hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 06/06/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Thủ tục khởi kiện chia di sản thừa kế là đất đai đã được cấp sổ hồng thế nào?

Phân chia tài sản thừa kế là một trong những thủ tục để những người có quyền được hưởng thừa kế được nhận tài sản hợp pháp của người để lại tài sản. Tuy nhiên, khi không có di chúc thì có thể phát sinh trường hợp người được hưởng tài sản thừa kế không nhất trí phân chia theo quy định pháp luật. Vậy, khi có người thừa kế không chịu phân chia theo quy định thì những người thừa kế còn lại cần phải làm gì để bảo vệ quyền được hưởng tài sản của mình?

 

Câu hỏi: Tôi xin chào Luật sư, tôi có sự việc mong được Luật sư hỗ trợ giải đáp như sau: Ông tôi có tất cả 4 người con, bà nội tôi và bố mẹ của ông tôi mất trước ông tôi từ rất lâu. Trước khi mất, ông nội tôi có chia thửa đất là tài sản riêng của ông cho các bác và bố tôi (là các con của ông). Việc chia tài sản là đất đai này chỉ được ông tôi nói miệng và chỉ có sự chứng kiến của các con mà không có di chúc.

Hiện tại, có 01 bác (anh trai của bố tôi) nổi lòng tham, chiếm đoạt tài sản của các anh chị em trong gia đình. Phần diện tích thửa đất mà ông tôi nói phân chia cho các con giờ đã được cấp Giấy chứng nhận mang tên người bác này của tôi.

Vậy, mong Luật sư có thể chỉ cho gia đình tôi cách để lấy lại phần diện tích đất mà người bác này đã chiếm đoạt của bố tôi và các bác khác là con của ông nội tôi không?

Chào bạn, với câu hỏi về việc phân chia tài sản thừa kế là đất đai đã được cấp sổ hồng, chúng tôi xin được giải đáp như sau:

Ai là người được hưởng tài sản thừa kế khi không có di chúc?

Với những thông tin mà bạn cung cấp, chúng tôi tạm thời cho rằng:

- Ông nội trước khi mất không lập di chúc miệng theo đúng quy định pháp luật. Và ông nội bạn trước khi mất không có di chúc;

- Ông nội bạn có 04 người con, ngoài ra không còn người con nào khác, đồng thời, cả 04 người con này của ông nội bạn đều còn sống;

- Thửa đất là tài sản riêng của ông bạn hiện tại đã được mang tên của một người bác của bạn;

- Hiện tại, mong muốn của bạn là muốn lấy lại phần diện tích đáng lẽ bố bạn và những người khác là con của ông nội bạn được hưởng từ người bác đã làm sổ đỏ mang tên của người bác đó.Dưới góc độ pháp lý, việc ông nội bạn chia (về bản chất là tặng cho) tài sản là đất đai cho các con mà không lập thành văn bản có công chứng/chứng thực là trái quy định pháp luật hay việc tặng cho này không được pháp luật công nhận là hợp pháp.

Mặt khác, nếu việc chia tài sản này là di chúc miệng của ông bạn thì chúng tôi không nhận được có người làm chứng, cũng không có sự xác nhận của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền về tính hợp pháp của di chúc miệng, nên tạm thời chúng tôi nhận định ông nội bạn không có di chúc miệng hợp pháp, do vậy không thể chia tài sản thừa kế theo ý nguyện này của ông được.

Từ những thông tin và nhận định trên, tài sản là đất của ông nội bạn được chia theo pháp luật, căn cứ quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015:

Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

=> Người được hưởng di sản thừa kế là đất đai mà ông nội bạn để lại là 04 người con của ông nội bạn, ngoài ra, không còn người nào khác được hưởng phần tài sản này.

Vì thế, bác của bạn (người bác có tên trên Giấy chứng nhận) chỉ có thể là người duy nhất được hưởng tài sản thừa kế nếu những người con còn lại của ông nội bạn từ chối nhận phần tài sản thừa kế của họ hoặc họ tặng phần của họ cho người bác này của bạn.

Người bác này của bạn tự ý làm sổ đỏ từ ông bạn sang cho mình mà không nhận được sự đồng ý của những người thừa kế còn lại là trái quy định pháp luật.

khoi kien chia di san thua ke


Khởi kiện yêu cầu chia tài sản thừa kế là đất đai đã được cấp sổ hồng thế nào?

Trước hết, phương án xử lý tối ưu, đơn giản và tiết kiệm chi phí nhất cho trường hợp của gia đình bạn là những con của ông nội bạn thỏa thuận, thống nhất và yêu cầu người bác đứng tên trên sổ hồng thực hiện tặng cho phần diện tích mà người bác này đang đứng tên cho những người con còn lại. Nếu người bác này không đồng ý thì gia đình bạn có thể thực hiện theo cách thức mà chúng tôi hướng dẫn dưới đây:

Do bạn chưa nói rõ cho chúng tôi được biết, thửa đất là tài riêng của ông nội tại thời điểm ông bạn phân chia cho các con đã được cấp Giấy chứng nhận hay chưa nên có thể phát sinh tình huống:

Tình huống 1: Tài sản là di sản của ông nội bạn đã được cấp sổ lần đầu mang tên ông nội bạn

