Việc nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng khá phổ biến, nhiều người còn hiểu đây là sống thử. Như vậy, việc sống chung như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, liệu có bị phạt?
Sống chung mà không đăng ký kết hôn có bị phạt?
Căn cứ quy định tại Điều 14 Luật hôn nhân và gia đình 2014 về Giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì:
Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng.
Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định.
Nếu nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng nhưng sau đó thực hiện việc đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật thì quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm đăng ký kết hôn.
Còn tại Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về điều kiện kết hôn thì nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện
- Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên
- Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định
- Không bị mất năng lực hành vi dân sự
- Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn
Như vậy, nếu bạn và bạn gái bạn có đủ điều kiện kết hôn như đủ tuổi, tự nguyện sống chung, không thuộc các trường hợp cấm kết hôn… thì được pháp luật thừa nhận về việc sống chung như vợ chồng khi chưa có giấy đăng ký kết hôn và không bị phạt về điều này.
Quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm đăng ký kết hôn. (Ảnh minh họa)
Làm đám cưới nhưng không đăng ký kết hôn có sao không?
Chào bạn, hai bạn chưa thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền mà chỉ tổ chức đám cưới thì chỉ là thủ tục nhằm thông báo cho họ hàng hai bên về việc hai bên quyết định chung sống với nhau nhưng lại chưa làm phát sinh quan hệ hôn nhân vợ chồng.
Vì theo khoản 1 điều 3 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn.
Và gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau.
Mặt khác theo quy định tại Điều 9 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch.
Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định thì không có giá trị pháp lý.
Như vậy, nếu chỉ tổ chức hôn lễ mà không tiến hành đi đăng ký kết hôn thì sẽ không có giá trị pháp lý. Vợ chồng bạn chưa bị ràng buộc với nhau về những quyền và nghĩa vụ vợ, chồng trong thời gian chung sống
Một trong hai người vẫn có thể thực hiện việc kết hôn và đăng ký kết hôn với người khác. Điều này có thể làm cho tranh chấp có thể xảy ra, dẫn đến những sự việc không mong muốn.
Chính vì vậy để đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ và tránh những tránh chấp không đáng có về sau thì vợ chồng bạn nên đăng ký kết hôn nếu xác định chung sống lâu dài với nhau.
Có con chung nhưng không đăng ký kết hôn, con mang họ ai?
Căn cứ theo quy định tại Điều 16 Luật hộ tịch năm 2014; Nghị định 123/2015/NĐ-CP, Thông tư 04/2020/TT-BTP thì các loại giấy tờ khi khai sinh cho con gồm:
1. Tờ khai theo mẫu
2. Giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Nếu không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh và nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh.
3. Nếu cha mẹ đã đăng ký kết hôn thì phải xuất trình giấy đăng ký kết hôn
Có thể thấy, việc khai sinh cho con nếu vợ chồng đã đăng ký kết hôn thì cần xuất trình cả loại giấy tờ này.
Như vậy, nếu không có giấy đăng ký kết hôn, khi khai sinh bé sẽ được mang họ của mẹ. Tuy nhiên, nếu bạn muốn bé mang họ của cha thì cần thực hiện thủ tục nhận cha con trước rồi mới làm khai sinh cho con. Thủ tục nhận cha con được quy định Điều 19 Nghị định 123/2015/NĐ-CP.
>> Xem thêm: Không đăng ký kết hôn, có phải con chỉ được mang họ mẹ?
Trên đây là thông tin giải đáp về vấn đề không đăng ký kết hôn có bị phạt? Nếu còn thắc mắc khác về chủ đề này, độc giả vui lòng để lại câu hỏi tại đây hoặc liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.