hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 29/12/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Khám phát hiện bệnh nghề nghiệp là gì? Một năm khám mấy lần?

Khám phát hiện bệnh nghề nghiệp là một trong những quyền lợi của người lao động. Khám phát hiện bệnh nghề nghiệp là gì? Một năm khám mấy lần? Nội dung này được Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định như sau:

Câu hỏi: Có phải người lao động nào cũng được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp không? Khám phát hiện bệnh nghề nghiệp là gì? Một năm khám mấy lần? Mong nhận được giải đáp.

Khám phát hiện bệnh nghề nghiệp là gì?

Khám phát hiện bệnh nghề nghiệp là gì?

Trước hết, cần hiểu bệnh nghề nghiệp là những bệnh phát sinh do nguyên nhân là điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với sức khỏe của người lao động. Nội dung này được ghi nhận tại khoản 9 Điều 3 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015.

Theo điểm c khoản 1 Điều 6 Luật này thì khám phát hiện bệnh nghề nghiệp là một trong những quyền lợi của người lao động tiếp xúc với các yếu tố có hại có khả năng làm cho người lao động mắc bệnh nghề nghiệp, những người lao động đang làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hay công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại.

Đây là thủ tục/công việc do người sử dụng lao động tổ chức cho người lao động nêu trên tại các cơ sở khám chữa bệnh có đầy đủ yêu cầu về chuyên môn kỹ thuật. Theo Công văn 1794/MT-LĐ ngày 8/10/2020 thì hiện nay có 65 cơ sở y tế có đủ điều kiện thực hiện khám phát hiện bệnh nghề nghiệp.

Việc khám này nhằm mục đích kiểm tra sức khỏe, phát hiện, chuẩn đoán bệnh nghề nghiệp và lên phương án điều trị (nếu có).

Chi phí cho việc khám phát hiện bệnh nghề nghiệp mà doanh nghiệp trả sẽ được hạch toán vào phần chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp và hạch toán vào chi phí hoạt động thường xuyên đối với các cơ quan hành chính, các đơn vị sự nghiệp không có hoạt động dịch vụ.

Nội dung khám phát hiện bệnh nghề nghiệp

Nội dung khám phát hiện bệnh nghề nghiệpTheo Khoản 2 Điều 9 Thông tư 28/2016/TT-BYT thì nội dung khám phát hiện bệnh nghề nghiệp gồm có:

- Khai thác thông tin về cá nhân, tình trạng sức khỏe hiện tại, tiền sử bệnh tật của bản thân người lao động và gia đình của họ, thời gian tiếp xúc với các yếu tố có hại có thể gây bệnh nghề nghiệp. Mục đích: Ghi thông tin vào phần tiền sử tiếp xúc nghề nghiệp trong sổ khám sức khỏe phát hiện bệnh nghề nghiệp của người lao động.

- Khám lâm sàng (hệ hô hấp, tuần hoàn) và cận lâm sàng (chụp x-quang phổi, chụp cắt lớp, đo chức năng phổi,...) tùy thuộc vào từng bệnh; khám chuyên khoa để phát hiện các bệnh nghề nghiệp.

- Khám thêm chuyên khoa phụ sản: áp dụng với người lao động nữ.

- Làm thêm các xét nghiệm khác có liên quan đến các yếu tố có hại trong môi trường lao động (nếu cần).

- Nếu người lao động đã được khám sức khỏe định kỳ trước đó thì kết quả khám sức khỏe còn giá trị sẽ được sử dụng và thực hiện khám bổ sung thêm các nội dung còn lại.

- Đối với những bệnh nghề nghiệp không được bảo hiểm xã hội thì sẽ phải tiến hành khám đầy đủ các chuyên khoa căn cứ theo chỉ định của bác sỹ khám bệnh nghề nghiệp.

Câu hỏi liên quan đến khám phát hiện bệnh nghề nghiệp

Khám phát hiện bệnh nghề nghiệp 1 năm mấy lần?

Khoản 1 Điều 21 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 có quy định như sau:

“1. Hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho người lao động; đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần.”

Theo đó thì việc khám phát hiện bệnh nghề nghiệp được thực hiện ít nhất là 06 tháng một lần.

Đối tượng được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp

Theo Điều 6 Thông tư 28/2016/TT-BYT thì đối tượng phải khám phát hiện bệnh nghề nghiệp là những người lao động sau đây:

- NLĐ làm việc có tiếp xúc với những yếu tố có hại có khả năng mắc các bệnh nghề nghiệp hoặc NLĐ làm nghề, làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc/độc hại/nguy hiểm.

NLĐ nêu trên bao gồm cả: Người học nghề, người tập nghề; NLĐ đã nghỉ hưu hoặc NLĐ đã chuyển công tác không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp; hoặc NLĐ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc tại Khoản 1, Khoản 4 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội mà đang bảo lưu thời gian đóng BHXH hoặc đã có quyết định nghỉ việc chờ giải quyết chế độ hưu trí, trợ cấp hằng tháng.

- NLĐ không thuộc các đối tượng nêu trên nhưng chuyển sang làm nghề, làm công việc có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp.

Trên đây là nội dung về vấn đề "Khám phát hiện bệnh nghề nghiệp là gì? Một năm khám mấy lần?". Nếu còn vấn đề gì còn thắc mắc hoặc cần tư vấn thêm, mọi người có thể  liên hệ tổng đài 1900.6199 để được giải đáp một cách nhanh chóng và nhiệt tình nhất.
Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X