Với công dân nữ, không bắt buộc phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên, nếu có nguyện vọng và đáp ứng đủ tiêu chuẩn thì nữ vẫn có thể thực hiện nghĩa vụ này. Trước khi gia nhập Quân đội, giống như công dân nam, nữ cũng trải qua quy trình khám nghĩa vụ quân sự. Quy trình này thế nào?
Chào bạn, đầu tiên cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cho chúng tôi. Xin được gửi những thông tin liên quan đến câu hỏi của bạn như sau:
Nữ đi nghĩa vụ quân sự phải có ngành, nghề chuyên môn?
Nội dung này được quy định tại Điều 7, Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 về nghĩa vụ phục vụ trong ngạch dự bị.
Theo đó, yêu cầu phục vụ trong quân ngũ của nữ so với nam giới cao và nghiêm ngặt hơn.
Công dân nam trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự có nghĩa vụ phục vụ trong ngạch dự bị trong các trường hợp.
- Chưa phục vụ tại ngũ nhưng đã hết độ tuổi gọi nhập ngũ
- Đã thôi không còn phục vụ tại ngũ
- Đã thôi không còn phục vụ trong Công an nhân dân.
Tuy nhiên, để phục vụ trong ngạch dự bị đối với công dân nữ cần phải có ngành nghề chuyên môn phục vụ yêu cầu của Quân đội nhân dân.
Khám nghĩa vụ quân sự nữ như thế nào?
Trình tự khám nghĩa vụ quân sự nữ cũng được thực hiện như với công dân nam. Có nghĩa, công dân nữ cũng trải qua 02 vòng khám: sơ tuyển trại Trạm y tế cấp xã và khám nghĩa vụ quân sự do Hội đồng khám sức khỏe quân sự thực hiện.
Quy trình khám quy định tại Điều 5, Điều 6 Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP.
Vòng 1 – Sơ tuyển
Khám thể lực: Công dân nữ sẽ được đo chiều cao, cân nặng. Vì trong bảng tiêu chuẩn phân loại sức khỏe không có chỉ số của nữ giới, vì vậy nữ không phải đo vòng ngực.
Công dân nữ không phải đo vòng ngực khi khám nghĩa vụ quân sự. (Ảnh chụp văn bản)
Trong trường hợp cần thiết, sẽ xác định chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể dựa trên chiều cao, cân nặng)
Công dân nữ cũng sẽ được đo huyết áp, nhịp tim; khám mắt và đo thị lực.
Có thể đo khúc xạ bằng máy, cũng có thể chỉ kiểm tra thị lực qua bảng, tùy vào điều kiện kinh tế và tình hình máy móc, thiết bị ở địa phương.
Đồng thời cũng sẽ khám và phát hiện những dị tật và các bệnh thuộc diễn miễn thực hiện nghĩa vụ quân sự với nữ.
Bên cạnh đó, tại Trạm y tế xã khi khám cũng sẽ tiến hành khai thác tiền sử bệnh tật của bản thân, gia đình.
Sau khi khám sơ tuyển, nếu đủ tiêu chuẩn công dân nữ cũng được sẽ được vào khám vòng 2 với sự sàng lọc cao hơn.
Vòng 2 – Khám nghĩa vụ quân sự
Gồm các bước:
- Khám lại thể lực
Nam giới cởi bỏ hết quần áo dài, áo lót, được phép mặc 1 quần đùi. Nữ giới khi khám được phép mặc quần dài, áo mỏng.
Người khám phải bỏ mũ, nón và không được đi giày, dép
- Đo nhịp tim và đo huyết áp
- Khám thị lực, đo mắt: đo tật khúc xạ bằng máy, kiểm tra thị lực qua bảng thị lực
- Khám tai – mũi – họng: kiểm tra sức nghe, tình trạng chóng mặt, viêm họng
- Khám răng, hàm, mặt: về tình trạng và mức độ sâu răng, các bệnh về lợi, răng giả…
- Khám nội khoa, tâm thần và thần kinh: kiểm tra việc đổ mồ hôi tay, chân; mức độ ra mồ hôi; các bệnh, tật về cơ…
- Khám ngoại khoa, da liễu: khám các chứng bệnh như trĩ, da liễu…
Riêng với công dân nữ ở vòng 2 sẽ được khám sản phụ khoa: phần khám này được thực hiện nghiêm túc tại phòng khám bố trí kín đáo; thường khám sản phụ khoa do cán bộ chuyên môn là nữ thực hiện.
Trong trường hợp không có cán bộ chuyên khoa phụ sản có thể thay bằng bác sĩ ngoại khoa và phải có nhân viên nữ tham dự khi khám sản phụ khoa.
- Xét nghiệm: Công dân nữ được xét nghiệm máu và nước tiểu.
Công dân đạt tiêu chuẩn sức khỏe gọi nhập ngũ sẽ được xét nghiệm HIV.
Sau khi thực hiện xong quy trình khám, Hội đồng khám sức khỏe quân sự sẽ hoàn chỉnh, tổng hợp phiếu sức khỏe và báo cáo kết quả khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.
Thời gian khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự cho đợt nhập ngũ năm 2022 sẽ diễn ra từ 01/11 - hết ngày 31/12 năm nay. Trường hợp công dân nhập ngũ lần 2 vào năm 2022, Thủ tướng Chính phủ quyết định thời gian khám. |
Hi vọng những giải đáp trên đã cung cấp thêm thông tin về việc khám nghĩa vụ quân sự nữ cho bạn. Nếu còn có vướng mắc, bạn gửi câu hỏi để được chúng tôi hỗ trơ.
>> Công dân nữ đi nghĩa vụ quân sự làm những công việc gì?