hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 30/11/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Kho ngoại quan là gì? Một số điều cần biết về kho ngoại quan

Trong hoạt động xuất nhập khẩu, kho ngoại quan là một khu vực rất quan trọng trong việc điều tiết hàng hoá ra vào lãnh thổ Việt Nam. Vậy kho ngoại quan là gì? Có phải là khu phi thuế quan không?

Mục lục bài viết
  • Kho ngoại quan là gì? Vì sao phải gửi hàng hóa vào kho ngoại quan?
  • Kho ngoại quan có phải là khu vực hải quan riêng?
  • Hàng hóa nào được phép gửi vào kho ngoại quan?
  • Dịch vụ nào được thực hiện tại kho ngoại quan?
  • Trình tự, thủ tục thuê kho ngoại quan năm 2023
Câu hỏi: Cho tôi hỏi kho ngoại quan là gì, vì sao phải gửi hàng hóa vào kho ngoại quan? Và các loại hàng hoá nào được phép gửi vào kho ngoại quan?

Kho ngoại quan là gì? Vì sao phải gửi hàng hóa vào kho ngoại quan?

Căn cứ khoản 10 Điều 4 Luật Hải quan 2014, quy định kho ngoại quan là khu vực riêng biệt độc lập, được dùng nhằm mục đích lưu giữ và bảo quản các hàng hoá đã hoàn tất thủ tục hải quan được gửi để chờ xuất khẩu ra nước ngoài; hàng hoá từ nước ngoài được gửi vào để lưu giữ, bảo quản chờ tái xuất hoặc nhập khẩu vào thị trường Việt Nam.

Kho ngoại quan là gì?

Kho ngoại quan là gì?

Hiện nay, các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu cần gửi hàng hóa vào kho ngoại quan bởi các lý do dưới đây:

- Các hoạt động được thực hiện tại kho ngoại quan (đóng gói, phân loại hàng hoá,...) tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp gom hàng, đóng gói hàng từ các nhà sản xuất khác nhau của trong nước gửi đến. 

Do đó, giúp các doanh nghiệp đỡ tốn chi phí thuê kho ngoài và chi phí vận chuyển hàng hoá.

- Gửi hàng vào kho ngoại quan giúp cho chủ sở hữu hàng hoá không phải đóng thuế nhập khẩu, đặc biệt mang lại lợi ích đối với các loại hàng hoá cần tái xuất khẩu sang nước thứ ba.

- Là nơi để lưu kho, giảm thiểu chi phí lưu lại cont đối với những hàng hoá nhập từ nước ngoài mà chưa tìm được chủ hàng hoá trong nước.

- Cho phép được trực tiếp thực hiện các hoạt động mua bán, chuyển nhượng hàng hoá, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí trong việc mua bán, vận chuyển.

Kho ngoại quan có phải là khu phi thuế quan?

Căn cứ khoản 20 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC, khu phi thuế quan được quy định gồm có: Kho ngoại quan, Khu chế xuất, Doanh nghiệp chế xuất, Khu kinh tế thương mại đặc biệt, Kho bảo thuế, Khu bảo thuế và Khu thương mại công nghiệp hoặc khu kinh tế đặc biệt khác được hưởng các ưu đãi về thuế quan và được thành lập bởi Chính phủ.

Do đó, Kho ngoại quan được xác định là khu phi thuế quan. Hàng hóa được gửi vào kho ngoại quan từ nước ngoài hoặc từ các khu phi thuế quan khác không phải đóng thuế nhập khẩu nên được xem là khu phi thuế quan.

Kho ngoại quan có phải là khu vực hải quan riêng?

Theo khoản 10 Điều 4 Luật Hải quan 2014 quy định: 

Kho ngoại quan là khu vực kho, bãi lưu giữ hàng hoá đã làm thủ tục hải quan được gửi để chờ xuất khẩu; hàng hóa từ nước ngoài đưa vào gửi để chờ xuất khẩu ra nước ngoài hoặc nhập khẩu vào Việt Nam.

Theo khoản 4 Điều 3 Luật Quản lý ngoại thương năm 2017, khu vực hải quan riêng là khu vực địa lý xác định trên lãnh thổ Việt Nam được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; có quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa với phần lãnh thổ còn lại và nước ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu.

Dựa trên khái niệm về kho ngoại quan nêu trên, có thể hiểu kho ngoại quan là khu vực riêng biệt độc lập, được dùng nhằm mục đích lưu giữ và bảo quản các hàng hoá đã hoàn tất thủ tục hải quan để xuất khẩu/nhập khẩu. 

