hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 27/06/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Cho mượn nhà, địa điểm do mình quản lý để chứa chấp việc đánh bạc có bị xử lý hình sự không?

Đánh bạc, tổ chức đánh bạc là những hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý hình sự. Trong trường hợp nào thì người chứa chấp người đánh bạc bị xử lý hình sự, trường hợp nào chỉ bị xử phạt hành chính?

 

Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi có câu hỏi về hình sự mong được giải đáp như sau: Tôi là quản lý của một nhà nghỉ. Mấy hôm trước có 04 khách tới nhà nghỉ do tôi quản lý thuê phòng. Họ đóng chốt cửa để đánh bạc. Tuy nhiên, hành vi đánh bạc trái phép này bị công an bắt quả tang. Cả 04 người họ đều bị khởi tố với tội danh đánh bạc.

Tôi muốn biết, là người quản lý nhà nghỉ mà có khách thuê phòng đánh bạc bị công an bắt quả tang như vậy thì tôi phải chịu trách nhiệm không? Cụ thể như thế nào? Chân thành cảm ơn các Luật sư.

Chào bạn, liên quan đến vấn đề người quản lý nhà nghỉ phải chịu trách nhiệm pháp lý thế nào khi để khách thuê đánh bạc trái phép trong phòng mà bạn đang vướng mắc, chúng tôi giải đáp cho bạn như sau:

Chứa chấp người đánh bạc trong nhà nghỉ có bị khởi tố hình sự không?

Trước hết hành vi chứa chấp người khác, sử dụng địa điểm do mình quản lý/sử hữu để đánh bạc có thể vi phạm pháp luật hình sự về tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc theo Điều 322 Bộ luật Hình sự 2015, Bộ luật Hình sự sửa đổi 2017.

Trong đó, tổ chức đánh bạc có thể được hiểu là việc người nào đó lên kế hoạch, chuẩn bị phương tiện, công cụ, lắp đặt trang thiết bị cho việc đánh bạc, chủ động cho người canh gác, rủ rê, lôi kéo người khác tham gia đánh bạc tại địa điểm, phòng, nhà…do mình chuẩn bị để hành vi đánh bạc trái phép được diễn ra.

Còn gá bạc thì được hiểu là người nào đó cho mượn nhà, mượn phòng, địa điểm…để cho người khác (con bạc) thực hiện hành vi đánh bạc trái phép và trục lợi từ việc đầu tư địa điểm đó (ví dụ như thu tiền, thu lợi ích vật chất khác…). Đây là hành vi giúp sức cho các con bạc đánh bạc trái phép.

Cụ thể, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về tội danh tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc như sau:

Điều 322. Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc

1. Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Tổ chức cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc tổ chức 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên;

b) Sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu hoặc quản lý của mình để cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc cho 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên;

c) Tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trong cùng 01 lần trị giá 20.000.000 đồng trở lên;

d) Có tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc; có lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc hoặc phân công người canh gác, người phục vụ khi đánh bạc; sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện để trợ giúp cho việc đánh bạc;

đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc hành vi quy định tại Điều 321 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 321 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tính chất chuyên nghiệp;

b) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên;

c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để phạm tội;

d) Tái phạm nguy hiểm.

Do thông tin mà bạn cung cấp cho chúng tôi vẫn còn thiếu, nên chúng tôi chỉ có thể đưa ra một số tình huống có thể phát sinh trên thực tế và quy định của pháp luật hình sự về tình huống đó như sau:

Tình huống 1: Bạn hoàn toàn không biết gì về việc 04 người này thuê phòng trọ của bạn để đánh bạc trái phép và cũng không tham gia vào bất kỳ bước nào của việc đánh bạc

Nếu bạn thuộc trường hợp này thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự do không có cấu thành phạm tội thỏa mãn tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc

Tình huống 2: Nếu bạn có một trong các hành vi sau đây thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc

Trong trường hợp hành vi thuộc trường hợp tại khoản 1 Điều 322 Bộ luật Hình sự 2015, Bộ luật Hình sự sửa đổi 2017 về tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc (khung cơ bản):

- Hành vi tổ chức đánh bạc (chuẩn bị phòng do mình quản lý), tiến hành rủ rê, lôi kéo, lên kế hoạch, sắp xếp thời gian…hoặc gá bạc (chuẩn bị địa điểm, phòng,...) để cho con bạn thực hiện hành vi đánh bạc trái phép và trục lợi từ việc các con bạc đánh bạc đó mà tổng số tiền đánh bạc của các con bạc từ 20 triệu đồng trở lên;

- Hành vi tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc, có lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc tại phòng do bạn quản lý hoặc phân công người canh gác, người phục vụ khi đánh bạc, thực hiện sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, chuẩn bị và sử dụng phương tiện để trợ giúp cho việc đánh bạc trái phép của các con bạc;

- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều 322 hoặc hành vi quy định tại Điều 321 (về tội đánh bạc) Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 hoặc đã bị kết án về tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc hoặc tội đánh bạc, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

Trong trường hợp tăng năng trách nhiệm hình sự thì các hành vi của người phạm tội như:

- Có tính chất trục lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên;

- Có hành vi sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để thực hiện hành vi tổ chức đánh bạc, gá bạc;

- Hoặc có hành vi tái phạm nguy hiểm, có tính chất chuyên nghiệp.

