hieuluat
Chia sẻ email
Chủ Nhật, 14/05/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Không có giấy chuyển tuyến có được hưởng bảo hiểm không?

Việc khám, chữa bệnh trái tuyến mà không có giấy chuyển tuyến hiện nay diễn ra rất phổ biến. Vậy trường hợp người bệnh không có giấy chuyển tuyến có được hưởng bảo hiểm không?

Câu hỏi: Xin chào Hieuluat, mẹ tôi bệnh trở nặng nên tôi muốn đưa mẹ ra bệnh viện Trung ương. Trong trường hợp tôi không xin được giấy chuyển tuyến thì bảo hiểm y tế có chi trả không? Mức chi là bao nhiêu?

Không có giấy chuyển tuyến có được hưởng bảo hiểm không?

Nhiều người không biết khi không có giấy chuyển tuyến có được hưởng bảo hiểm không. Để trả lời, ta xét các quy định sau:

Theo khoản 6 Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi, bổ sung năm 2014) từ 2021 trở đi, người có bảo hiểm y tế đi khám chữa bệnh trái tuyến tại các bệnh viện tuyến tỉnh sẽ được chi trả chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng quy định.

Trong đó, mức hưởng bảo hiểm y tế cho những người đi khám trái tuyến được quy định tại khoản 3 Điều này bao gồm:

- Chi trả 40% khi đến bệnh viện tuyến Trung ương;

- Chi trả 100% khi đến bệnh viện tuyến tỉnh;

- Chi trả 100% khi đến bệnh viện tuyến huyện.

Từ đây có thể thấy, bảo hiểm y tế tiến hành thông tuyến tỉnh nội trú trên toàn quốc từ năm 2021. Do vậy, người bệnh không có giấy chuyển tuyến vẫn được hưởng bảo hiểm khi đi khám nội trú.

Không có giấy chuyển tuyến có được hưởng bảo hiểm không?

Không có giấy chuyển tuyến có được hưởng bảo hiểm không?

Chi tiết mức hưởng bảo hiểm y tế dành cho người khám trái tuyến

Theo quy định tại khoản 3, khoản 5 và khoản 6 Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) thì mức hưởng bảo hiểm khi khám chữa bệnh trái tuyến được quy định như sau:

- Tại bệnh viện tuyến trung ương: Bảo hiểm chi trả 40% chi phí điều trị nội trú dựa trên mức hưởng đúng tuyến, nghĩa là:

  • Người được hưởng 100% chi phí khám nội trú đúng tuyến: được trả 40% chi phí khi khám nội trú trái tuyến;
  •  Người được hưởng 95% chi phí khám nội trú đúng tuyến: được trả 38% chi phí khi khám nội trú trái tuyến;
  • Người được hưởng 80% chi phí khám nội trú đúng tuyến: được trả 32% chi phí khi khám nội trú trái tuyến.

- Tại bệnh viện tuyến tỉnh: Bảo hiểm chi trả 100% chi phí điều trị nội trú dựa theo mức hưởng đúng tuyến, nghĩa là:

  • Người được hưởng 100% chi phí khám nội trú đúng tuyến: được trả 100% chi phí khi khám nội trú trái tuyến;
  •  Người được hưởng 95% chi phí khám nội trú đúng tuyến: được trả 95% chi phí khi khám nội trú trái tuyến;
  • Người được hưởng 80% chi phí khám nội trú đúng tuyến: được trả 80% chi phí khi khám nội trú trái tuyến.

- Tại bệnh viện tuyến huyện: Được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh thuộc phạm vi thanh toán của bảo hiểm.

*Đặc biệt: Đối với người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo có bảo hiểm y tế đang sống tại vùng khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn; người có thẻ bảo hiểm y tế sống tại huyện đảo, xã đảo đi khám, chữa bệnh trái tuyến:

- Đến bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh khám: Được thanh toán chi phí điều trị nội trú dựa theo mức hưởng trên thẻ;

- Đến bệnh viện tuyến huyện khám chữa bệnh: Được chi trả 100% tiền khám chữa bệnh theo phạm vi thanh toán của bảo hiểm y tế.

Để được hưởng đầy đủ quyền lợi bảo hiểm y tế, đặc biệt là không phải đồng chi trả đối với các chi phí khám, chữa bệnh thì Hieuluat khuyến khích mọi người nên đi khám, chữa bệnh đúng tuyến.

Đặc biệt trong trường hợp người dân bị mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh mạn tính...muốn chuyển nơi điều trị thì nên lấy giấy chuyển tuyến từ cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu để hưởng quyền lợi từ bảo hiểm y tế cũng như chính sách hỗ trợ của Nhà nước (nếu có).

Trên đây là nội dung về không có giấy chuyển tuyến có được hưởng bảo hiểm không? Nếu còn câu hỏi khác, xin vui lòng liên hệ 19006199 để được hỗ trợ, tư vấn.

Lê Ngọc Khánh

Tham vấn bởi: Luật sư Lê Ngọc Khánh

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X