hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 26/01/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Đã làm khai sinh mà chưa nhập khẩu có bị phạt?

Khai sinh mà chưa nhập khẩu có bị phạt không là vướng mắc của nhiều người, để có câu trả lời chuẩn nhất cùng theo dõi bài viết dưới đây của HieuLuat.

Câu hỏi: Tháng 12/2022, vợ tôi sinh con và tôi đã đi làm giấy khai sinh cho cháu, tuy nhiên tôi chưa làm thủ tục nhập khẩu. Cho tôi hỏi nếu làm khai sinh mà chưa nhập khẩu thì theo quy định hiện hành có bị xử phạt hành chính hay không? Và thủ tục nhập khẩu cho con thực hiện thế nào?

Khai sinh mà chưa nhập khẩu có bị phạt không?

Chào bạn, tại Luật Trẻ em, cụ thể là tại khoản 1 và khoản 3 Điều 5 quy định: “Bảo đảm để trẻ em thực hiện được đầy đủ quyền và bổn phận của mình” “Bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em trong các quyết định liên quan đến trẻ em”.

Do đó, có thể thấy việc đăng ký thường trú vừa là quyền vừa là trách nhiệm của mỗi công dân, nên khi trẻ được sinh ra nên thực hiện đăng ký thường trú sớm để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của trẻ em.

Trước đây tại khoản 3 Điều 7 Nghị định 31/2014/NĐ-CP quy định trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày trẻ em được đăng ký khai sinh, người có có trách nhiệm phải làm thủ tục đăng ký thường trú cho trẻ em đó.

Tuy nhiên, Nghị định 62/2021/NĐ-CP thay thế Nghị định 31/2014/NĐ-CP đã không còn đề cập đến thời hạn đăng ký thường trú cho trẻ mới sinh.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 12 Luật Cư trú năm 2020 về nơi cư trú của người chưa thành niên và tại khoản 6 Điều 19 Luật này cũng quy định công dân khi đủ điều kiện thì phải làm thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú.

Như vậy, dù không có quy định cụ thể về thời hạn bắt buộc trẻ phải đăng ký thường trú sau khi đăng ký khai sinh nhưng khi trẻ đã đủ điều kiện đăng ký thường trú mà không thực hiện thì bạn cũng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.

Hiện nay, mức phạt về vấn đề này được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 9 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP như sau:

- Phạt tiền từ 500.000 đồng – 1 triệu đồng đối với một số hành vi bao gồm hành vi không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, xóa đăng ký thường trú, xóa đăng ký tạm trú, tách hộ hoặc điều chỉnh thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú.

khai sinh mà chưa nhập khẩu có bị phạt không có thể bị phạt hành chính
Đã đăng ký khai sinh mà chưa nhập khẩu có thể bị phạt vì hành vi không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú.

Thủ tục nhập khẩu cho trẻ mới sinh

Thông tin trên đã trả lời cho vướng mắc khai sinh mà chưa nhập khẩu có bị phạt? Có thể thấy, nếu không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú người vi phạm sẽ bị phạt đến 1 triệu đồng. Vậy thủ tục nhập khẩu cho trẻ mới sinh thực hiện thế nào?

Bước 1 – Chuẩn bị hồ sơ

Hồ sơ nhập khẩu cho trẻ mới sinh được quy định tại khoản 2 Điều 21 Luật Cư trú, gồm:

- Tờ khai thay đổi thông tin cư trú (trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp hoặc người được ủy quyền, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản)

- Giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân với chủ hộ, thành viên hộ gia đình (trừ trường hợp đã có thông tin thể hiện quan hệ này trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú)

Điều 6 Nghị định 62/2021/NĐ-CP hướng dẫn giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân khi nhập khẩu cho con là giấy tờ, tài liệu để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con trong trường hợp của bạn chính là Giấy khai sinh. Ngoài ra nếu không có giấy khai sinh với các trường hợp khác có thể thay bằng một trong các giấy tờ như:

+ Chứng nhận hoặc quyết định việc nuôi con nuôi

+ Quyết định việc nhận cha, mẹ, con

+ Xác nhận của UBND cấp xã hoặc UBND cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã nơi cư trú;

+ Hộ chiếu còn thời hạn sử dụng có chứa thông tin thể hiện quan hệ nhân thân cha hoặc mẹ với con;

+ Quyết định của Tòa án, trích lục hộ tịch hoặc văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định, cơ quan khác có thẩm quyền xác nhận về quan hệ cha, mẹ với con.

Bước 2: Nộp hồ sơ

Căn cứ Điều 22 Luật Cư trú 2020, người đăng ký thường trú nộp hồ sơ đăng ký thường trú đến cơ quan đăng ký cư trú nơi mình cư trú, nộp hồ sơ trực tuyến tại Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quốc gia.

- Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký thường trú, cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra và cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người đăng ký; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn người đăng ký bổ sung hồ sơ.

Bước 3 – Giải quyết

- Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm:

+ Thẩm định, cập nhật thông tin về nơi thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú

+ Thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú

Nếu từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.

Lưu ý: Người đã đăng ký thường trú mà chuyển đến chỗ ở hợp pháp khác, đồng thời đủ điều kiện đăng ký thường trú thì có trách nhiệm đăng ký thường trú tại nơi ở mới theo quy định của Luật Cư trú 2020 trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày đủ điều kiện đăng ký.

Vừa rồi là những thông tin về việc khai sinh mà chưa nhập khẩu có bị phạt. Nếu còn băn khoăn hay vướng mắc bạn đọc có thể vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

Nguyễn Văn Tuấn

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Tuấn

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X