Kháng cáo là một hoạt động được thực hiện sau khi Toà án có thẩm quyền tuyên án và ra bản án. Vậy thực chất kháng cáo là gì? Kháng cáo có giống với kháng án không?
Kháng cáo là gì?
Kháng cáo là gì?
Pháp luật hiện hành không đưa ra quy định cụ thể về khái niệm của kháng cáo mà chỉ quy định đây là quyền của những người liên quan như: đương sự trong dân sự, bị cáo, bị hại,...khi cho rằng quyết định/ bản án của Toà án cấp sơ thẩm đã tuyên không phù hợp, không đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Kháng cáo được thể hiện qua hình thức Đơn kháng cáo thể hiện sự không đồng tình một phần hoặc toàn bộ nội dung quyết định/ bản án mà Toà án cấp sơ thẩm đã tuyên của người có quyền kháng cáo.
Từ đó thể hiện quan điểm, mong muốn và đề nghị Toà án cấp trên có thẩm quyền xem xét lại để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Kháng cáo được thực hiện phổ biến ở mọi lĩnh vực như: dân sự, hình sự và hành chính do đó mà người có quyền khác cao trong các lĩnh vực cũng khác nhau:
Theo quy định tại Điều 271 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì những người có quyền kháng cáo trong lĩnh vực dân sự bao gồm: đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự; cá nhân; cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp đến vụ/ việc dân sự đã được giải quyết.
Tại Điều 331 Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành lại quy định người có quyền kháng cáo trong lĩnh vực hình sự bao gồm:
Bị cáo, bị hại hoặc người đại diện của họ;
Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền kháng cáo về nội dung liên quan đến vấn đề bồi thường thiệt hại;
Người bào chữa kháng cáo để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người mà mình bào chữa là đối tượng dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về thể chất hoặc tinh thần;
Người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện của họ kháng cáo về nội dung liên quan đến quyền lợi cũng như nghĩa vụ của họ…
Tại Điều 204 Bộ luật Tố tụng hành chính năm 2015 quy định người có quyền kháng cáo trong lĩnh vực hành chính bao gồm: đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ.
Như vậy, kháng cáo được thực hiện ở mọi lĩnh vực và là sự biểu trưng cho tiếng nói, nguyện vọng cũng như mong muốn được bảo vệ một cách tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền kháng cáo trong một vụ việc cụ thể.
Kháng cáo có được giảm án không?
Kháng cáo có được giảm án không?
“Kháng cáo có được giảm án không?” là thắc mắc của rất nhiều người hiện nay. Việc bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của bị cáo thực hiện quyền kháng cáo trong lĩnh vực hình sự là thể hiện sự không đồng tình với quyết định/ bản án của Toà án đã tuyên và thường thể hiện mong muốn được Toà án cấp trên xem xét giảm nhẹ.
Vậy có phải mọi trường hợp kháng cáo đều được giảm án hay không?
Trước hết, việc kháng cáo để yêu cầu Toà án cấp trên có thẩm quyền xem xét giảm án phải được thực hiện trong thời hạn được quy định tại Điều 333 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và thông thường thời hạn được quy định là trong vòng 15 ngày kể từ ngày Toà án cấp sơ thẩm tuyên án.
Trong trường hợp người có quyền kháng cáo gửi đơn kháng cáo thông qua đường bưu chính thì ngày kháng cáo để tính thời hạn được xác định theo ngày bưu điện nơi gửi đóng dấu lên phong bì thư.
Đối với người kháng cáo là bị cáo đang thi hành tạm giữ hoặc tạm giam thì ngày kháng cáo được xác định theo ngày được người có thẩm quyền của nhà tạm giữ, tạm giam xác nhận. Do đó, để được Toà án có thẩm quyền xem xét giải quyết giảm nhẹ theo đơn kháng cáo thì trước hết phải nộp đơn kháng cáo trong thời hạn được quy định.
