hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 10/03/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Khi nào người mắc Covid-19 vẫn được đi làm, đi học?

Hơn 02 năm kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, cuộc sống của toàn nhân loại đã có sự xáo trộn mạnh mẽ. Nhiều học sinh đã lâu không được đến trường, số người thất nghiệp gia tăng. 

Câu hỏi: Em muốn hỏi khi nào Covid-19 mới được coi như một bệnh thông thường như cúm hay sốt xuất huyết và người mắc vẫn được đi làm, đi học. Em làm trong ngành du lịch nên thất nghiệp đã gần 02 năm nay, chỉ mong muốn cuộc sống quay trở lại như trước kia.

Khi nào người mắc Covid-19 vẫn được đi làm, đi học?

Ngày 11/3/2020 tức tối 11/3 theo giờ Việt Nam là một ngày không thể quên đối với tất cả người dân trên toàn thế giới. Thời điểm này, tổ chức Y tế Thế giới WHO đã chính thức tuyên bố sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra là đại dịch toàn cầu.

Tại Việt Nam, ngày 01/4/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Quyết định 447/QĐ-TTg, công bố dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc, theo đó, đây là bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu.

Việc công bố bệnh dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân. Bởi theo quy định tại Điều 49 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007, người mắc bệnh dịch, người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh dịch thuộc nhóm A phải được cách ly. Hình thức cách ly bao gồm cách ly tại nhà, tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc tại các cơ sở, địa điểm khác.

Thực hiện đúng tinh thần của Luật, hiện nay, những người mắc Covid-19 và người tiếp xúc gần với người mắc Covid-19 đều phải cách ly y tế, tức là không được đi học, đi làm. Tùy vào tình hình sức khỏe, điều kiện cơ sở vật chất mà có thể được cách ly, điều trị tại nhà hoặc các cơ sở tập trung.

Vì thế, nếu một ngày người mắc Covid-19 vẫn được đi học, đi làm thì đó có lẽ là ngày Covid-19 bị đưa ra khỏi danh sách các bệnh truyền nhiễm nhóm A.

Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm quy định, bệnh truyền nhiễm nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.

Vì thế, nếu muốn đưa Covid-19 ra khỏi nhóm bệnh này, cần các điều kiện như tìm được thuốc chữa làm giảm tỷ lệ tử vong hoặc tìm hiểu được rõ các tác nhân gây bệnh để dễ dàng chữa khỏi.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02/2022, tổ chức vào ngày 03/3/2022, Thủ tướng đã giao Bộ Y tế đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh, có các biện pháp phù hợp, hiệu quả để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem Covid-19 là bệnh đặc hữu.

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, bệnh lưu hành, tiếng Anh là "endemic diseases", hay một số chuyên gia còn gọi là "bệnh đặc hữu" - là sự xuất hiện một cách ổn định của bệnh dịch hoặc tác nhân gây bệnh trong một khu vực địa lý hoặc nhóm quần thể dân số nhất định; hoặc còn hướng đến một tỷ lệ mắc bệnh thường gặp của một bệnh dịch trong một khu vực hoặc quần thể dân số nhất định.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có bất cứ dự báo nào về thời điểm Covid-19 được coi là bệnh thông thường hay bệnh lưu hành. Cho đến nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn coi Covid-19 trong tình trạng đại dịch và quan ngại tiếp tục xuất hiện các biến thể không lường trước được của virus SARS-CoV-2.

Vì thế, có lẽ, ngày người mắc Covid-19 vẫn được đi làm, đi học bình thường vẫn còn khá xa.

khi nao nguoi mac covid-19 van duoc di lam
Khi nào người mắc Covid-19 vẫn được đi làm, đi học? (Ảnh minh họa)

Điều gì xảy ra nếu Covid-19 không còn là bệnh truyền nhiễm nhóm A?

Khi Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A, người mắc bệnh có nhiều hạn chế di chuyển, đi lại, thêm nhiều nghĩa vụ như khai báo y tế, thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dịch, nhưng cũng có thêm một số quyền lợi.

Nếu Covid-19 bị loại ra khỏi danh sách các bệnh truyền nhiễm nhóm A, sẽ có một số thay đổi sau đây:

- Người dân được đi học, đi làm bình thường ngay cả khi nhiễm bệnh;

- Các cửa hàng, quán ăn không còn bị áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng trong vùng đang có dịch theo yêu cầu;

- Người mắc bệnh phải tự trả chi phí khám và điều trị bệnh hoặc được thanh toán qua bảo hiểm xã hội chứ không được ngân sách Nhà nước chi trả.

Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, trong thời gian này, Việt Nam chưa thể và cũng chưa nên coi dịch bệnh Covid-19 là "bệnh lưu hành" bởi những lý do sau:

- Trong nước, virus SARS-CoV-2 đã ghi nhận ở tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước và số trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 ghi nhận tại tất cả các tỉnh, thành phố, tuy vậy dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn chuyển tiếp giữa giai đoạn đại dịch sang giai đoạn "bệnh lưu hành".

- Tỷ lệ mắc bệnh Covid-19 chưa ổn định và có sự khác biệt rất lớn giữa các địa phương.

- Số trường hợp tử vong theo ngày vẫn còn rất cao so với những bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ từ vong hàng đầu trước đây.

- Virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi và ghi nhận các biến thể mới như Alpha, Delta, Omicron; kể cả trong các biến thể cũng liên tục xuất hiện các biến thể phụ, ví dụ biến thể Omicron đã ghi nhận các biến thể phụ BA.1, BA.2, BA.3 và các biến thể này có thể né được miễn dịch, gây tái nhiễm; do đó tỷ lệ mắc tại các quần thể cảm nhiễm là rất khó xác định và chưa có tính ổn định.

Trên đây là giải đáp khi nào người mắc Covid-19 vẫn được đi làm, đi học? Dù đây là hy vọng của nhiều người, coi Covid-19 là một phần của cuộc sống và sống chung với nó, nhưng các điều kiện hiện hành chưa cho phép như vậy.

Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm

X