Xem thêm: Tái phạm nguy hiểm là gì?

Nếu bạn có các hành vi như đã nêu trên thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc với hình phạt được áp dụng:

- Phạt tiền: Mức phạt từ 50 triệu đồng tới 300 triệu đồng hoặc tù có thời hạn: Từ 01 năm tới 05 năm (áp dụng đối với khung cơ bản).

- Tù có thời hạn từ 05 năm tới 10 năm đối với khung tăng nặng.

=> Đây là những hành vi đã cấu thành tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc theo quy định của pháp luật hình sự hiện hành. Do không đủ thông tin để kết luận về tính huống của bạn nên dựa trên những phân tích của chúng tôi ở trên, bạn tự đối chiếu với trường hợp của mình để có đáp án phù hợp.

Kết luận: Nếu việc bạn cho 04 người khách thuê phòng mà hoàn toàn không biết, không liên quan, không tham gia, giúp sức trong việc họ đánh bạc trái phép thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc.

Ngược lại, nếu bạn có một trong những hành vi như có tổ chức cầm cố tài sản cho các con bạc, chủ động tạo điều kiện về địa điểm, công cụ, trang thiết bị, phương tiện…để phục vụ cho việc đánh bạc trái phép thì đã vi phạm pháp luật hình sự và có thể bị khởi tố về tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc.

khach thue phong danh bac quan ly nha nghi co bi xu phat khong

Cho thuê phòng để chứa chấp việc đánh bạc bị phạt bao nhiêu tiền?

Theo thông tin bạn cung cấp, hành vi chứa chấp người khác để thực hiện đánh bạc trái phép của bạn bị xử lý hành chính theo quy định tại khoản 3 hoặc khoản 4 Điều 28 Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:

Điều 28. Hành vi đánh bạc trái phép

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Nhận gửi tiền, cầm đồ, cho vay trái phép tại sòng bạc, nơi đánh bạc khác;

b) Bán số lô, số đề, bảng đề, ấn phẩm khác cho việc đánh lô, đề, giao lại cho người khác để hưởng hoa hồng;

c) Giúp sức, che giấu việc đánh bạc trái phép;

d) Bảo vệ các điểm đánh bạc trái phép;

đ) Chủ sở hữu, người quản lý máy trò chơi điện tử, chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh trò chơi điện tử hoặc các cơ sở kinh doanh, dịch vụ khác thiếu trách nhiệm để xảy ra hoạt động đánh bạc ở cơ sở do mình quản lý.

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi tổ chức đánh bạc sau đây:

a) Rủ rê, lôi kéo, tụ tập người khác để đánh bạc trái phép;

b) Dùng nhà, chỗ ở, phương tiện, địa điểm khác của mình hoặc do mình quản lý để chứa chấp việc đánh bạc;

c) Đặt máy đánh bạc, trò chơi điện tử trái phép;

d) Tổ chức hoạt động cá cược ăn tiền trái phép.

Việc xử lý hành chính được áp dụng khi không đủ căn cứ, điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc nhưng đã có hành vi vi phạm pháp luật theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

- Mức phạt có thể từ 02 triệu đến 05 triệu, áp dụng đối với hành vi giúp sức, che giấu việc đánh bạc trái phép hoặc người quản lý cơ sở kinh doanh thiếu trách nhiệm để xảy ra hoặc động đánh bạc tại cơ sở do mình quản lý (mặc dù bạn không liên quan đến việc đánh bạc trái phép của khách thuê nhưng là người quản lý, bạn đã thiếu trách nhiệm để hành vi vi phạm pháp luật này diễn ra);

- Mức phạt từ 05 triệu đến 10 triệu, áp dụng đối với hành vi rủ rê, lôi kéo, tụ tập người khác để đánh bạc trái phép hoặc dùng địa điểm do mình quản lý để chứa chấp việc đánh bạc trái phép.

Kết luận: Trong trường hợp bạn không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc thì hành vi chứa chấp người khác để họ thực hiện hành vi đánh bạc trái phép bị xử phạt vi phạm hành chính về tội đánh bạc trái phép theo quy định tại khoản 3 hoặc khoản 4 Điều 28 Nghị định 144/2021/NĐ-CP với mức phạt cao nhất là 10 triệu đồng.

Trên đây là giải đáp thắc mắc về khách thuê phòng đánh bạc quản lý nhà nghỉ có bị xử phạt không? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.

>> Biết người khác buôn ma túy, đánh bạc mà không tố giác có bị xử lý?

>> Đánh bạc bao nhiêu tiền thì bị truy tố hình sự?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X