Nếu đơn kháng cáo bản án hình sự sơ thẩm được gửi trong thời hạn kháng cáo thì Toà án xét xử cấp phúc thẩm sẽ nhận đơn và thực hiện thẩm quyền xem xét của mình.
Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 355 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm có quyền sửa bản án sơ thẩm đã tuyên. Theo đó thì Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm có quyền sửa lại bản án và tuyên giảm nhẹ cho người phạm tội.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 50 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì việc Toà án có thẩm quyền xét xử quyết định hình phạt thì phải căn cứ thêm vào các tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng trách nhiệm hình sự của người phạm tội.
Do đó, nếu người kháng cáo cung cấp thêm các tình tiết giảm nhẹ hay cung cấp được những tài liệu, chứng cứ để chứng minh làm thay đổi vụ án theo hướng có lợi cho bị cáo thì Hội đồng xét xử phúc thẩm sẽ xem xét và sửa bản án sơ thẩm đã tuyên theo hướng giảm nhẹ án cho bị cáo.
Trong trường hợp bên phía bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ không cung cấp được các tài liệu, chứng cứ nêu trên thì Toà án cấp sơ thẩm có quyền không chấp nhận kháng cáo và giữ nguyên bản án sơ thẩm theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 355 Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành.
Như vậy, không phải mọi trường hợp kháng cáo đều được giảm án mà còn phục thuộc vào việc người kháng cáo có cung cấp được các tài liệu chứng minh mang hướng có lợi cho bị cáo hay không.
Kháng cáo và kháng án có giống nhau không?
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành thì việc yêu cầu Toà án cấp trên trực tiếp xem xét lại nội dung của quyết định/ bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật được thực hiện thông qua hoạt động kháng cáo (đối với người tham gia tố tụng) hoặc kháng nghị (đối với người tiến hành tố tụng, cơ quan có thẩm quyền).
Theo đó, Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành chỉ sử dụng thuật ngữ “kháng cáo” và “kháng nghị” mà không quy định về thuật ngữ “kháng án”. Vậy kháng án là gì? Kháng cáo và kháng án có giống nhau không?
Thực chất thì kháng án chính là quyền của bị cáo được Toà án cấp sơ thẩm tuyên xử vắng mặt, yêu cầu Toà án cấp sơ thẩm xem xét, sửa lại bản hình sự sơ thẩm đã tuyên.
Theo đó, kháng án cũng chính là một hình thức của kháng cáo hiện nay. Pháp luật tôn trọng quyền của những người tham gia tố tụng nên cũng xem yêu cầu của người bị Toà án cấp sơ thẩm xét xử vắng mặt cũng chính là một hình thức kháng cáo.
Trên thực tế thì “kháng án” là một thuật ngữ được dùng phổ biến trước đây. Còn ở thời điểm hiện tại, gần như thuật ngữ “kháng án” không còn được sử dụng nhiều mà thay vào đó được sử dụng hoàn toàn bằng thuật ngữ pháp lý là “kháng cáo”.
Theo đó, tất cả những người tham gia tố tụng làm đơn yêu cầu Toà án cấp phúc thẩm xem xét và sửa lại bản án sơ thẩm đã tuyên chưa có hiệu lực đều được gọi chung là “kháng cáo”.
Một vụ án được phép kháng cáo mấy lần?
Theo quy định của pháp luật về tố tụng hiện hành thì một vụ án sẽ được thực hiện xét xử qua 02 cấp là sơ thẩm và phúc thẩm.
Sau khi Toà án cấp sơ thẩm tuyên án nhưng người tham gia tố tụng không đồng ý với quyết định/ bản án đó thì có quyền thực hiện quyền kháng cáo của mình để yêu cầu Toà án cấp phúc thẩm xem xét, giải quyết theo trình tự phúc thẩm.
Do đó thì một vụ án chỉ có thể kháng cáo một lần.