hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 18/08/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Không đi học mẫu giáo có được vào lớp 1 hay không?

Không đi học mẫu giáo có được vào lớp 1 là vấn đề mà nhiều phụ huynh quan tâm? Để giải đáp thắc mắc này của nhiều người, mời các anh/chị tham khảo bài viết này.

Mục lục bài viết
  • Không đi học mẫu giáo có được vào lớp 1 hay không?
  • Trẻ em mấy tuổi được vào lớp 1?
  • Tuổi chính thức vào lớp 1
  • Một số trường hợp ngoại lệ học lớp 1 muộn hơn 
  • Trường hợp ngoại lệ học lớp 1 sớm hơn

Câu hỏi: Con tôi năm sau sẽ đủ tuổi vào lớp 1 tuy nhiên bé không có đi học mẫu giáo, như vậy liệu con tôi có đủ điều kiện vào lớp 1 hay không?

Tôi cần chuẩn bị hồ sơ nhập học như thế nào?

Không đi học mẫu giáo có được vào lớp 1 hay không?

Tại khoản 1 Điều 14 Luật Giáo dục 2019 có quy định như sau:

“Phổ cập giáo dục và giáo dục bắt buộc

1. Giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc.

Nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 05 tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở.”

Theo quy định nêu trên, trong hệ thống giáo dục quốc dân hiện nay chỉ có giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc.

Còn đối với giai đoạn mẫu giáo thì hiện nay Nhà nước chủ trương thực hiện việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 05 tuổi.

Đồng thời căn cứ khoản 8 Điều 5 Luật Giáo dục 2019 thì việc phổ cập giáo dục được hiểu là quá trình tổ chức hoạt động giáo dục để mọi công dân trong độ tuổi đều được học tập và đạt đến trình độ nhất định.

Như vậy giáo dục mầm non không phải là cấp bậc giáo dục bắt buộc đối với trẻ em.

Tóm lại trẻ em không bắt buộc phải đi học mẫu giáo trước khi vào lớp 1.

Không đi học mẫu giáo có được vào lớp 1?

Không đi học mẫu giáo có được vào lớp 1?

Trẻ em mấy tuổi được vào lớp 1?

Tuổi chính thức vào lớp 1

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 28 Luật Giáo dục 2019 có quy định như sau về độ tuổi học tiểu học:

“Cấp học và độ tuổi của giáo dục phổ thông

1. Các cấp học và độ tuổi của giáo dục phổ thông được quy định như sau:

a) Giáo dục tiểu học được thực hiện trong 05 năm học, từ lớp một đến hết lớp năm. Tuổi của học sinh vào học lớp một là 06 tuổi và được tính theo năm;”

Như vậy, theo quy định trên thì tuổi của học sinh khi bắt đầu vào học lớp 1 thông thường là 6 tuổi.

Một số trường hợp ngoại lệ học lớp 1 muộn hơn 

Tuy nhiên hiện nay pháp luật có quy định một số trường hợp ngoại lệ được quy định tại Điều lệ trường tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT.

Cụ thể Điều 33 Điều lệ trường tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT có quy định trong một số trường hợp đặc biệt sau thì trẻ em có thể vào học lớp 1 ở độ tuổi cao hơn quy định nhưng không quá 03 tuổi (trẻ từ 6 tuổi đến dưới 9 tuổi):

Thứ nhất, là trường hợp trẻ em khuyết tật, kém phát triển về thể lực hoặc trí tuệ;

Thứ hai, là trường hợp trẻ em ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

Thứ ba, là trường hợp trẻ em người dân tộc thiểu số;

Thứ tư, là trường hợp trẻ em mồ côi không nơi nương tựa;

Thứ năm, là trường hợp trẻ em ở nước ngoài về nước;

Thứ sáu, đối với con em người nước ngoài học tập, làm việc ở Việt Nam;

Còn đối với trường hợp trẻ em vào học lớp 1 nhưng đã vượt quá 03 tuổi so với quy định (trẻ em lớn hơn 9 tuổi) thì việc vào học sẽ do Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo tại địa phương quyết định.

Trường hợp ngoại lệ học lớp 1 sớm hơn

Ngoài ra điểm e khoản 1 Điều 35 Điều lệ Trường tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT cũng có quy định về trường hợp học vượt lớp trong phạm vi cấp học đối với học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ.

Tuy nhiên việc này cần trải qua thủ tục xem xét, được nhà trường đồng ý và được trưởng phòng Giáo dục Đào tạo quyết định.

Tóm lại:

  • Độ tuổi học vào lớp 1 thường là 6 tuổi.

  • Đối với một số trường hợp như trẻ em khuyết tật, trẻ có hoàn cảnh khó khăn, là người dân tộc, là trẻ em từ nước ngoài về nước hoặc là người nước ngoài thì có thể vào lớp 1 nếu từ 7 tuổi đến 9 tuổi.

  • Trường hợp trên 9 tuổi cũng có thể được cơ quan có thẩm quyền xem xét chấp thuận.

  • Trường hợp học sinh nhỏ hơn 6 tuổi nhưng phát triển sớm về trí tuệ và thể lực tốt thì có thể được xem xét được học vượt lớp 1.

Hồ sơ xin vào lớp 1 bao gồm những gì?

Hiện nay pháp luật không có quy định cụ thể về hồ sơ xin vào lớp 1 bao gồm những gì, mà theo quy định hiện nay, thành phần cần thiết trong hồ sơ xin vào lớp 1 sẽ do Phòng giáo dục và đào tạo của từng địa phương quyết định và ra thông báo.

Ngoài ra một số trường tiểu học tư thục cũng có thể có yêu cầu riêng về hồ sơ nhập học.

Về cơ bản, khi chuẩn bị cho con em vào lớp 1 phụ huynh cần chuẩn bị hồ sơ xin nhập học gồm những loại giấy tờ sau:

  • Đơn xin nhập học dựa theo mẫu của từng cơ sở giáo dục: Phụ huynh có thể tham khảo mẫu này tại cổng thông tin điện tử của từng trường hoặc liên hệ trực tiếp để được cung cấp mẫu.

  • Bản sao giấy khai sinh (bản có dấu mộc đỏ), lưu ý cần mang theo kèm theo bản chính để đối chiếu.

  • Giấy xác nhận nơi thông tin về cư trú của trẻ: Vì hiện nay đã bỏ Sổ hộ khẩu và sổ tạm trú nên phụ huynh có thể sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú hoặc giấy thông báo số định danh cá nhân.

  • Giấy chứng nhận trẻ đã hoàn thành chương trình phổ cập mầm non 5 tuổi (nếu có);

  • Giấy chứng nhận mức độ khuyết tật (nếu trẻ là diện khuyết tật).

Hồ sơ xin vào lớp 1 bao gồm những gì?

Hồ sơ xin vào lớp 1 bao gồm những gì?

Cần lưu ý là tại mỗi trường có thể có yêu cầu riêng về một số giấy tờ khác khi làm hồ sơ xin vào lớp 1, phụ huynh có thể liên hệ trực tiếp để nhận được hướng dẫn chi tiết.

Ngoài ra, hiện nay phần lớn các trường tiểu học tư thục và cả công lập đều có cổng thông tin điện tử, phụ huynh có thể tìm hiểu chính xác quy định của các trường về hồ sơ để có sự chuẩn bị tốt nhất.

Trên đây là thông tin liên quan đến không đi học mẫu giáo có được vào lớp 1. Nếu có bất cứ thắc mắc nào, vui lòng liên hệ theo số 1900.6192 để được hỗ trợ.

Nguyễn Văn Tuấn

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Tuấn

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X