hieuluat
Chia sẻ email

Khi nào cây xăng ngưng bán bị xử lý? Tích trữ xăng bị phạt thế nào?

Thời gian qua, đã tồn tại tình trạng một số cửa hàng xăng thông báo ngưng bán vì hết hàng, chờ giá xăng lên mới bán ra. Hành vi này bị xử lý thế nào? Với người dân tích trữ xăng thì sao, có bị phạt không?

Câu hỏi: Cho tôi hỏi, nếu cây xăng còn hàng nhưng không bán lại “găm hàng” trước thời điểm tăng giá sau đó mới bán tiếp thì có bị xử lý không? Trường hợp người dân mua xăng về tích trữ bị phát hiện có bị phạt không?

Chào bạn, xăng tăng giá là mối quan tâm cũng là nỗi lo của nhiều người, nhất là đối với người kinh doanh trong lĩnh vực vận tải. Về vấn đề bạn hỏi, chúng tôi xin được thông tin như sau để bạn có thể hiểu hơn.

Khi nào cây xăng ngưng bán sẽ bị xử lý?

Theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí tại khoản 4 Điều 35 Nghị định số 99/2020 thì chủ thể vi phạm các quy định về bán lẻ xăng dầu sẽ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng khi có một trong các hành vi:

- Giảm thời gian bán hàng so với thời gian niêm yết hoặc so với thời gian bán hàng trước đó mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

- Không bán hàng, ngừng bán hàng khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản hoặc không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

- Giảm lượng hàng bán ra so với thời gian trước đó mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Căn cứ quy định trên có thể thấy, nếu các doanh nghiệp tự ý tạm ngưng bán hàng mà không có lý do chính đáng hay không có thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì sẽ bị xử phạt hành chính với mức xử phạt đến 20 triệu đồng.

Bên cạnh đó, nếu cơ quan chức năng phát hiện chủ cây xăng có hành vi ngưng bán nhằm mục đích găm hàng để chờ tăng giá và đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Đầu cơ theo quy định tại Điều 196 Bộ luật Hình sự.

Với hành vi này, tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 15 năm. Cá nhân vi phạm đối diện với mức phạt cao nhất đến 5 tỷ đồng, pháp nhân thương mại phạt đến 9 tỷ đồng.

Mới đây, tại Công văn 1155/BCT-TTTN, Bộ Công Thương đã yêu cầu xem xét đình chỉ hoặc tước Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu nếu các cửa hàng bán lẻ xăng dầu hoặc các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có dấu hiệu ngưng hoặc hạn chế bán hàng mà không có lý do chính đáng.

khi nao ngung ban xang bi xu ly

Tổng cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo lực lượng tại 63 tỉnh thành tăng cường giám sát với mặt hàng xăng dầu trước các dấu hiệu khan hiếm và tăng giá xăng dầu, một số cửa hàng treo biển hết xăng hoặc bán nhỏ giọt.

Việc tăng cường kiểm tra, giám sát các cửa hàng kinh doanh xăng dầu nhằm kịp thời phát hiện các hành vi đầu cơ găm hàng, dừng hoạt động kinh doanh không thông báo, gây khan hiếm nguồn cung…

Tích trữ xăng dầu bị phạt thế nào?

Hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép chất nguy hiểm về cháy, nổ là hành vi bị nghiêm cấm theo Luật Phòng cháy chữa cháy 2001, được sửa đổi, bổ sung 2013.

Vì vậy, hành vi tích trữ xăng là vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự.

1. Xử phạt hành chính

Theo khoản 4 Điều 32, Nghị định 144/2021/NĐ-CP, sẽ phạt tiền từ 15 – 25 triệu đồng đối với hành vi tàng trữ trái phép chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ.

2. Truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo Điều 313 Bộ luật hình sự 2015, người có hành vi tàng trữ xăng dầu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy.

Tuỳ theo mức độ thiệt hại về người và tài sản, người vi phạm có thể bị phạt cải tạo không giam giữ, hoặc phạt tù.

Khung hình phạt cao nhất lên tới 12 năm tù, trong trường hợp:

- Làm chết 3 người trở lên

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên

- Gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên.

Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến 5 năm

Như vậy, hành vi tích trữ xăng dầu không nhằm mục đích kinh doanh mà phục vụ cho sinh hoạt cuộc sống hằng ngày… tiềm ẩn các nguy cơ về cháy nổ, không bảo đảm quy định về phòng cháy chữa cháy là trái với quy định của pháp luật. Vì vậy, người dân không nên tích trữ khi giá xăng giảm.

Trên đây là thông tin về vấn đề khi nào cây xăng ngưng bán bị xử lý? Nếu còn thắc mắc. bạn vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm

X