết hôn đang công tác, học tập, lao động có thời hạn ở nước ngoài thì phải nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài cấp.
Đồng thời, khi thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn, cần xuất trình những giấy tờ sau:- Hộ chiếu/Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân của công dân Việt Nam.
- Người nước ngoài xuất trình bản chính hộ chiếu; nếu không có hộ chiếu để xuất trình thì có thể xuất trình giấy tờ đi lại quốc tế hoặc thẻ cư trú.
- Giấy tờ chứng minh nơi cư trú để xác định thẩm quyền đăng ký kết hôn (sổ hộ khẩu hoặc giấy xác nhận thông tin cư trú/thẻ thường trú, thẻ tạm trú).
Thủ tục kết hôn với người nước ngoài thực hiện như thế nào?
Đầu tiên, bạn cần chuẩn bị hồ sơ theo yêu cầu bên trên, sau đó trực tiếp nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú.
Toàn bộ hồ sơ này sẽ được cán bộ tư pháp hộ tịch kiểm tra, đối chiếu thông tin trong Tờ khai và tính hợp lệ của giấy tờ trong hồ sơ do người yêu cầu nộp, xuất trình.
Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, người này sẽ viết giấy tiếp nhận, trong đó ghi rõ ngày, giờ trả kết quả;
Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hoàn thiện thì hướng dẫn ngay để người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn thiện theo quy định.
Sau khi nộp đầy đủ hồ sơ, bạn cần đợi Phòng Tư nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ đăng ký kết hôn và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Nếu thẩm tra được thông qua, Chủ tịch Ủy ban nhân dân sẽ ký 02 bản chính Giấy chứng nhận kết hôn và Phòng Tư pháp sẽ liên hệ với bạn đến để trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ.Ngày đến nhận Giấy chứng nhận kết hôn, cả hai bên nam, nữ phải có mặt tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp huyện. Khi được công chức làm công tác hộ tịch hỏi ý kiến về việc có tự nguyện kết hôn hay không thì bạn cần trả lời là có để được ghi việc kết hôn vào Sổ đăng ký kết hôn.
Bạn nhớ kiểm tra thật kĩ nội dung trong Giấy chứng nhận kết hôn và Sổ đăng ký kết hôn, nếu thấy nội dung đúng, phù hợp với hồ sơ đăng ký kết hôn thì bạn tiến hành ký tên vào Sổ và vào Giấy chứng nhận kết hôn.Trường hợp một hoặc hai bên nam, nữ không thể có mặt để nhận Giấy chứng nhận kết hôn thì phải làm văn bản đề nghị gia hạn bằng văn bản. Thời gian gia hạn là không quá 60 ngày, kể từ ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ký Giấy chứng nhận kết hôn.
Nếu hết 60 ngày mà hai bên nam, nữ không đến nhận Giấy chứng nhận kết hôn thì Giấy chứng nhận kết hôn này bị hủy, thủ tục đăng ký kết hôn thực hiện lại từ đầu.
Trên đây là giải đáp kết hôn với người nước ngoài đăng ký ở đâu? Thủ tục thế nào? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.
>> Điều kiện kết hôn với người nước ngoài đang ở Việt Nam thế nào?