Vì vậy, kho hải quan được xác định là khu vực hải quan riêng biệt.

Hàng hóa nào được phép gửi vào kho ngoại quan?

Căn cứ Điều 85 Nghị định 08/2015/NĐ-CP, hàng hoá được phép gửi vào kho ngoại quan gồm có:

- Hàng hoá được doanh nghiệp nước ngoài đưa vào Việt Nam nhưng chưa ký kết hợp đồng mua bán hàng hoá với doanh nghiệp tại Việt Nam.

- Hàng hoá đã thực hiện xong thủ tục xuất khẩu.

- Hàng hoá của các doanh nghiệp Việt Nam đưa về Việt Nam để đợi nhập khẩu hàng hoá.

- Hàng hoá của các doanh nghiệp nước ngoài chờ tái xuất đến nước thứ ba.

- Hàng hoá đã hết thời hạn tạm nhập, phải thực hiện tái xuất theo quy định.

Hàng hoá nào được phép gửi vào kho ngoại quan

Hàng hoá nào được phép gửi vào kho ngoại quan

Dịch vụ nào được thực hiện tại kho ngoại quan?

Căn cứ Điều 83 Nghị định 08/2015/NĐ-CP, chủ sở hữu hàng hóa gửi kho ngoại quan có thể trực tiếp thực hiện hoặc uỷ quyền cho chủ kho ngoại quan/đại lý để làm thủ tục hải quan nhằm thực hiện các dịch vụ với hàng hoá được gửi tại kho ngoại quan sau đây:

- Thực hiện gia cố, chia gói và đóng gói bao bì; phân loại, đóng phép, bảo dưỡng hàng hoá; 

- Chuyển quyền sở hữu hàng hoá đó;

- Lấy mẫu hàng hoá phục vụ công tác quản lý hoặc làm thủ tục về hải quan;

- Trường hợp đối với kho ngoại quan chuyên dùng để chứa hóa chất, xăng dầu, nếu đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước liên quan đến hải quan và chuyên ngành có liên quan thì được phép pha chế và chuyển đổi chủng loại hàng hoá.

Trình tự, thủ tục thuê kho ngoại quan năm 2023

Căn cứ Điều 84 Nghị định 08/2015/NĐ-CP, trình tự thủ tục thuê kho ngoại quan hiện nay được quy định như sau:

*Đối tượng được thuê:

  • Cá nhân và tổ chức nước ngoài.

  • Cá nhân và tổ chức tại Việt Nam thực hiện kinh doanh xuất nhập khẩu.

*Trình tự, thủ tục thuê kho ngoại quan như sau:

Để thuê kho ngoại quan, chủ hàng hoá và chủ kho phải ký kết hợp đồng thuê kho ngoại quan. Trường hợp chủ hàng đồng thời là chủ kho thì không cần ký kết hợp đồng.

Hợp đồng thuê kho phải quy định rõ về thời gian hiệu lực và thời gian hết hạn hợp đồng, đồng thời thời hạn thuê kho phải ngắn hơn thời hạn hàng hóa được gửi tại kho ngoại quan. Thời hạn gửi tại kho ngoại quan được quy định tại khoản 1 Điều 61 Luật Hải quan 2014, cụ thể:

  • Thời gian lưu giữ hàng trong kho ngoại quan không được quá 12 tháng kể từ khi hàng được chuyển vào kho.

  • Các bên có thể được gia hạn thêm thời gian lưu giữ hàng trong kho 01 lần với thời hạn dưới 12 tháng nếu chủ hàng hoá có lý do chính đáng.

Ngoài ra, Cục Hải quan sẽ tiến hành thanh lý hàng hóa trong kho ngoại quan nếu thuộc một trong các trường hợp dưới đây:

  • Hết thời hạn hợp đồng thuê mà chủ hàng hoá hoặc người được uỷ quyền hợp pháp không đưa hàng ra ngoài kho ngoại quan.

  • Trong thời hạn hợp đồng mà chủ hàng hoặc người được chủ hàng uỷ quyền có văn bản đề nghị thanh lý hàng hóa đã gửi trong kho ngoại quan.

Trên đây là những thông tin về kho ngoại quan là gì. Nếu còn thắc mắc, hãy liên hệ đến:  19006199 để được tư vấn, giải đáp nhanh chóng.
Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X