Nếu thửa đất là di sản của ông nội bạn thuộc trường hợp đã được cấp sổ lần đầu mà hiện tại sổ hồng mang tên riêng của người bác của bạn (như thông tin bạn đã cung cấp) thì có thể:

- Thời điểm nhận di sản thừa kế đã có sự tặng cho quyền sử dụng phần diện tích thửa đất thừa kế từ những người còn lại cho bác bạn;

- Hoặc tại thời điểm nhận di sản thừa kế đã có sự từ chối nhận di sản thừa kế của những người còn lại;

=>Bạn cần kiểm tra lại thông tin từ bố mình và các bác đã thực hiện việc từ chối hay tặng cho hay chưa. Nếu đã thực hiện thủ tục này thì không thể kết luận rằng việc cấp sổ hồng mang tên người bác này của bạn là trái quy định pháp luật được.

Nếu tại thời điểm nhận tài sản thừa kế mà không có sự đồng ý tặng cho của những người còn lại hoặc những người này không từ chối nhận di sản thừa kế mà bác bạn vẫn làm được sổ đỏ mang tên của mình thì không loại trừ khả năng có một số giấy tờ cấp sổ đỏ đã bị làm giả (giả thông tin hoặc giả chữ ký…). Lúc này, những người con của ông nội bạn có thể thực hiện:

+ Yêu cầu Tòa án nhân dân có thẩm quyền hủy hồ sơ, giấy tờ sang tên quyền sử dụng đất khi nhận thừa kế từ ông nội bạn;

+Từ đó, đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp cho người bác này của bạn trong trường hợp Giấy chứng nhận không đúng đối tượng.

Quyết định/bản án của Tòa án là căn cứ để các bên thực hiện.

Lưu ý: Tòa án nhân dân có thẩm quyền tiếp nhận, thụ lý giải quyết vụ việc này của bạn là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất. Để được Tòa án giải quyết thì bạn cần có đơn khởi kiện được điền đầy đủ thông tin theo mẫu và các tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn chứng minh việc cấp Giấy chứng nhận cho 01 người bác của bạn là trái quy định pháp luật (giấy tờ có thể là giấy khai sinh của những người con của ông bạn, giấy chứng tử của ông bạn và giấy tờ về đất đai đã cấp cho ông bạn…)

Tình huống 2: Tài sản là di sản của ông nội bạn chưa được cấp sổ lần đầu mà việc cấp sổ lần đầu là cấp cho người bác của bạn

Tương tự như trường hợp ở tình huống 1, việc cấp sổ hồng lần đầu đối với thửa đất là di sản của ông bạn để lại cho 01 người bác của bạn chỉ được thực hiện khi những người còn lại từ chối nhận di sản thừa kế hoặc tặng phần di sản thừa kế mà họ được hưởng cho người bác này của bạn.

Nếu những người còn lại không từ chối hoặc không tặng cho người bác này của bạn phần diện tích mà họ được thừa kế thì những người con còn lại của ông nội bạn có thể thực hiện:

- Khởi kiện tới Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất yêu cầu hủy hồ sơ cấp sổ lần đầu của người bác của bạn và thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp do cấp không đúng đối tượng. Tại đây, bên bị kiện (bị đơn) là người bác đứng tên trên giấy chứng nhận còn người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất và những người được hưởng di sản thừa kế còn lại;

- Hoặc khởi kiện tới Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi có đất yêu cầu hủy Giấy chứng nhận đã cấp cho người bác của bạn do cấp sai quy định pháp luật (không đúng đối tượng và không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận). Tại đây, bên bị kiện là Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là người bác đứng tên trên sổ hồng của bạn và những người được hưởng di sản thừa kế còn lại.

Tình huống 3: Từ thời điểm ông nội bạn mất đến thời điểm người bác của bạn làm sổ hồng đứng tên riêng của bạn đã quá 30 năm và người bác này của bạn là người trực tiếp quản lý di sản

Do bạn chưa nói rõ thời điểm mà ông nội bạn mất và thời điểm mà người bác này của bạn thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận mang tên của mình là thời điểm nào nên cũng không thể loại trừ trường hợp đã quá thời hiệu 30 năm để chia tài sản thừa kế là bất động sản theo quy định tại Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015:

Điều 623. Thời hiệu thừa kế

1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;

b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.

=> Nếu bác của bạn là người đang quản lý tài sản thừa kế (sử dụng, quản lý công khai) và đã quá 30 năm kể từ thời điểm ông nội bạn mất thì người bác này của bạn có căn cứ để được cấp Giấy chứng nhận mang tên riêng của mình theo quy định pháp luật.

Như vậy, đối với trường hợp của bạn, cách đơn giản, trực tiếp nhất để giải quyết là thỏa thuận với người bác đứng tên trên Giấy chứng nhận và để người bác này thực hiện thủ tục tặng cho cho những người còn lại. Trong trường hợp người bác này không đồng ý phân chia thì những người còn lại có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết, phân chia tài sản.

Trên đây là giải đáp thắc mắc về khởi kiện chia di sản thừa kế, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.

>> Con riêng có được quyền thừa kế tài sản của cha dượng, mẹ kế không?

>> Thủ tục tách thửa đất được nhận thừa kế thế nào?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X